Thưởng Tết cho giáo viên là một việc làm tích cực và nên làm, nhưng không phải địa phương nào cũng có thể áp dụng. Đáng nói, Bộ GD&ĐT cũng không có chủ trương thưởng Tết cho giáo viên dù các ngành nghề khác đều rất coi trọng vấn đề này.
Miền núi - thưởng Tết là 1 gói bột ngọt
Khi hỏi tiền thưởng Tết, nhiều giáo viên miền núi bật cười “Làm gì có mà hỏi bao nhiêu?”. Nói nghe không tin được. Ngay cả công nhân, lao động cũng có tiền thưởng Tết, chí ít cũng được vài trăm nghìn. Nhưng giáo viên, mà đặc biệt giáo viên miền núi lại càng không có gì. Nam Trà My (Quảng Nam) là một huyện miền núi nghèo, cũng như các huyện miền núi còn khó khăn khác, thầy cô giáo tham gia giảng dạy ở đây không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, về sự tiếp thu không nhanh nhạy của học trò, về việc di chuyển mỗi khi đến mùa mưa lũ; và đến Tết lại chạnh lòng vì không có tiền thưởng Tết như làm các ngành nghề khác.
|
|||
Ngành Giáo dục rất cần nghiên cứu đến những chính sách tưởng thưởng cho giáo viên vào dịp Tết . |
Thầy Nguyễn Trường Sinh - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cho biết, với 419 giáo viên (chưa kể nhân viên, cán bộ trong ngành - PV) công tác tại huyện miền núi Nam Trà My này đều không có chế độ nhận tiền thưởng Tết. Thông thường, trường nào linh hoạt trong kinh phí do ngành phân cấp về thì có thể có được một khoản nhỏ để thưởng, nhưng hiếm khi có trường hợp dư, vì kinh phí hoạt động vốn đã quá ít. Mới đây ngành giáo dục huyện cũng có sự phân bổ kinh phí từ Hội đồng Nhân dân, nhưng trong các khoản cũng không có khoản tiền thưởng Tết cho giáo viên.
Cũng xoay quanh câu chuyện này, thầy giáo Nguyễn Đức Yên - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: Thông thường, với giáo viên của trường, mỗi dịp Tết đến, dù cố gắng, nhưng lãnh đạo nhà trường cũng chỉ dựa vào khoản thu của Công đoàn dư ra (khoản này cũng thu từ giáo viên trong trường), mua quà Tết cho giáo viên. Ở miền núi, giáo viên không có tiền cho học sinh thì thôi, đừng nói đến chuyện thu bất kỳ loại lệ phí nào khác mà nghĩ đến chuyện chi dư. Thông thường, nhiều nhất cũng chỉ được 2 gói bột ngọt/người.
Thầy Yên bảo: “Biết là khó khăn nhưng cũng xoay xở đến vậy, vì đây là tình hình chung của ngành, có phải riêng trường nào đâu!”. Nhiều giáo viên miền núi dù cũng biết tình hình chung trong ngành là vậy, nhưng mỗi lần vượt 100km từ trường để về nhà đón Tết, trong hành trang chỉ có 2 gói bột ngọt thưởng Tết, thấy lòng cũng buồn cho nghề nghiệp của mình. Chưa kể đường về xuôi rất khó khăn, chi phí mỗi lần về Tết chỉ riêng tiền xe cũng tốn vài trăm ngàn, không được sự hỗ trợ nào, quả thật là rất thiệt thòi.
Thầy giáo Nhị, công tác tại huyện miền núi này 8 năm, tâm sự: “Dù cũng có nhiều thiệt thòi, nhưng khi lên đến đây công tác, nhìn hoàn cảnh của các em học sinh miền núi - khó khăn chồng chất, mọi suy nghĩ về những thiếu thốn của mình cũng vơi bớt. Chỉ mong sao có thể truyền thụ cho các em những tri thức mới, để thay đổi được cuộc sống vốn rất nghèo nàn ở vùng miền núi này!”.
Thành phố - 500.000 đồng/người
Trong khi giáo viên miền núi hầu như hoàn toàn không có tiền thưởng Tết, thì ở thành phố, tiêu biểu như Đà Nẵng, mức thưởng Tết cho giáo viên được thành phố khá quan tâm. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố thì mức thưởng trong Tết Đinh Sửu là 500.000 đồng/người đối với giáo viên trong ngành. Có thể nói, đây là mức thưởng Tết khá đặc biệt dành cho giáo viên, không nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện được. Và đây cũng xem như một bước chuyển cần phát huy trong những chủ trương chung của thành phố.
Bên cạnh đó, có nhiều trường linh hoạt trong chi tiêu nội bộ, cũng có những nơi giáo viên ngoài mức thưởng của thành phố còn được thêm từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho mức thưởng Tết. Thầy Đặng Nhứt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Đà Nẵng cho biết, Tết năm nay, giáo viên của trường sẽ được nhận mức thưởng 100.000 đồng từ tiền chi tiêu tiết kiệm ngân sách phân bổ; còn có khoản tiền thưởng từ Công đoàn, sẽ từ 50.000 đồng - 100.000 đồng. Đó là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo nhà trường trong việc thực hành tiết kiệm, chi tiêu hạn chế. “Với mục đích động viên giáo viên, vì sau một năm làm việc, cũng mong có một phần thưởng, dù nhỏ nhưng cũng là món quà Tết ý nghĩa mà lãnh đạo nhà trường muốn mang đến cho giáo viên. Cũng gọi là có thưởng Tết như các ngành nghề khác!”.
Dù vậy, đối với ngành nghề cao quý này, mức thưởng Tết có thể nói là quá thấp so với những lĩnh vực khác. Không nhiều nơi có được mức thưởng Tết cho giáo viên như Đà Nẵng, bởi đây là cách làm riêng của thành phố. Đã đến lúc ngành Giáo dục cần có một chính sách của ngành trong việc điều chỉnh chế độ tưởng thưởng cho giáo viên trong dịp Tết, bởi có vậy, thì mới có thể tạo động lực tốt cho những người thầy đứng trên bục giảng, tạo tâm lý có sự quan tâm của xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, thì từ đó, mới có thể hạn chế được những tiêu cực mà xã hội thường đề cập.
VIẾT THANH