Thương nhớ vô cùng, Phan Quý ơi!

Những bài hát tiền chiến, những bài hát được sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ, tranh đấu ở các đô thị miền Nam. Những bài hát theo thời gian vẫn nồng nàn cháy bỏng. Với anh em chúng tôi, giờ đây trái tim vẫn đập rộn ràng mỗi khi lắng đọng tâm hồn để thưởng thức.

Những bài hát tiền chiến, những bài hát được sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ, tranh đấu ở các đô thị miền Nam. Những bài hát theo thời gian vẫn nồng nàn cháy bỏng. Với anh em chúng tôi, giờ đây trái tim vẫn đập rộn ràng mỗi khi lắng đọng tâm hồn để thưởng thức.
Có thể những ca sĩ nổi tiếng thể hiện bài hát rất hay, rất điệu nghệ nhưng thật giản dị biết bao nếu như bé Mỹ Hoa hát những ca khúc “Đêm hồng” - “Người em gái lao động” - “Biển nhớ” hay Phan Quý thể hiện “Dư âm” - “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” - “Việt Nam trên đường chúng ta đi” - “Thuyền em đi trong đêm” làm xao động con tim chúng tôi bội phần bởi cái chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, có sức lan tỏa lạ lùng.

Anh Nguyễn Đăng Hải ở Mặt trận nói với tôi “anh Phan Quý hát cái bài gì mà chị em ở Mặt trận Hà Nội khoái lắm”, tôi bảo: “Thuyền em đi trong đêm của Nguyễn Phú Yên”. Chị em Hà Nội mới chỉ nghe Quý hát một vài bài hát phong trào, ít ai biết rằng trong những năm tháng tranh đấu trong phong trào sinh viên, học sinh ở đô thị miền Nam, với những đêm đốt lửa trại, những đêm không ngủ, những lần bãi khóa xuống đường trong bom đạn ác liệt của chiến tranh, đặc biệt trong lao tù hà khắc của địch ở Côn Đảo – miền Nam, tiếng hát cháy bỏng của Quý, của đồng đội vẫn còn vang vọng đến bây giờ, vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi, là niềm tin, là hy vọng, dẫu hiện tại kẻ còn người mất nhưng cái âm hưởng xa xưa không thể xóa nhòa.

Mấy hôm nay, từ khi Phan Quý ra đi, trong sâu thẳm lòng mình tôi quá xót xa, ray rứt. Cái gánh nặng trĩu trên vai Quý không san sẻ được cho ai, số phận nghiệt ngã trong đời thường không sao tránh được. Dẫu biết rằng lý giải cho bất cứ điều gì đã, đang và sẽ diễn ra đều có nguyên do của nó, cái đúng, cái sai, cái được, cái mất đã nằm sẵn đấy rồi, song để thoát ra khỏi những ràng buộc hết sức trớ trêu thì chỉ còn tin vào định mệnh.

Quý tham gia hoạt động Cách mạng rất sớm, từ tháng 7 năm 1969 lúc mới 16 tuổi, chặng đường từ đó đến nay quá đỗi gập ghềnh, truân chuyên, gian nan, khổ hạnh. Ai cũng nói rằng Quý hiền lành, điềm đạm, dễ thương, đúng là mẫu con nhà Mặt trận, thực sự anh em trong phong trào có quyền tự hào về rất nhiều những con người, tỷ như hai người đều mang tên Quý. Một Trần Phú Quý vô cùng linh hoạt, sôi nổi, nhiệt tình, xông pha đầu súng ngọn gió, đúng mũi chịu sào, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Trần Phú Quý đã hy sinh năm 1974, trước khi thoát ly, tuổi 19.

Một Phan Quý bề ngoài như thế, nhưng trong chiến tranh, chiến đấu giữa lòng địch, chiến đấu trong lao tù, Phan Quý là người gan dạ, kiên định lập trường, lạc quan yêu đời, dũng cảm, rất mực thủy chung. Quý xứng đáng với lòng tin yêu của mọi người, của bạn bè, của đồng đội.

Cuối cuộc đời, Mặt trận thành phố là điểm đến, điểm dừng yên ắng nhất. Mới đây thôi, Quý bảo tôi: Đừng trách cứ bất kỳ ai, tất cả từ nơi Quý mà ra. Quý vô cùng thương mẹ, thương vợ, thương con và anh chị em, lẽ ra Quý xin nghỉ công tác từ lâu lắm rồi, bởi không muốn phiền lụy đến ai nhưng Quý quyết không đầu hàng số phận, âm thầm chịu đựng, lặng lẽ vươn lên. Lẽ ra tôi phải mừng cho Quý mới phải, nhưng Quý càng tự tin, tôi càng lo cho Quý.

Quý ơi, biết nói gì đây, vào thời điểm này, khi Quý đã vĩnh viễn đi xa, bao lo toan phiền muộn, toan tính của bạn dừng lại. Bạn yên tâm đi, một người tốt như bạn, biết hy sinh như bạn, không nỡ lòng nào trời đất không chứng tri.

Thời trai trẻ, vô tư, hồn nhiên, trong sáng, cái lý tưởng của bọn mình nhắm đến chỉ là niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, là nước nhà độc lập, thống nhất tự do. Bọn mình, không thằng nào nghĩ đến cái lợi riêng tư, ích kỷ, không màng danh vọng giàu sang. Bây giờ cũng thế, dẫu cuộc đời có biến hóa vạn năng thì trong tim bọn mình vẫn không thay đổi.

Quý ơi, chúng ta còn có niềm tin và chân lý luôn tồn tại.

Đỗ Pháp

Đọc thêm