Thường người ta chỉ nghĩ dùng thuốc lợi tiểu khi thận có “vấn đề” khiến việc đi tiểu lúc thì “bí bách”, lúc lại “nhỏ giọt”. Nhưng, công dụng của thuốc còn nhiều hơn thế và việc dùng nó không hề đơn giản.
|
Bằng cách tăng bài tiết nước tiểu, thuốc lợi tiểu làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn và do đó làm giảm phù (phù gây khó thở, sưng mắt cá chân ở người suy tim, hội chứng thận hư và suy gan). Thuốc lợi tiểu còn làm giảm hiện tượng sưng và căng ngực cho chị em trong những ngày trước “đèn đỏ” và làm giảm áp suất máu (điều trị bệnh cao huyết áp)…
Có bao nhiêu loại thuốc lợi tiểu?
Thuốc lợi tiểu được chia làm 5 nhóm: Nhóm thiazide, nhóm quai thận, nhóm chứa K+ (Potassium), nhóm ức chế men Carbonic hydrase (Diamox) và nhóm thẩm thấu.
Khi bác sĩ kê đơn
Hiển nhiên bạn không thể tự ý dùng thuốc lợi tiểu, dù nó thuộc nhóm nào. Tuy nhiên, việc hiểu công dụng của những thuốc mà bác sĩ kê theo toa cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc điều trị. Thông thường thì thuốc lợi tiểu được chỉ định dùng trong một số bệnh lý sau:
- Tăng huyết áp: tùy theo mức độ và giai đoạn để chọn đơn trị liệu hay đa trị liệu (phối hợp với thuốc hạ áp). Trong đó:
+ Nhóm thiazide được chỉ định trong tăng huyết áp đơn thuần, bệnh lý thận nhẹ, chưa suy thận.
+ Nhóm quai thận dùng trong tăng huyết áp của các bệnh thận, kể cả đã suy thận.
- Suy tim: Lợi tiểu là thuốc điều trị bước đầu và cơ bản trong suy tim. Song chúng cũng gây ra tác dụng phụ có hại cho tim như: làm giảm kali huyết, giảm magiê huyết dẫn tới loạn nhịp tim. Để “điều hòa” có thể kết hợp tương thích với thuốc lợi niệu tiết kiệm kali.
- Suy thận: Thuốc lợi tiểu bài tiết natri và kali dùng đối với người bệnh suy thận sẽ bị giữ lại trong cơ thể lâu hơn làm cho việc tăng kali huyết thêm nghiêm trọng. Do đó, chỉ có thể dùng thuốc nhóm quai thận, tuyệt đối không dùng nhóm thuốc khác.
- Thiên đầu thống: Thuốc ức chế men Carbonic anhydraza được chỉ định để điều trị bệnh này.
Nhận biết tác dụng phụ
Tùy thuộc vào cơ địa và bệnh lý của từng người mà thuốc lợi tiểu có thể gây các tác dụng phụ như: Dị ứng thuốc (với những biểu hiện: nổi mẩn, ngứa, đau bụng, đi ngoài…); hạ huyết áp, gây mất nước; rối loạn điện giải; rối loạn chuyển hóa và nội tiết (tăng hàm lượng đường, lipid và acid uric trong máu; gây liệt dương, vú to ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới).
Vì vậy cần dùng thuốc lợi tiểu hợp lý, không tự động dùng khi chưa có ý kiến của thầy thuốc, đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em để đề phòng các tai biến.
Những ai không nên dùng thuốc? - Bị rối loạn nước và điện giải, không điều chỉnh được. - Người bệnh suy thận: Không dùng loại thiazide và loại làm tăng kali. - Có bệnh về não, gan, bệnh gút, tiểu đường. - Chỉ dùng cho người cao tuổi khi rất cần thiết. - Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có thể dùng Lasilix nhưng phải rất hạn chế. Những tương tác nguy hiểm Thuốc lợi tiểu tương tác xấu với những thuốc nào? - Giảm tác dụng, dễ gây suy thận chức năng cấp nếu dùng cùng với thuốc chống viêm không đặc hiệu. - Làm tăng độc tính của digital và các thuốc chống loạn nhịp nếu tương tác với chúng. - Gây tụt huyết áp nặng hoặc suy thận cấp khi dùng cùng với thuốc ức chế men chuyển. - Tăng tác hại của các thuốc aminosid (như streptomycin, gentamycin...), céphalosporin và thuốc cản quang lên thận nếu được dùng đồng thời với các thuốc này. |
Bên cạnh đó, khi dùng thuốc lợi tiểu, một lượng lớn kali sẽ bị đào thải. Nhưng, bạn không nên quá lo lắng vì có thể tăng cường ăn chuối và uống nước cam… để bổ sung lượng kali bị mất. Bạn cũng nên lưu ý, nếu thấy mỏi mệt, buồn nôn, khát nước, mạch nhanh… phải đến ngay bác sĩ để khám xem có phải do tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu không và có hướng điều chỉnh thuốc thích hợp.
Nhất Nam