“Thuế đường”: Em xin…

Thời “cưỡi” ô tô, mô tô vênh vang phóng tít mù (đường “chùa”) sắp qua rồi nhé. Các tay lái lụa chuẩn bị mà nộp “thuế đường” nếu còn muốn “cưỡi” mấy “em” Toyota, SH…
Thời “cưỡi” ô tô, mô tô vênh vang phóng tít mù (đường “chùa”) sắp qua rồi nhé. Các tay lái lụa chuẩn bị mà nộp “thuế đường” nếu còn muốn “cưỡi” mấy “em” Toyota, SH…
>> Ô tô có thể phải chịu “thuế đường” 1,4 triệu một tháng

Hôm tết vừa rồi về quê, thằng cu em họ cho vợ đến “ốp” bằng được sang nhà chơi. Tới nơi đã thấy cu cậu hai chân cho lên ghế ngồi chồm chỗm rồi búng tay như mấy đại gia sành điệu ngồi bar, giọng kêu vợ ngọt như mía lùi: Cho anh chai bia em ơi. Làm một hơi hết sạch cốc, cu cậu ngập ngừng: Năm nay nhà em có tin vui. Còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, cu cậu đã vội nói: em “thay” con bò bằng “con” Dream Tầu. Vừa nói nó vừa đánh mắt tới “con” xe đang đắp chiếu dựng góc nhà.

“Con” Dream cũ mua lại với giá 3 triệu đồng, cả làng hơn 50% gia đình có xe máy, nghĩ cái cảnh đèo vợ bằng xe đạp để thiên hạ đi xe máy cho hít khói mà uất, thế là cu cậu nỉ non với vợ bán bò tậu xe. Có xe rồi cũng chỉ loanh quanh đi trong làng, hôm nào dũng cảm lắm thì đèo vợ ra đồng, về đến nhà lại mở nắp bình xăng ra ngó (đồng hồ kim xăng hỏng) rồi chép miệng: Thế là lại mất toi cân gạo rồi. Nhưng dù sao cưỡi xe máy vẫn khoái hơn là dắt bò.

Nộp phí bảo trì, liệu người dân có được đi trên đường to, không tắc?

Rồi đùng một cái cu cậu gọi điện, giọng hốt hoảng: Chết rồi bác ơi. Tưởng có chuyện gì hoá ra chả biết nghe đâu nói đi xe máy sắp tới phải nộp phí bảo trì đường mỗi tháng cả trăm ngàn. Than thở một hồi rồi cu cậu “chốt”: Bác phải giúp em hỏi cho kỹ xem có đúng vậy không để em còn tính.

Sang nhà hàng xóm đã thấy “chiếu chèo” mở từ bao giờ, thôi thì một lô xích xông câu hỏi cứ như mình là “cái rốn của vũ trụ” mà biết hết, “quyết” được hết. Nào là: Tôi chuẩn bị làm nhà, xi măng tăng 60.000 đồng một tấn, thép tăng 1 triệu đồng một tấn. Rồi, tôi nghe nói giá điện sắp tăng 18%, xăng cũng chuẩn bị tăng, ga tăng 15.000 đồng một bình, thực phẩm cũng đều nhảy chồm chồm mà lương vẫn “án binh bất động”.

Chị chủ nhà thì thỏ thẻ: “Nhà em có 2 cái xe máy nếu mỗi tháng phải nộp 200.000 đồng tiền phí bảo trì đường thì mất toi hơn chục cân gạo, 2 đứa con em ăn được một tháng”. Đúng là đàn bà, hơi tí đã kêu ngoắng lên, đường trải nhựa phẳng lỳ, mấy anh điện nước xẻ ra để làm cũng kêu, đường xấu cũng kêu, đường tắc cũng kêu. Cái kiểu đi “chùa” quen rồi giờ phải đóng phí thì khó chịu. Không nộp phí thì đi xe đạp cho vòng 2 eo ót nhé!

Gọi điện xin làm việc với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam để hỏi cho “ra ngô, ra khoai” thì ông kêu ốm đang ở nhà, nhưng ông cũng cho biết Tổng cục là nơi soạn thảo đề án và đã trình lên Bộ GTVT để Bộ xem xét trình lên Chính phủ.

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết hiện Bộ đang có 2 phương án thu phí bảo trì đường bộ là thu qua giá xăng dầu và thu theo đầu phương tiện. Nếu thu theo đầu phương tiện mức giá thu mỗi ô tô dao động từ 150.000 - 1,4 triệu/ tháng (tuỳ từng loại xe). Đối với mô tô, xe gắn máy mức giá là 80.000 - 150.000/tháng.

Thế là sắp “xong con ong” rồi nhé, dù thu kiểu gì thì các phương tiện cũng “chạy đâu cho thoát”. Đã đến lúc làm quen với “văn minh” cưỡi xe ra đường là mất tiền đi. Phải phóng xe trên đường to nghe vu vu gió thổi mới nghĩ được chuyện lớn như làm đường dưới đất, đường trên cao, đường cao tốc chứ quẩn quanh ngã sấp mặt vì mấy cái ổ gà như bây giờ thì ớn lắm.

Cu em lại gọi điện ồi ồi hỏi rồi thanh minh, thanh nga ra vẻ “ấm ức” lắm, nào là em chỉ đi quanh quẩn trong làng, đường thôn xóm làm gia đình em đều đóng góp, chả đi ra đường to bao giờ sao phải mất phí? Rồi thu như thế em đi ít cũng như người đi nhiều sao? Rồi xe của em có 3 triệu bạc, phí thu như vậy thì 3 năm là em “hoá vàng” xe còn gì.

Giải thích mãi mà nó chả nghe ra, bực cả mình phải quát lên: Chú chỉ nghĩ đến mình mà không chịu thương người khác, cứ nghĩ cỏn con như vậy sao mơ những giấc mơ lớn được. Thế là nó dịu giọng: Em xin… Máy điện thoại tò te tí…Cái cậu “Việt- teo” dạo này hay sinh sự, chuyện đang kết thì mất sóng cứ như bịt miệng người ta. Chả hiểu cu em xin vâng nộp phí bảo trì đường hay là em xin bán xe không biết?

Theo
Hùng Sơn
Pháp Luật & Xã Hội

Đọc thêm