Thương vụ “khách sạn Hà Nội Fortuna”: Có thể thua thiệt đến 400 tỷ đồng

(PLO) -Từ năm 2002 khi bắt đầu hoạt động, Công ty Liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna đã thua lỗ dài dài. Số lỗ lũy kế mới tính đến 31/12/2002 đã lên tới gần 8.464.433 USD, tức là đã mất gần hết vốn điều lệ lúc đó là 9 triệu USD.


Bên cạnh câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm về sự thua lỗ này thì vấn đề đã được đặt ra là phải chăng không có cách giải quyết, tháo gỡ xử lý khoản lỗ này một cách tinh tế không gây nhiều thiệt thòi, mất mát cho phía “chủ nhà” trong liên doanh này?

Về số lỗ lũy kế của Liên doanh khách sạn Fortuna như Thanh tra Chính phủ đã kết luận: Có nguyên nhân khách quan là do khủng khoảng tài chính toàn cầu, nhưng nguyên nhân chủ yếu là lãi vay đầu tư khách sạn ở mức cao. Trước thực trạng như vậy, các bên liên doanh đã cùng nhau bàn bạc để tìm giải pháp khắc phục hậu quả thua lỗ này bằng cách tái cơ cấu lại vốn và các điều kiện khác để xin Bộ Kế hoạch - Đầu tư chuyển đối từ công ty liên doanh sang công ty cổ phần. Khi đó sẽ có cơ hội đưa lên sàn giao dịch để thu hút vốn và đối tác nào cần chuyển nhượng phần vốn góp của mình cũng sẽ được dễ dàng và thuận lợi, nhưng để thực hiện được mục đích này thì điều kiện tiên quyết là công ty liên doanh phải đang hoạt động có lãi và vốn pháp định phải cao hơn vốn vay.
Chính vì điều đó phía Việt Nam trong liên doanh năm 2006 đã thỏa thuận với đối tác nước ngoài về các điều kiện và ký kết thỏa thuận vốn pháp định: Đồng ý tăng vốn điều lệ từ 9.000.000 USD lên 18.000.000 USD, trong đó phía Việt Nam là 30%; điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của đối tác nước ngoài từ 70% xuống còn 35 %, đồng thời cho đối tác Hornblower là người cho vay vốn đầu tư xây khách sạn được tham gia góp vốn vào Liên doanh với tỷ lệ 35% bằng cách chuyển từ khoản vốn cho vay xây dựng 9.000.000 USD thành vốn góp 6.300.000 USD và hỗ trợ số vốn còn thiếu của phía Việt Nam là 2.700.000 USD; đồng thời Hornblower miễn giảm lãi vay các năm 2002, 2003 là 3.527.853 USD và từ năm 2004, tính lãi theo số vốn vay còn lại. Nhưng với một điều kiện cam kết giữa các bên là phải chuyển đổi thành công ty cổ phần thì sự hỗ trợ và giảm lãi vay mới được áp dụng.
Phải chăng có “lợi ích nhóm” của những người đang được hưởng chút đặc quyền, đặc lợi của liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna mà không tính đến lợi ích lớn hơn cho sự phát triển kinh tế của ngành. (Ảnh: Bảo Tường)
Phải chăng có  “lợi ích nhóm” của những người đang được hưởng chút đặc quyền, đặc lợi của liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna mà không tính đến lợi ích lớn hơn cho sự phát triển kinh tế của ngành. (Ảnh: Bảo Tường) 
Sau sự thay đổi này, Liên doanh khách sạn Fortuna đã bắt đầu có lãi. Tính đến cuối năm 2007 lãi là trên 2,5 triệu USD; năm 2008 lãi gần 5,9 triệu USD. Mặc dù vậy phần lãi này chưa được chia cho phía Việt Nam vì vướng những điều kiện cam kết như đã nói ở trên và điều kiện thủ tục cổ phần hóa Liên doanh chưa thực hiện được. Do phía nước ngoài yêu cầu phía Việt Nam thực hiện các điều kiện đã cam kết khi ký thỏa thuận về vốn pháp định và không đồng ý xem xét việc phân chia lợi những năm 2007, 2008. Nếu thỏa thuận này không có hiệu lực thì Liên doanh trở lại thua lỗ như cuối năm 2002, 2003.
Trước tình hình đó, phía đối tác nước ngoài đã đề xuất phía Việt Nam chuyển nhượng số vốn góp 30% để liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Theo những quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2008 và Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước (năm 2009) thì chủ trương chuyển nhượng phần vốn của phía Việt Nam trong Liên doanh là đúng pháp luật quy định. Bộ Tài chính cũng đã có Công văn 5292/BTC-TCDN hướng dẫn các quy định về pháp luật có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn cho phía nước ngoài trong Liên doanh khách sạn Fortuna.
