Thương cho trọn

Dư luận những ngày qua xôn xao trước việc quần áo cứu trợ bị biến thành giẻ lau. Nhìn nhận lại vấn đề, hiện tượng trên có lẽ không chỉ xuất phát từ nơi tiếp nhận lô quần áo này. Trong mục Thời sự và Bàn luận số trước, Báo Đà Nẵng đã từng đề cập đến tình trạng không ít người mang quần áo quá “date” đi ủng hộ. Có những cái cũ đến mức bị loại ngay từ… vòng gửi xe, trước khi có thể “được” trở thành giẻ lau.
Dư luận những ngày qua xôn xao trước việc quần áo cứu trợ bị biến thành giẻ lau. Nhìn nhận lại vấn đề, hiện tượng trên có lẽ không chỉ xuất phát từ nơi tiếp nhận lô quần áo này. Trong mục Thời sự và Bàn luận số trước, Báo Đà Nẵng đã từng đề cập đến tình trạng không ít người mang quần áo quá “date” đi ủng hộ. Có những cái cũ đến mức bị loại ngay từ… vòng gửi xe, trước khi có thể “được” trở thành giẻ lau.

Nhân đây, tôi cũng xin góp thêm đôi điều về chuyện của cho và cách cho, dù điều này chẳng có gì mới.

1- “Ô, cái túi ni mới hè!” - giấu lên đầu tủ. “Trời, răng cái áo dài hồng ni giống của mình hồi trước ghê” - giấu ra phía sau. Thử đoán xem những lời nói và hành động này diễn ra tại đâu? Xin thưa, tôi đã nghe lỏm được tại một nơi phân loại quần áo trước khi mang đi cứu trợ! Những người này thay vì sắp xếp theo bộ, theo tuổi người mặc để gửi ra vùng lũ, thì họ xáo tung lên để “xí” trước những cái còn mới và đẹp. Ăn chặn tiền cứu đói thì từng có rồi. Bữa nay còn nghe thêm chuyện “chôm” quần áo cứu rét. Mà người “chôm” có nghèo gì cho cam. Họ đi xe ga xịn đàng hoàng! Đã cho sao còn “ém” lại?

2- Các nạn nhân luôn cần hàng cứu trợ. Nhà hảo tâm đôi khi cần tiếng thơm. Có tiếng làm việc nghĩa thì có gì sai, nếu cái cách “lấy tiếng” không quá… Để hỗ trợ lương thực, người ta có thể mua hàng ngay tại địa phương có người cần giúp đỡ hoặc nơi gần đó nhằm tiết kiệm chi phí. Số tiền tiết kiệm này có thể để giúp thêm được nhiều người. Nhưng không, người ta muốn đi theo mình là đoàn xe hàng hùng hậu chạy dọc các nẻo đường. Một cán bộ làm công tác cứu trợ nhẩm tính, ví dụ với 5 tấn gạo chở từ Đà Nẵng ra Hà Tĩnh, tiền vận chuyển hết khoảng 4 triệu đồng. Thế thì sao không mang tiền ra đó mua, để có thêm vài tấn gạo nữa cứu đói cho bà con. Ví dụ thế thôi chứ thực tế nhiều nơi xa hơn, người ta vẫn cất công vận chuyển, bất chấp tốn kém và đường sá cách trở. Có chỗ, người ta không bỏ tiền vận chuyển mà muốn nơi nhận “góp gió” bằng cách chịu khoản chi phí này. Ôi, mà đã nghèo thì một khoản nhỏ nhất cũng là gánh nặng. Sao đã cho lại không cho cho trót?

3- Hầu như chưa lần nào đi đưa tin về cứu trợ mà chúng tôi không thấy bà con ngồi la liệt từ giờ này đến giờ khác đợi nhà tài trợ. Nhà hảo tâm cứ thủng thẳng mà đi, rồi cánh báo, đài có tới đủ hay chưa cũng là lý do để buổi trao quà được phép bắt đầu. Người nghèo đi nhận quà, được tới đâu chưa biết mà thấy mất nhiều quá. Trước hết là mất thời gian, sau nữa là mất ngày công lao động. Sao đã cho mà không cho cho lẹ?

Toàn Vân

Đọc thêm