Thương hiệu 'ký ức' - lợi thế của xe Đông Âu?

(PLVN) - Những “tên tuổi” một thời như Uaz, Gaz, Kamaz…, với những dòng xe con, xe tải khá quen thuộc trên đường phố Việt Nam. Liệu đó có là lợi thế khi những thương hiệu này quay lại với thị trường 100 triệu dân Việt Nam? Phóng viên PLVN trao đổi với ông Đào Công Quyết – Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) về vấn đề này.
Ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban Truyền thông VAMA.

Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường ô tô tại Việt Nam khi thời gian gần đây có sự xuất hiện của những thương hiệu vừa lạ, vừa quen với người tiêu dùng Việt Nam như Kamaz và Skoda?

- Thị trường ô tô Việt Nam sau một năm bứt phá, đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Những cơ hội mới trong phân khúc xe điện và sản phẩm giá rẻ sẽ là điểm nhấn, nhưng cũng đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách và hạ tầng. Trong bối cảnh này, xu hướng chuyển dịch sang xe xanh thân thiện môi trường cần nhiều nguồn lực đầu tư và sản xuất.

Những kết quả đạt được qua các năm gần đây cho thấy, năm 2023 đạt 301.989 xe và 2024 đạt 340.142 xe, tính bình quân với 68 xe/1000 dân, 34 xe con/1.000 dân. Điều đó có thể thấy, người dân sử dụng xe ô tô tại Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới… Thực tế, với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, thị trường ô tô tại Việt Nam rất tiềm năng… Hai thương hiệu Kamaz và Skoda có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam đã minh chứng điều đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự đổ bộ thị trường Việt Nam của những dòng xe Đông Âu là muốn phát huy thế mạnh của những thương hiệu đã từng quen thuộc với rất nhiều thế hệ người Việt?

- Thương hiệu xe Kamaz từng có mặt ở Việt Nam từ những năm 70 - 90 của thế kỷ trước, quen thuộc với người dân Việt Nam. Cùng với Gaz, Uaz, đến nay Kamaz là hãng sản xuất ô tô thứ ba của Nga được lập công ty liên doanh với đối tác Việt Nam để sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Do bị cạnh tranh bởi xe tải Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nên hãng xe này bị chững lại sau một thời gian. Với việc khôi phục lại thị trường đầy tiềm năng, Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân chiến lược của Công ty Kamaz trong hành trình mở rộng kinh doanh trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nhãn hiệu này.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình thị trường thay đổi, đường sá phát triển, nhu cầu khách hàng cần những sản phẩm có tính năng vận hành cao, nhiều thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam…, nên sản phẩm phải phù hợp và có tính cạnh tranh mới có thể thành công được.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của dòng xe Skoda và Kamaz trên thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới?

- Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, khách hàng có thể có thêm lựa chọn vào 2 thương hiệu này. Tuy nhiên, nó tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và đón nhận từ khách hàng với thương hiệu đó.

Skoda lựa chọn lắp ráp tại Việt Nam các dòng xe hướng tới phân khúc SUV hạng B và Sedan hạng B phù hợp với thị hiếu và xu hướng của người Việt. Skoda cũng đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và thường nằm trong top 10 nhãn xe bán chạy nhất châu Âu, nhưng với thị trường Việt Nam thì Skoda vẫn cần thêm thời gian để lấy thêm thiện cảm của khách hàng. Với một thương hiệu mới, điều mà người dùng quan tâm còn là chi phí vận hành, sửa chữa, thay thế phụ tùng và thậm chí cả thời gian chờ đợi phụ tùng.

Kamaz đến với Việt Nam với mục tiêu cụ thể và tầm nhìn chiến lược dài hạn với dự định quảng bá. Cùng với đó, nếu Kamaz có thể cải thiện hoặc tương thích sản phẩm của mình với các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường Việt Nam, họ sẽ có cơ hội lớn để thu hút khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm