Thượng viện Pháp ngày 22/10 đã thông qua dự luật cải cách chế độ hưu trí gây tranh cãi, vốn gây ra hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp thời gian vừa qua, đặt đất nước trong tình trạng bị thiếu nhiên liệu trầm trọng. Các thượng nghị sỹ đã phê chuẩn kế hoạch của Tổng thống Nicolas Sarkozy, nâng tuổi về hưu từ 60 lên 62 và dự luật sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu tuần tới. Ông Sarkozy cho hay đây là biện pháp cần thiết để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn người đã biểu tình phản đối, vì họ cho rằng đây là cuộc tấn công vào quyền lợi của họ.
|
Dự luật cải cách hưu trí đã được thượng viện Pháp bỏ phiếu thông qua |
Các thượng nghị sỹ thông qua dự dự luật nâng tuổi về hưu với tỉ lệ 177 phiếu thuận/153 phiếu chống, sau khi chính phủ dùng biện pháp đặc biệt, cắt ngắn các cuộc tranh luận về dự luật.Thiếu nhiên liệu Luật mới sẽ tăng tuổi về hưu tối thiểu từ 60 lên 62 và tuổi được hưởng lương hưu đầy đủ từ 65 lên 67. Chính phủ cho biết cải cách này là cần thiết để cứu vãn hệ thống hưu trí đang ngập trong nợ nần khỏi bị sụp đổ. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng tuổi về hưu 60 đã là một quyền quá khó khăn với họ và cải cách của chính phủ là không công bằng với các công nhân. Các cuộc biểu tình do các công đoàn phát động, mặc dù tất cả các ngành nghề trong xã hội đều có đại diện, trong đó có cả học sinh phổ thông. Các nghiệp đoàn đã kêu gọi biểu tình thêm 2 ngày nữa, trong “đỉnh điểm” của làn sóng biểu tình vào ngày 28/10 và ngày 6/11. Cho đến nay hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình, nhưng vào ngày hôm qua, đụng độ đã nổ ra ở một nhà máy lọc dầu bị các công nhân phong tỏa, sau khi Tổng thống Sarkozy ra lệnh cho cảnh sát chống bạo động phải vào cuộc, giành lại quyền kiểm soát nhà máy. 2 người đã bị thương bên ngoài nhà máy lọc dầu Grandpuits, phía đông Paris, nhà máy đã bị tê liệt trong 10 ngày qua. Các nghiệp đoàn hiện đang phong tỏa tổng cộng 12 nhà máy lọc dầu ở Pháp trong một động thái làm thay đổi quan điểm của chính phủ. Cảnh sát cũng đã đẩy lùi người biểu tình khỏi hai kho nhiên liệu ở Toulouse và Grand Quevilly. Trong khi đó, Thủ tướng Francois Fillon cho hay phải mất nhiều ngày nguồn cung cấp năng lượng mới trở lại bình thường. Hơn 2.000 trạm xăng trên khắp nước đã cạn kiệt. Còn Bộ trưởng giao thông Jean-Louis Borloo cho biết hiện chưa có kế hoạch phân phối nhiên liệu trên toàn quốc, nhưng 2 quận miền bắc đang đưa ra giới hạn lượng xăng các lái xe có thể mua. Giờ đây, những người phản đối dự luật chỉ còn cơ hội đệ trình phản đối của họ lên tòa án hiến pháp, trước khi dự luật trở thành luật.
Theo Phan Anh
Dân Trí
Dân Trí