VFF không thể chỉ tính đến một phương án duy nhất, đó là khẳng định của ông Lê Hùng Dũng xung quanh việc hợp tác với huấn luyện viên Calisto. Khẳng định này cho thấy chuyện chuyên gia Bồ Đào Nha có tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam nữa hay không vẫn chưa ngã ngũ sau cuộc thương thảo mới nhất vừa kết thúc chiều 19-1, nơi ông Calisto - theo lời kể của ông Lê Hùng Dũng - có lúc cảm thấy khó chịu đến nỗi phải “đỏ mặt tía tai”. Nó cũng lần đầu hé lộ viễn cảnh bóng đá Việt Nam chấm dứt hợp tác với chuyên gia từng góp phần mang về chiếc cúp vô địch Đông Nam Á cho làng bóng xứ sở này.
|
Và sự tò mò của công chúng lúc này có thể xoay quanh một nội dung mới, bên cạnh câu hỏi liệu ông Calisto có chịu đặt bút ký vào bản hợp đồng sau kỳ nghỉ mới nhất ở quê nhà: Đâu là những phương án kế tiếp của VFF?
Sẽ lại nhắm đến một cái tên ngoại khác, chuyện vẫn thường làm ở cơ quan lãnh đạo cao nhất nền bóng đá Việt Nam? Cơ chừng cả hơn một thập kỷ rồi, dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia là các chuyên gia nước ngoài. Có người thành công nhưng cũng không ít người gãy gánh giữa đường, vì năng lực không xứng hợp cũng có, mà vì thiếu sự hợp tác cần thiết cũng có. Khi uy tín của bóng đá Việt Nam ngày càng tăng qua thành tích ở đấu trường khu vực, đất bóng đá Việt Nam ngày càng lành thì việc tìm một chuyên gia nước ngoài dẫn dắt đội tuyển không còn là chuyện khó.
Môi trường làm việc, sự đãi ngộ, lòng đam mê của công chúng cũng là một nét hấp dẫn của bóng đá Việt Nam. Các nhà thương thuyết của VFF, nhờ vậy, bắt đầu có đủ tư thế để mạnh miệng trên bàn đàm phán. Nói chung, trong trường hợp mối lương duyên với ông Calisto gặp trở ngại, các nhà lãnh đạo VFF hẳn sẽ không vất vả nhiều lắm khi phải chọn một nhân vật nước ngoài khác. Vì nhiều lý do, trong đó có chuyện trách nhiệm, chuyện đương đầu với dư luận, việc chọn chuyên gia nước ngoài làm huấn luyện viên trưởng là con đường dễ đi nhất lâu nay.
Có một con đường gian truân ít thấy các nhà lãnh đạo VFF nhón chân bước vào: Chọn huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển là người Việt Nam. Các nhà điều hành từng đề cập đến chuyện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng các hạt mầm tương lai, chuẩn bị hành trang cho họ nắm lấy cơ hội dẫn dắt đội tuyển quốc gia qua việc giúp các hạt mầm này tiếp cận với công tác huấn luyện ở cấp độ cao và phụ tá cho các chuyên gia nước ngoài. Nhiều người đã kinh qua các khóa huấn luyện do FIFA tổ chức với kết quả học tập không hề tồi. Không ít huấn luyện viên nội thể hiện trình độ, tâm huyết và gặt hái thành công khi họ được giao trọng trách trong thành phần đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ. Tuy vậy, đến nay, chưa một người nào trong họ được nhắc đến như một ứng viên cho vị trí dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Họ chưa đủ sức hay những người có trách nhiệm tuyển chọn ở VFF ngại phiêu lưu, không dám đặt cược chiếc ghế của mình vào một giải pháp khó? Và phải chăng công việc này mặc nhiên chỉ dành riêng cho các chuyên gia ngoại, chớ tốn sức nghĩ đến việc tìm kiếm, cất nhắc một cái tên trong nước?
Nhiều nền bóng đá láng giềng, không ít nền bóng đá tiên tiến của châu lục mạnh dạn thử sức rồi giao phó việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia cho các chuyên gia bản xứ. Mức độ thành công có khác nhau- có người cay đắng thất bại - nhưng trên tất cả, nỗ lực này của họ cho thấy bản lĩnh của một nền bóng đá biết tính toán cho tương lai dài lâu, quyết trọng dụng nguồn lực trong nước với sự chuẩn bị đúng mức và sự tin cậy tuyệt đối. Công chúng bóng đá Việt Nam chờ đợi các nhà quản lý, điều hành ở VFF dám chọn lối đi chông gai nhưng chắc chắn giàu cảm hứng này.
Tường Phước