“Sa ngã có ba bảy đường, nhưng đường hoàn lương chỉ có một” - đó là câu mà Triệu Tiến Phủ rất thấm thía. Anh từng là một kẻ cứng đầu, cứng cổ, từng gây ra nhiều vụ đánh nhau, trộm cắp tài sản và bị bắt. Phải đến khi cảm thấy cuộc sống lao tù khổ cực, anh mới nghĩ đến chuyện phải hoàn lương để vợ bớt khổ.
Từ một kẻ bất trị
Triệu Tiến Phủ sinh năm 1969, là con thứ 6 trong gia đình, của dòng họ có phong tục, hủ tục lạc hậu nhất bản người Dao ở làng xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Phủ bị bỏ rơi, hầu như không được quan tâm, lớn lên, không người dạy dỗ, định hướng tương lai nên dẫn tới con đường phạm tội. Ông Lý Sinh Vượng - Trưởng Công an xã Ba Vì nói: “Phủ sinh ra trong hoàn cảnh ấy, để rồi một thời gian dài Phủ quậy phá, các cấp chính quyền đau dầu vì Phủ, bao nhiêu biện pháp phạt hành chính, giam, bỏ tù... không làm nhân vật ngang tàng ấy sợ hãi mà ăn năn hối cải...”.
|
Anh Triệu Tiến Phủ |
Từ nhỏ đã không được chăm sóc, dạy dỗ, Phủ sinh ra và lớn lên như cây rừng giữa đại ngàn, như con thú hoang lạc bầy giữa hoang dại, anh ngang ngạnh, thích quậy phá. Phủ thích gặp ai đánh nấy, xưng hùng, xưng bá một phương. Lớn lên, sớm theo bạn bè, tụ tập rượu chè, quậy phá, trộm cắp đã từng có tiền án, tiền sự rồi đi tù 2 năm ở tận Nghệ An...
Ra tù, Phủ bỏ nhà “đi bụi”, về các thành phố kiếm sống qua ngày, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Anh lại về quê sống lêu lổng, trộm cắp, trấn tiền... trở lại con đường phạm tội. Nhiều du khách và người dân ở các khu du lịch như Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên... ở Ba Vì rất sợ hãi, khiếp đảm vì sự ngỗ ngược của Phủ và đồng bọn.
Trong thời kỳ du đãng và hăng máu quậy phá, một lần vào năm 1990, Phủ về quê ngoại và vô tình gặp Triệu Thị Lan - cô gái cùng quê ngoại ở Phú Thọ. Lan là cô gái mới lớn, mơn mởn và đằm thắm đã làm Phủ ngẩn ngơ. Trong suốt thời gian quậy phá và chơi bời, chưa một lần trái tim gã giang hồ rung động trước cái đẹp. Mấy ngày liền Phủ tìm cách hỏi thăm, tiếp cận và tìm hiểu cô gái kia. Những ngày đó Phủ cảm nhận được sự bình yên nơi xóm làng mới giản dị và đẹp đẽ làm sao!
Anh đã tiếp cận được, nói lời yêu Lan và kể hết về đoạn đời không lấy gì làm tự hào của mình cho Lan nghe. Vốn là cô gái quê chân chất, cô tin vào điều thánh thiện tiềm ẩn trong con người anh, sẽ cảm hóa được anh nên cô sẵn sàng bỏ qua quá khứ bất hảo đó. Phủ hứa sẽ “rửa tay gác kiếm” làm Lan rất vui sướng. Thế là họ trở thành chồng vợ trong sự ngờ vực của đôi bên gia đình vì Phủ lấy vợ nhưng giới giang hồ trong vùng vẫn dựa dẫm, qua lại với anh.
Tử tế chẳng được bao nhiêu ngày, cuộc sống vợ chồng với 2 bàn tay trắng, làm chẳng đủ ăn, nên thời gian sau Phủ lại “tái xuất giang hồ”. Lúc này, khu du lịch Ao Vua đang phát triển mạnh, khách du lịch thập phương nô nức đổ về, người ta hái ra tiền nhờ đủ thứ dịch vụ. Thấy thiên hạ kiếm tiền Phủ như bị bỏ bùa mê, những đồng tiền cứ nhảy múa dụ dỗ anh.
Phủ chỉ đạo đám đàn em tự cho mình quyền được ép khách, trấn lột, đe dọa khách. Phủ cũng là nhân vật đứng đầu sai đám đàn em làm mọi chuyện từ lừa khách, thu tiền bảo kê... Chủ kinh doanh nào không tuân theo là anh cho đám đàn em đến quậy phá. Khi cơ quan công an đến can thiệp thì “quân” của Phủ đã rút êm.
Nhiều đêm Phủ lại cho “quân” phá phách, gây mất an ninh trật tự. Nhân dân trong vùng khiếp sợ, không ai dám chống trả lại đội quân ngang ngược của Phủ. Thời gian dài Phủ “làm ăn” rất khấm khá, kiếm được bao nhiêu tiền đều đổ vào ăn chơi trác táng, gái gù và nghiện ngập. Biết chồng ngày càng dấn sâu cào con đường lầm lạc, Lan khéo bề can ngăn. Nhưng mỗi lần như thế, Lan đều bị Phủ đánh chửi thậm tệ. Lan ki cóp, sắm sửa được món đồ gì đều bị Phủ bán đi để chi tiêu hết.
