“Thượng đế” dự án “Làng Việt kiều châu Âu” bị xử tệ

Cho rằng bị chủ đầu tư o ép đủ đường, một số khách hàng mua căn hộ ở hai toà chung cư CT1 và CT2 thuộc dự án “Làng Việt kiều Châu Âu” tại Hà Đông, Hà Nội đang liên kết với nhau để “kháng cự”, thậm chí lên kế hoạch khởi kiện ra tòa án…
Cho rằng bị chủ đầu tư o ép đủ đường, một số khách hàng mua căn hộ ở hai toà chung cư CT1 và CT2 thuộc dự án “Làng Việt kiều Châu Âu” tại Hà Đông, Hà Nội đang liên kết với nhau để “kháng cự”, thậm chí lên kế hoạch khởi kiện ra tòa án…
Phối cảnh dự án “Làng Việt kiều châu Âu”.

Thua thiệt ngay từ đầu

Theo các khách hàng đăng ký mua căn hộ ở hai toà chung cư CT1 và CT2, cuối năm 2008, họ chấp nhận đặt bút ký Hợp đồng (HĐ) góp vốn với chủ đầu tư là Cty TSQ Việt Nam  dù biết bị áp đặt nhiều điều khoản bất lợi, đặc biệt quy định sử dụng đô la Mỹ  làm đơn vị thanh toán, do vào thời điểm này thị trường bất động sản quá méo mó, cung ít cầu nhiều.

Đến quý III/2009, bên bán tiến hành ký HĐ bán căn hộ cho bên mua, HĐ này cũng  đã được bên bán soạn sẵn. Theo HĐ này, bên bán đã quy đổi đơn giá bán ra VND, nên tổng giá trị căn hộ cũng được quy đổi theo thành VND và tiền thanh toán theo tiến độ chia theo tỉ lệ % của tổng giá trị căn hộ cũng được quy định là VND.

Việc quy đổi đã áp dụng tỉ giá do bên bán quyết định tại thời điểm các bên ký HĐ bán căn hộ, tức là vào thời điểm quý III/2009 (khi đó tỷ giá 19.000VND/USD). Mặc dù các đợt thanh toán sau bên bán thông báo cho bên mua nộp tiền chậm hơn so với quy định của HĐ nhưng lại yêu cầu bên mua nộp bổ sung chênh lệch tỉ giá giữa thời điểm thanh toán đợt IV với thời điểm ký HĐ (Cty TSQ Việt Nam áp dụng tỉ giá do họ quy định tại thời điểm thanh toán đợt IV  là 20.600 VND/USD)

Chưa hết, để “hợp thức hóa” theo các quy định của pháp luật, trong hợp đồng soạn sẵn Cty TSQ Việt Nam đã đã xóa điều khoản “các khoản thanh toán bằng VND sẽ được tính toán theo tỷ giá được quyết định bởi bên bán”, tuy nhiên, lại bổ sung điều khoản: “phát sinh được tính tăng hoặc giảm nếu mức điều chỉnh biên độ tỉ giá giữa USD và VND công bố tăng hoặc giảm 2% so với thời điểm ký kết HĐ”.

“Đây là một quy định không rõ ràng! Quy định như vậy vẫn chỉ nhằm bảo đảm cho bên bán thu được tiền bán căn hộ trượt theo tỉ giá tăng do họ quy định tại thời điểm thanh toán. Lợi dụng vào quy định  không rõ ràng này, Cty TSQ Việt Nam đã thực hiện việc thu tiền muộn hơn so với thời hạn quy định trong HĐ và áp dụng tỷ giá do họ quy định tại thời điểm thanh toán.

Như vậy, bên mua sẽ chịu thiệt đơn thiệt kép: bên bán thu tiền càng muộn thì tỉ giá trượt càng cao, bên mua càng phải nộp thêm nhiều tiền chênh lệch tỉ giá; bên bán lấy lý do họ thu tiền muộn thì họ có quyền bàn giao căn hộ cho bên mua muộn; khi đó bên mua vừa không có nhà để ở vừa phải trả thêm chênh lệch tỉ giá cao”- một khách hàng phân tích.

Áp lãi suất “cắt cổ”

“Việc thu tiền bán căn hộ theo tỉ giá do bên bán quy định tại thời điểm thanh toán, chính là một hình thức tăng giá bán căn hộ của bên bán trong khi trên thị trường giá bán căn hộ đang tuột dốc thê thảm…” – vị này tiếp tục bức xúc.

HĐ bán căn hộ quy định: “Đối với tất cả các khoản chậm thanh toán, bên mua đồng ý sẽ trả lãi chậm thanh toán (cộng bất cứ khoản thuế GTGT nào phải nộp) cho khoản quá hạn tính theo lãi suất cao nhất do ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ấn định tại thời điểm thanh toán được tính kể từ ngày quá hạn”. Thế nhưng theo các “thượng đế”, trên thực tế mức lãi suất cho vay cao nhất được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ấn  định ở quý II năm 2011 là 22%/năm nhưng Cty TSQ Việt Nam đã yêu cầu khách hàng  nộp phạt cho khoản thanh toán chậm với mức lãi suất 24%/năm.

“Công ty TSQ Việt Nam đã sử dụng USD làm đơn vị cho giá trị HĐ là vi phạm quy định về quản lý ngoại hối. Mặt khác, Cty TSQ Việt Nam không phải là một tổ chức tín dụng nên không có lý do gì để áp mức lãi cho vay lên đến 24% …”, các khách hàng lên tiếng.

Thanh Thanh

Đọc thêm