Theo tính toán nếu chuyển nhượng vốn góp thành công về mặt hiệu quả kinh tế phía Việt Nam sẽ đạt được những lợi ích hơn hẳn phương án chờ đến khi được chia lãi trong những năm liên doanh còn lại. Có thể thấy nếu tính đủ các chi phí lãi vay phải trả thì hoạt động của công ty liên doanh khó có lãi. Mặt khác giả sử vẫn có lãi thì phía Việt Nam vẫn chưa nhận được lãi vì còn phải hoàn trả cho Hornblower các khoản nợ bằng số lãi được chia hàng năm (nếu có) thì cũng còn nhiều năm nữa mới trả được hết nợ để được nhân tiền lãi từ kinh doanh.
Còn khi chuyển nhượng vốn thành công thì sẽ có thêm lợi ích từ việc sử dụng nguồn vốn này để tiếp tục đầu tư, phát triển kinh tế. Trước hết là khoản thu từ việc chuyển nhượng này theo thỏa thuận với các đối tác nước ngoài năm 2009 thì phía Việt Nam sẽ được 10.000.000 USD. Đồng thời phía Việt Nam được tính và chia lãi từ công ty liên doanh đến thời điểm chuyển nhượng vốn; lại không phải trả cho đối tác những khoản nợ và lãi.
Tuy vậy, việc chuyển nhượng vốn góp thời điểm đó vì một số lý do đã không được thực hiện. Sau này, phía Việt Nam trong liên doanh vẫn tiếp tục chủ trương chuyển nhượng vốn góp tại công ty liên doanh do đã đủ điền kiện, thuận lợi và hiệu quả hơn về nhiều mặt khi luật pháp cho phép được chuyển nhượng vốn góp với thành viên nước ngoài để chuyển đổi mục đích đầu tư vào lĩnh vực khác (Theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn); tình hình thế giới và trong nước đang có khó khăn, suy thoái về kinh tế, việc thành viên nước ngoài đồng ý đầu tư vốn để mua lại phần vốn góp trên là một cơ hội tốt để phía Việt Nam chuyển đổi mục đích đầu tư, thoát khỏi tình trạng bị ràng buộc về tài chính và thua thiệt như hiện nay tại công ty liên doanh khi hiệu quả hoạt động của Liên doanh tiếp tục thua lỗ, thậm chí có thể bị mất hết vốn do thua lỗ liên tiếp như đã từng xảy ra năm 2002 .
Nếu chuyển nhượng thành công, phía Việt Nam sẽ có ngay một khoản tài chính không nhỏ bằng tiền để hỗ trợ hoạt động của cơ quan chủ quản, triển khai các hoạt động đầu tư phát triển sự nghiệp kinh tế ngành, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả. Đây là điều hết sức quan trọng vì hiện nay không có nguồn lực nào được nhìn thấy.
Theo Chứng thư thẩm định giá vào năm 2014 (thời điểm thẩm định 31/12/2013) thì giá thị trường của vốn chủ sở hữu công ty liên doanh tính theo phương pháp tài sản là 36.666.753,19 USD với giá trị của phía Việt Nam là 30% vốn sẽ là 11.000.000 USD. Được biết, ngoài số tiền này phía Việt Nam còn có số tiền lãi được chia. Tổng cộng phía Việt Nam chuyển nhượng vốn sẽ thu cả tiền vốn chuyển nhượng và chia lãi không dưới 16.000.000 USD.
Vậy thì thêm một lần nữa, nếu không thực hiện chuyển nhượng vốn thì phần thua thiệt không phải là 200 tỷ đồng vào thời điển năm 2002-2003 như Báo Điện tử Xây dựng đã đưa tin mà là gần 400 tỷ đồng Việt Nam vào thời điểm này.
Rõ ràng là việc chuyển nhượng vốn có lợi hơn rất nhiều so với việc “há miệng chờ sung” đợi các khoản chia lãi hằng năm mà không biết đến bao giờ mới được chia vì còn phải trả nợ. Tuy nhiên cho đến nay phương án chuyển nhượng vốn góp này cũng vẫn chưa được thực hiện.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi vì sao và ai là người “không thích” phương án này? Phải chăng có cái gọi là “lợi ích nhóm” nhỏ nhoi của những người đang được hưởng chút đặc quyền, đặc lợi của liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna mà không tính đến lợi ích lớn hơn cho sự phát triển kinh tế của ngành.
Việc các công ty liên doanh với nước ngoài sau nhiều năm làm ăn thua lỗ vì nhiều nguyên do đã chuyển sang công ty 100% vốn nước ngoài không phải là hiếm có ở Việt Nam vì lý do phía Việt Nam luôn giữ phần thấp hơn rất nhiều (cụ thể ở liên doanh này phía Việt Nam chỉ giữ 30%, mọi nghị quyết của Hội đồng thành viên phần lớn đều do nước ngoài chi phối. Trong những thua thiệt do không thành công bởi những yếu tố khách quan hay chủ quan do tình hình tài chính kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nếu biết cách xử lý “ khủng khoảng” như tái cơ cấu lại vốn, và mô hình kinh doanh thì phía Việt Nam trong các liên doanh với nước ngoài không hẳn là… bị thua thiệt và mất hết vốn, trái lại còn thu hồi được khoản vốn kha khá.
Vậy tại sao có lợi lại không làm?

Đọc thêm