|
2 cột gỗ chống sập mái nhà giữa một phòng học của Trường mầm non huyện Vĩnh Bảo Ảnh: Minh Hải |
Mặc dù đã lường trước những khó khăn về cơ sở vật chất các trường mầm non tại huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, nhưng khi kiểm tra thực tế, đoàn công tác của UBND thành phố (trong đó có Sở GD-ĐT) không khỏi bất ngờ trước thực trạng xuống cấp, thiếu an toàn của một số cơ sở mầm non.
Học nhờ, học tạm, phân tán
Điểm trường mầm non thôn 6 xã Dũng Tiến ( Vĩnh Bảo) là nhà văn hóa thôn, ọp ẹp, ẩm thấp, một bên cho các cháu học nhờ, một bên để đồ dùng phục vụ việc hiếu của thôn. Điểm trường này không có bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh và bất cứ thiết bị dạy học, vui chơi nào. Điểm trường mầm non cụm dân cư số 3 cùng xã cũng tương tự, học nhờ tại một địa điểm ghi là “Trung tâm văn hóa” nhưng không khác gì nhà kho bỏ hoang.
Điểm trường mầm non thôn Linh Đông 1, xã Tiền Phong (cùng huyện Vĩnh Bảo) xây dựng năm 1980 từ một dự án do Vương quốc Đan Mạch hỗ trợ. Điểm trường này có 4 phòng học, nhưng phải đóng cửa hai phòng vì dột nát, xuống cấp, không an toàn cho trẻ. Trông sáng sủa hơn một chút, Trường mầm non xã Vĩnh Tiến là ngôi nhà 2 tầng, có sân, vườn và một vài thiết bị vui chơi. Tuy nhiên, do xây dựng cách đây 36 năm, nên toàn bộ trần tầng hai của ngôi nhà đã hỏng, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Trước tình trạng này, chính quyền xã cấp đất, xây dựng ngôi trường mới 2 tầng trên diện tích 2 nghìn m 2, với 8 phòng học. Tuy nhiên, công trình khởi công xây dựng đã 3 năm nhưng chỉ chồng mộc được tầng 1 do không có kinh phí. Chính Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Thịnh cũng băn khoăn không biết đến bao giờ các cháu mới được học trong ngôi trường an toàn?
Tại huyện Tiên Lãng, một số điểm trường mầm non còn “thê thảm” hơn so với các điểm trường nói trên của huyện Vĩnh Bảo. Các điểm trường của xã Kiến Thiết, Bắc Hưng, Đông Hưng và Tiên Minh là những nhà kho của HTX, mục đích chỉ là trông, giữ trẻ bởi không có bất cứ thiết bị dạy học, vui chơi và công trình phụ trợ nào. Trong số này, điểm trường thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng gồm 2 phòng, nhưng một phòng xiêu vẹo, lung lay, cửa bung bản lề. Khu vệ sinh của Trường mầm non Liên Phong, xã Kiến Thiết ẩm thấp, tối tăm như chuồng nuôi gia súc. Điểm trường thôn Phương Đôi, xã Tiên Minh quá chật nên toàn bộ chăn đệm, đồ dùng sinh hoạt của các cháu để ngoài hiên.
Nói về tình trạng các trường mầm non còn khó khăn tại huyện Tiên Lãng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Lãng Đào Quang Chính bày tỏ “Hiện 55% số phòng học mầm non tại Tiên Lãng là nhà cấp 4, 24 phòng học tạm, 11 trường không có phòng làm việc của giáo viên, 12/25 trường không có nhà vệ sinh cho giáo viên, 84/244 nhóm lớp không có công trình vệ sinh cho các cháu…”. Còn Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Văn Lợi” trong số 230 phòng học mầm non của địa phương có 73 phòng xuống cấp, không an toàn.
Tập trung chống dột, chống sập
Trước tình trạng nhiều phòng học mầm non tại Vĩnh Bảo và Tiên Lãng xuống cấp, không an toàn cho trẻ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể chỉ đạo, trong tháng 3, các địa phương phối hợp với ngành GD-ĐT nhanh chóng rà soát, lập danh sách các phòng học mầm non dột nát, nguy cơ đổ sập, trình UBND thành phố để thành phố có kế hoạch hỗ trợ cải tạo, nâng cấp trong dịp hè. Trước mắt, tập trung chống dột, chống sập, nhằm bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng các cháu. Tiếp đó, trên cơ sở báo cáo quy hoạch các điểm trường mầm non của các địa phương, thành phố xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng lại một số trường cho phù hợp. Qua kiểm tra thực tế, Phó chủ tịch Hoàng Văn Kể cho rằng, mỗi xã không nên có quá 3 điểm trường, khoảng cách giữa các điểm trường phải theo quy định của ngành GD-ĐT, phù hợp với việc đưa đón trẻ của các gia đình.
Được biết, năm 2010, thành phố dự kiến chi khoảng 6 tỷ đồng cho chương trình chống dột, chống sập phòng học mầm non với mức hỗ trợ mỗi phòng 100 triệu đồng. Như vậy, khoảng 60 phòng học mầm non sẽ được cải tạo, nâng cấp ngay trong dịp hè tới. Sau chương trình này, thành phố tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng lại trường mầm non, thực hiện các nghị quyết của thành phố về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn từ nay đến 2015, tầm nhìn đến 2020.
Minh Anh