Thương hiệu thế mạnh của Lâm Đồng

Trong danh mục hàng hóa sản xuất tại Lâm Đồng, thử làm một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” những người dân và du khách biết đến những thương hiệu hàng hóa nào nhất.
Trồng hoa trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế, mang lại giá trị thương hiệu.

Trong danh mục hàng hóa sản xuất tại Lâm Đồng, thử làm một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” những người dân và du khách biết đến những thương hiệu hàng hóa nào nhất.

Câu trả lời thu được đó là: Trà Atiso, rượu Vang, Chè B’lao… và rau hoa các loại. Quả đúng vậy, mặc dù trên vùng đất Nam Cao nguyên này không thiếu các sản vật mang tính đặc trưng của Lâm Đồng, nhưng để trở thành một thương hiệu thế mạnh nắm giữ lợi thế cạnh tranh, mở ra triển vọng phát triển với quy mô công nghiệp cần tiếp tục khuyến khích đầu tư mở rộng.

Vẫn biết rằng Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa xưa nay, nhưng để có một nền canh nông sản xuất rau, hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao với quy mô công nghiệp mang lại giá trị cao hơn trên cùng diện tích canh tác thì chỉ mới hình thành cách đây gần 15 năm. Cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực trồng hoa quy mô công nghiệp chính là một doanh nghiệp đến từ nước ngoài đó là Công ty Đà Lạt Hasfarm. Sự đầu tư của Đà Lạt Hasfarm như làn gió mới thổi vào vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng đánh thức tiềm năng đất đai, gợi mở hướng đi hiện đại hóa nền nông nghiệp chất lượng cao.

Người sáng lập Đà Lạt Hasfarm, ông Thomas Hooft - Tổng Giám đốc Đà Lạt Hasfarm kể rằng: Những năm 1994, do công ty sản xuất hoa ở Inđônêsia không  đáp ứng đủ lượng hoa xuất khẩu, ông đã từng lặn lội qua một số nước trong khu vực Đông Nam Á để mở rộng đầu tư sản xuất và Đà Lạt - Lâm Đồng chính là nơi lý tưởng để đầu tư mở trang trại chuyên sản xuất hoa xuất khẩu. Khi ấy người dân Đà Lạt đã nổi tiếng trồng hoa trong nước nhưng chưa ứng dụng công nghệ trồng rau, hoa trong nhà kính như bây giờ. Từ sự xuất hiện của công ty, chỉ vài năm sau người dân đã ứng dụng công nghệ trồng hoa trong nhà kính, ban đầu chỉ vài chục ha đến nay đã mở rộng ra hàng ngàn ha với 6 - 7 ngàn hộ nông dân tham gia trồng hoa trong nhà kính.

Trong vòng 10 năm qua, diện tích và sản lượng hoa các loại luôn tăng trưởng nhảy vọt với  sản lượng hoa xuất khẩu năm 2009 của Lâm Đồng đạt 120 triệu cành, thu về 13 triệu USD. Bên cạnh đó mỗi năm Đà Lạt cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 10 triệu cây hoa giống không những đa dạng về chủng loại, màu sắc có giá thành chỉ bằng một phần ba so với giống ngoại nhập. Vị trí quán quân trong trong sản xuất, kinh doanh hoa, trở thành một thương hiệu mạnh ở Lâm Đồng, đó là Đà Lạt Hasfarm, với thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng ra các nước Nhật, Hàn, Úc… công ty là doanh nghiệp xuất khẩu hoa tươi hàng đầu Việt Nam và khu vực. Cùng với hoa, cây rau cũng được đưa vào sản xuất theo quy trình rau an toàn. Nếu như năm 2000 diện tích gieo trồng khoảng 14.700 ha, sản lượng 328.000 tấn thì nay đã lên tới gần 43.646 ha với sản lượng rau thương phẩm các loại gần 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ cây rau chủ yếu trong nước, sản lượng rau xuất khẩu mới chỉ dừng lại từ 10 - 15 ngàn tấn.