Vào một buổi sáng năm 1998, Phủ nhận được tin đàn em báo có hai vị khách “béo bở”, liền xách dao đi tìm. Cùng đàn em khống chế, cướp của của du khách được một... “mớ”! Khi chưa rút chạy được bao xa thì bị dân chúng và bảo vệ khu du lịch Ao Vua đuổi bắt. Cả nhóm chạy thục mạng vào rừng râu ẩn nấp. Nhưng đợt đó, Phủ và đồng bọn đã sa lưới pháp luật. Anh bị kết án 7 năm tù giam.
Nghe tiếng vợ khóc thì thương
Kể từ khi bị bắt và phải vào trại giam ở tận Nghệ An cải tạo, Phủ rất thương người vợ trẻ từ nay phải thui thủi sống một mình. Những ngày Phủ và đồng bọn trốn ở rừng vợ anh đã bụng mang dạ chửa, nhưng vẫn phải băng rừng đi bộ hàng chục cây số đưa đồ tiếp tế cho chồng. Mãi đến khi vào Nghệ An cải tạo anh mới biết điều đó. Và không ai khác, là vợ anh vẫn phải thường xuyên vào thăm anh trong trại, rồi sinh con một mình.
Triệu Tiến Phủ kể: “Tôi nghĩ lại thấy thương Lan vô cùng, ăn miếng cơm trong nước mắt rưng rưng. Những ngày tôi bị bắt, vợ tôi khóc lóc thê thảm lắm. Nhìn cảnh đó, hiếm có người chồng nào chịu được. Tôi thương vợ, phải một thân lăn lộn với mùa màng, nương rẫy và nuôi con của chúng tôi... Nhưng vợ tôi đã vượt qua mọi khó khăn để có ngày hôm nay”.
Phủ kể thêm rằng, những ngày sống trong vòng lao tù là những ngày anh có thời gian "hồi tưởng" lại quá khứ và cảm thấy lương tâm bị dày vò. Anh thấy tự do thật quý báu biết bao nhiêu. Đồng thời, anh ân hận vì đã không biết quý trọng những ngày hạnh phúc bên vợ và tự tước đi tự do của mình. Cũng thời gian này, vợ anh là người động viên anh cố gắng cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm được trở về với vợ con.
Hòa vào không khí trại giam, Phủ cố gắng hòa đồng với các phạm nhân khác, nghe theo sự sắp xếp của giám thị và hoàn thành tốt với công việc được giao. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ trại giam và cải tạo tốt, Phủ đã được hưởng sự khoan hồng, ra tù trước hạn 2 năm. Khi về, anh quyết tâm làm lại cuộc đời khi còn chưa quá muộn.
Hoàn lương
Năm Phủ mãn hạn tù, xã Ba Vì có chương trình giao đất giao rừng, thế là 2 vợ chồng Lan - Phủ tiến sâu vào sườn núi Yên Sơn, xã Bà Vì làm nơi lập nghiệp. Đây là vùng toàn cỏ lau, cây dại hiếm người nông dân cần cù nào cải tạo được. Nhưng Phủ quyết tâm cũng làm Lan động lòng.
Dựng vội túp lều tranh, Phủ đi khai hoang lấy đất trồng lúa, sắn và cây ở một vùng rộng 4-5ha. Thế nhưng, bởi đất hoang, chăm chút mấy cây cối cũng không tươi tốt, sinh hoa lợi... mấy lần anh chán nản định bỏ của xuống núi với đám bạn giang hồ đang mời gọi. Nhưng Lan dùng đủ mọi cách, nhất là đức hy sinh và thậm chí dọa tự tử nếu anh xuống núi quay lại đường cũ. Rồi Lan đi mua sách hướng dẫn trồng cây, mô hình VAC về đọc, cho Phủ cùng đọc, chỗ nào không hiểu thì xuống núi hỏi thêm, cứ thế họ học cách làm. Một vụ, hai vụ... rồi cũng thành công.
Phủ đã khai hoang trồng được hơn 1.000 gốc bương lấy măng, hàng ngàn gốc bạch đàn, chè ô long và quế. Mỗi năm, Phủ cung cấp cho khu du lịch Ao Vua vài ba tấn, thu về hàng chục triệu đồng. Làm ăn khấm khá, khi có tiền dư, anh cho bà con hàng xóm vay vốn làm ăn, tăng gia sản xuất. Nguyễn Văn Tân, vốn là "đàn em" hồi còn sống "giang hồ" cũng được Phủ gọi lên cho vay 20 triệu đồng để làm trang trại vì Tân cũng rất... “bí”. Trong nhà Phủ lúc này có hơn chục người làm, một nửa là đàn em cũ đã “rửa tay gác kiếm” theo “đại ca” làm lại cuộc đời.
Đưa chúng tôi đi thăm rừng, nương ngô, Triệu Tiến Phủ nói rằng, cuộc đời mình đã hồi sinh và sẽ mãi mãi sống tốt để làm chỗ dựa cho vợ con. Sống tốt bây giờ, cũng là cách để trả ơn những người đã “sinh” ra mình lần thứ hai, đó là chính quyền xã, lão đạo khu Du lịch Ao Vua, người vợ tảo tần giàu đức hy sinh... Sau cùng, anh Phủ tâm sự: “Sa ngã có ba bảy đường, ai cũng có thể bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến sa ngã, làm điều ác. Nhưng quan trọng là, sau đó người phạm sai lầm sẽ đứng dậy, làm lại cuộc đời bằng cách nào. Chỉ có mỗi cách là hoàn lương.”
Nghe anh nói, tôi ước sẽ có nhiều người từng lầm lạc, tìm lại được bản thân và lẽ sống như Phủ.
Thanh Sơn