Gương sáng Pháp luật

Thượng uý Trần Khánh Nam, C04 Bộ Công an: Cảm hóa để người dân ủng hộ đấu tranh phòng, chống ma tuý

(PLVN) - Tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng Thượng uý Trần Khánh Nam, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã có những cống hiến nhất định cho nền tư pháp nước nhà. 

Tuổi trẻ là không ngại xông pha, cống hiến

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 2011, từng có 1 khoảng thời gian làm luật sư chuyên phụ trách các vụ án về hình sự có liên quan tới ma tuý, đến năm 2015, anh Trần Khánh Nam (sinh năm 1989) mới chính thức bước chân vào ngành.

Với kiến thức và kinh nghiệm đã có trong khoảng thời gian làm luật sư, anh được lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Cục C04) tin tưởng giao nhiệm vụ liên quan đến pháp chế. Cụ thể, anh phụ trách chuyên đề Nghiệp vụ truy nã, truy tìm tội phạm ma tuý, sau có thêm kiểm tra hướng dẫn công tác nghiệp vụ.

Từ nhỏ, anh đã được tiếp xúc và sống trong môi trường kỷ luật của bố cũng là cán bộ cốt cán của Cục từ những ngày đầu thành lập. Vì vậy, ngay từ nhỏ anh đã có ước mơ được cống hiến cho nền an ninh nước nhà.

Thượng uý Trần Khánh Nam.

Thượng uý Trần Khánh Nam.

May mắn thay, năm 2015 – năm anh bước chân vào ngành cũng là năm hàng loạt các đạo luật của nước ta (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự…) được ban hành mới, đòi hỏi cần nghiên cứu hướng dẫn và ban hành văn bản hướng dẫn, phục vụ cho việc thực hiện công tác phòng chống ma tuý và anh đã được lãnh đạo tin tưởng giao cho nhiệm vụ này.

Trước khi về đơn vị, tôi đã nghiên cứu Bộ luật Hình sự rất kỹ nên khi được giao nhiệm vụ này, một số ý kiến đề đạt của tôi đã được các lãnh đạo tiếp nhận, đồng ý sửa đổi. Đó quả là một vinh hạnh đối với người mới vào nghề như tôi những năm tháng ấy”, anh Nam nhớ lại.

6 năm trong ngành tuy chưa phải là khoảng thời gian dài nhưng Thượng uý Trần Khánh Nam đã có những đóng góp nhất định cho nền pháp chế nước nhà. Trong đó, anh là một trong những người xây dựng Nghị định hướng dẫn tính tổng các chất ma tuý (2015 và 2018), đồng thời tìm ra những điểm chưa hợp lý trong Bộ luật Hình sự 2015 và đưa ra yêu cầu sửa đổi.

Năm 2018-2020, anh tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma tuý. Đây cũng chính là khoảng thời gian anh dồn sức trẻ, cùng các đồng nghiệp cống hiến hết mình.

Theo đó, vào năm 2018, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công An) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma tuý năm 2000. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo tổng kết kết quả thi hành, nhận thấy Luật này có một số vấn đề cần được sửa đổi một cách toàn diện chứ không còn chỉ là sửa đổi bổ sung nên anh và các cộng sự cùng phòng đã làm việc bất kể ngày đêm, từ giai đoạn trình đề nghị Chính phủ sửa đổi toàn diện cho đến lúc Luật Phòng chống ma tuý mới được thông qua.

Mặc dù khối lượng công việc nhiều đòi hỏi, phải hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn (9 tháng tính từ lúc Chính phủ phê duyệt phương án sửa đổi) nhưng anh đánh giá đây là khoảng thời gian công tác vui và ấn tượng nhất trong thời gian anh gắn bó với Cục C04.

Được làm việc với những người cộng sự tâm huyết, được phối hợp với những đồng chí nhiệt tình, nghiêm túc ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Ủy ban Xã hội…, anh cùng đồng nghiệp đã tập trung xây dựng Luật Phòng chống ma tuý không quản ngày đêm để hoàn thành kịp tiến độ, trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Và cuối cùng, “trái ngọt” cũng đến với cả đội. Trong rất nhiều những đạo luật trình Quốc hội khoá XIV vào Kỳ họp cuối cùng (kỳ họp thứ 11 – tháng 3/2021), chỉ duy nhất Luật Phòng chống ma tuý được Quốc hội thông qua với một số nội dung mới hoàn toàn như quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, được Quốc hội ủng hộ và không có phiếu phản đối nào từ các đồng chí đại biểu Quốc hội.

Không chỉ có thế, trong những năm đầu làm việc tại Cục C04, anh Nam đã xung phong tham gia công tác truy nã và truy tìm tội phạm ma tuý là 2 tử tù là Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ vượt ngục vào tháng 9/2017.

Thượng uý Nam là một trong gần 300 cán bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, Cục C04, Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Hoà Bình đã tóm gọn Nguyễn Văn Tình tại huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.

Quan trọng nhất là công cuộc “giành dân”

Qua những trải nghiệm thực tế từ việc truy nã, truy tìm tội phạm ma tuý cũng như thời gian trực chốt được anh em đồng nghiệp tâm sự nhiều câu chuyện trong những đợt đi đánh án trước đó, Thượng uý Trần Khánh Nam nhận thấy đây là một công việc rất vất vả và nguy hiểm.

Vì vậy, anh mong muốn việc xây dựng văn bản pháp luật sẽ giúp công việc của các đồng chí được thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả của công việc truy nã truy tìm tội phạm ma tuý.