Là địa phương đang giữ nhiều nhiều kỷ lục của ngành chè Việt Nam: Sở trà đầu tiên, diện tích canh tác, sản lượng  lớn nhất nước với 21% diện tích và sản lượng chiếm 27%cả nước, có mô hình trồng chè chất lượng cao cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm… Chính những lợi thế so sánh của cây chè so với các nơi, quá trình canh tác ngót gần thế kỷ từ ngày xuất hiện cây chè đầu tiên tích tụ làm nên thương hiệu “Trà B’lao” ngày nay. Cùng với sự du nhập các giống chè chất lượng cao như: Olong, Kim Tuyên, Ngọc Thúy… từ Đài Loan (Trung Quốc) mang lại một diện mạo mới trong lĩnh vực kinh doanh,sản xuất trà Lâm Đồng. Và sau hoa, cây trà đã đi vào lễ hội của chính mình, đó là Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng được tổ chức tại “thủ phủ” xứ trà Bảo Lộc. Để quảng bá thương hiệu sản phẩm trà Lâm Đồng, kích thích tiêu dùng, xuất khẩu.

Một cán bộ Sở Công thương cho hay, bình quân mỗi năm ngành chế biến chè tăng trưởng 8,3%, từ 30 ngàn tấn vào năm 2005 đến nay đạt 149 ngàn tấn. Thế nhưng những thương hiệu có giá trị xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao trên diện tích canh tác phải kể đến các sản phẩm trà chế biến từ nguyên liệu chè chất lượng cao chủ yếu là giống chè ngoại nhập. Một vài công ty hiện nay đã tạo dựng được thương hiệu có thể kể tên trên đầu ngón tay như HaiYih, Tâm Châu… với sản phẩm trà cao cấp Olong. Việc khai thác hiệu quả thương hiệu “Chè B’lao” là cả quá trình đặt ra phía trước, bởi để có những sản phẩm chất lượng, an toàn phải kết hợp đồng bộ giữa trồng, chăm sóc, chế biến theo các tiêu chuẩn khu vực và thế giới khi đó mới nâng cao giá trị, vị trí cây chè Lâm Đồng.

Thống kê cho thấy, trong vòng 3 năm qua, sản lượng chè ở Lâm Đồng tăng không đáng kể từ 185.000 tấn lên trên 190.000 tấn, sản lượng xuất khẩu tăng từ 7.680 tấn lên 9.800 tấn. Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 triệu USD. Một trong những thương hiệu nổi tiếng của Lâm Đồng không thể không nhắc tới đó là rượu vang Đà Lạt. Vang Đà Lạt đã từng được sản xuất cách đây 35 năm với sản phẩm vang dâu nhưng phải đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước mới đánh dấu sự trở lại của rượu vang Đà Lạt trên thị trường, hướng đến xuất khẩu vớ các sản phẩm vang của Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng.

Hiện tại có 3 công ty sản xuất rượu vang bao gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng, Công ty cổ phần Rượu bia Đà Lạt và Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Trong các công ty này thì Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng là thương hiệu được nhiều người biết đến, được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền và hiện tại chiếm 2/3 tổng sản lượng vang của Đà Lạt với hơn 2,3 triệu lít/năm. Bên cạnh những thương hiệu đã có vị trí trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận kể trên, ngoài ra còn có các thương hiệu khác như trà Atisô  mà trong đó các công ty đã xây dựng được thương hiệu phải kể đến Công ty Dược và Vật tư y tế Lâm Đồng, Công ty Thái Bảo, Doanh nghiệp Ngọc Duy...

Theo ông Trần Minh, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công thương cho biết: các thương hiệu này tuy có sản lượng hàng năm tăng cao nhưng quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ và xét trên các tiêu chí thì mới dừng lại ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó dù là những thương hiệu mạnh của Lâm Đồng nhưng giá trị thương mại mang lại chưa cao. Riêng đối với cà phê, có diện tích sản xuất đứng vào hàng tốp đầu trong nước nhưng chỉ mới đánh bóng xuất khẩu thô chứ chưa có sản phẩm tinh chế mang thương hiệu riêng doanh nghiệp, mới chỉ dừng lại thương hiệu tập thể “Cà phê Di Linh”.

Cũng theo Sở Công thương, ngành công nghiệp Lâm Đồng mỗi năm đạt tốc độc tăng trưởng trên hai con số, trong đó công nghiệp chế biến chiếm tới hơn 60% tỷ trọng toàn ngành, nhưng nếu xét sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói gắn nhãn mắc sản phẩm theo quy trình khép kín thì các chủng loại hàng hóa của Lâm Đồng có giá trị thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần trong nước và xuất khẩu vẫn còn ở dạng tiềm năng lớn cần tiếp tục khuyến khích đầu tư mở rộng từ phía nhà nước và doanh nghiệp.

Xuân Trung

Đọc thêm