Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ qua. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Tiếp đó, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục xác định xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ là một nhiệm vụ để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trong đó, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được đặt trong sự gắn bó mật thiết với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 đã lượng hóa rất cụ thể nhiệm vụ này. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ “Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ”… Đây cũng là chỉ tiêu được nhắc đến hàng năm, được xem xét như một căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Tham tán thương mại và hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới.
Từ chục ngàn USD tới triệu USD
“Chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Thụy Điển tăng từ vài chục ngàn USD lên 3 - 4 triệu USD. Kim ngạch này tuy chưa phải là lớn, nhưng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, chúng tôi tin rằng, hàng hóa Việt Nam sẽ ngày càng hiện diện nhiều nơi trên thế giới”, Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thuý
Trao đổi với PLVN, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại tại Thụy Điển cho biết, trước năm 2019, mặt hàng gạo Việt Nam gần như vắng bóng trên thị trường Thụy Điển. Sau khi vận động cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở Thụy Điển “ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam”, Thương vụ ta đã tích cực giới thiệu và quảng bá gạo Việt Nam. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các đầu mối nhập khẩu hàng châu Á nhập khẩu hàng. Sau một thời gian, khi quay trở lại nắm bắt tình hình, một chủ doanh nghiệp đã tặng bà Hoàng Thúy một bao gạo cùng lời nhắn: “Cô nhất định phải đem về ăn thử, gạo Việt Nam ngon!”.
“Thực sự, lúc đó tôi cảm động lắm vì mình quảng bá bao nhiêu cũng không bằng các doanh nghiệp tự cảm nhận và sẵn sàng nhập khẩu hàng Việt Nam. Và chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Thụy Điển đã tăng từ vài chục ngàn USD lên 3 - 4 triệu USD. Tuy kim ngạch chưa phải là lớn, nhưng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, chúng tôi tin rằng, hàng Việt sẽ ngày càng hiện diện nhiều nơi trên thế giới”, Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy tâm đắc.
Nhiều Tham tán thương mại và các Thương vụ ở các địa bàn khác cũng bắt đầu mở đường cho hàng hóa Việt Nam xuất ngoại như thế. Cứ thế, từ những con số rất nhỏ đến lớn, mỗi một Tham tán thương mại và rộng hơn - cả hệ thống Thương vụ của ta đều chắt chiu từng cơ hội và giá trị xuất khẩu của mỗi một ngành hàng, mặt hàng. Bởi khi đã có sự “bắc cầu” từ Thương vụ, thì hàng Việt có thêm “visa” để đến với nhiều quốc gia, từ đó “biên giới mềm” của Việt Nam lại được kéo dài hơn nữa…
Không chỉ “bắc cầu” cho hàng hóa Việt Nam đi khắp thế giới, các Thương vụ của ta còn tích cực nghiên cứu, cung cấp thông tin và có những khuyến nghị cần thiết, kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu, phát triển thị trường và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực… để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và các mặt hàng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - ông Vũ Đức Giang, trong năm 2023, ngành dệt may đã hiện diện ở 104 quốc gia, trong khi trước đó, dệt may Việt Nam chỉ xuất đi khoảng 80 quốc gia.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - châu Âu (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh khẳng định, trong thời gian qua, các Thương vụ đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để đưa hàng Việt ra thế giới và góp phần quan trọng trong việc mở rộng các thị trường xuất khẩu. Ở đây cần nhấn mạnh lại rằng, nhiệm vụ được đặt ra với hệ thống Thương vụ Việt Nam là “góp phần tăng sự hiện diện hàng Việt tại địa bàn sở tại, được định lượng bằng giá trị kim ngạch nhập khẩu cụ thể từng năm”. Đó là một nhiệm vụ xuyên suốt, nằm lòng của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, và cũng là trách nhiệm của những người làm công tác ngoại giao kinh tế đối với công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.