Theo Thượng uý Nam, khi đi đến những địa phương, nắm được tình hình địa bàn các xã miền biên giới, càng những xã phức tạp về ma tuý thì đời sống người dân càng khó khăn. Nhiều người dân tham gia vào đường dây vận chuyển thuê ma tuý, tuy số tiền thù lao không lớn nhưng với họ đó là số tiền nuôi được cả gia đình trong một thời gian.

Theo Luật Phòng chống tội phạm ma tuý, đối tượng vận chuyển ma tuý bị bắt chỉ cần 1 lần đã có thể nhận bản án tử hình, đó là một sự đánh đổi lớn nhưng vì thu nhập thấp, những đối tượng này sẵn sàng đánh đổi. Thêm nữa, ở những địa phương nghèo, ai “đi theo” ma tuý lại có thể mua được nhà, mua được xe, con cái đi học đầy đủ… dẫn đến xảy ra tình trạng có nơi cả gia đình, dòng tộc, cả xóm làng theo ma tuý.

Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi muốn tham mưu để cho chính quyền các địa phương có những chính sách, phương án, biện pháp khiến đời sống kinh tế của người dân vùng biên giới ổn định hơn, dần dần đi lên mà không cần phụ thuộc vào ma tuý. Có như vậy mới giảm được tình trạng người dân vùng biên giới hỗ trợ tội phạm vận chuyển ma tuý và giảm được sự chống đối của người dân đối với chính quyền, với lực lượng an ninh làm nhiệm vụ”, anh Nam bày tỏ.

Lý giải căn nguyên của việc nhiều đối tượng đi theo ma tuý là do vấn đề kinh tế như trên, anh quan niệm, phòng chống tội phạm ma tuý không chỉ là việc đánh án, trấn áp vũ trang… mà còn là công việc của các cấp chính quyền và nhiều bộ, ngành khác. Trong những năm tháng tiếp xúc với nhiều vụ án, tôi nhận ra rằng, trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý không chỉ có súng đạn, mà cần có cả sự nhân văn.

Khi làm án ma tuý, các đối tượng tội phạm đều rất nguy hiểm, luôn sẵn sàng nổ súng. Điều này không sai nhưng ở khía cạnh khác, họ cũng là con người, cũng có những nhu cầu, chúng ta cần tìm hiểu nguyên do tại sao họ lại theo con đường ma tuý, do bản chất con người hay do hoàn cảnh khách quan dẫn đến”, anh lý giải.

Theo anh, vẫn có những đối tượng vì tham lam, muốn có nhiều tiền hơn nữa nhưng cũng có những đối tượng chỉ vì trang trải cuộc sống mà chấp nhận vận chuyển hàng chục cân ma tuý, đi bộ băng rừng hàng chục cây số chỉ để nhận về vài triệu đồng.

Thậm chí họ còn kéo cả gia đình dòng họ đi chung để rồi cuối cùng cả gia đình nhận về án tử hình. Hầu hết những vụ án ma tuý như vậy đều do không nhận thức được hành động của mình sẽ gây hại cho ai, nguy hiểm như thế nào và hình phạt ra sao.

Nhưng nếu họ có điều kiện đi học, được tiếp xúc với kiến thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp phục vụ lao động thì họ có thể không làm ma tuý mà vẫn có kinh tế trang trải cuộc sống. Và khi họ đã nhận thức được như vậy rồi, liệu họ có liều lĩnh vác súng băng rừng qua biên giới để đánh đổi 1 án tử hình lấy vài triệu bạc hay không?”, anh Nam nêu vấn đề.

Tất nhiên, Thượng uý Nam vẫn ủng hộ việc đánh án, trấn áp vũ trang với những đối tượng trùm ma tuý, cầm đầu. Còn với những đối tượng được dụ dỗ làm thuê do không có điều kiện kinh tế hoặc do thiếu hiểu biết, cần có chính sách nhân văn hơn, cho họ một con đường quay lại.

Anh Nam mong mỏi, nếu đối tượng đó đã bị bắt giữ, không còn con đường quay lại thì có thể mở những con đường khác cho người thân, họ hàng xung quanh họ bằng cách tạo cho họ điều kiện phát triển kinh tế, mang đến tri thức, kết hợp với công cuộc xoá đói giảm nghèo của đất nước… Có như vậy, những người xung quanh họ mới không tiếp tục bị dụ dỗ, đi theo vết xe đổ.

Ngoài ra, khi họ đã có cuộc sống bình yên, họ sẽ có thái độ thay đổi ngược lại, không ủng hộ tội phạm ma tuý, không chống đối chính quyền, dần dần sẽ không còn những nơi cả thôn, xóm, làng theo và bảo vệ ma tuý. Đó không còn là công cuộc chống ma tuý đơn thuần nữa mà còn là công cuộc “giành dân” để người dân phối hợp với chính quyền truy bắt tội phạm ma tuý”, anh chia sẻ.

Với những đóng góp trong nhiều năm hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của mình, Thượng uý Trần Khánh Nam đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát: Năm 2017, anh được nhận Bằng khen của Tổng cục Cảnh sát vì đã có thành tích trong nghiên cứu, tham gia xây dựng và triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Năm 2018, anh được nhận Bằng khen của Tổng cục Cảnh sát vì đã có thành tích trong xác minh, truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, góp phẩn đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Năm 2020 vừa qua, anh được nhận Bằng khen của Bộ Công an vì đã có thành tích trong phục vụ các hoạt động của Quốc hội khóa XIV.

Đọc thêm