Một đời cống hiến cho đất nước, nhân dân
Hồng Hà có tên khai sinh là Hà Văn Trường, sinh ngày 5-9-1928 tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tháng 3-1945 trong hoạt động học sinh cứu quốc Việt Minh tại thành phố Nam Định.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn bó mật thiết với nghề làm báo, kể cả sau khi đã chuyển công tác ông vẫn tiếp tục cho ra đời những bài viết đầy tâm huyết với Đảng và nhân dân.
|
Đồng chí Hồng Hà, tháng 6-2010. |
Ông bắt đầu nghề làm báo với vai trò phóng viên Báo Cứu quốc, cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Minh năm 1946 rồi được giao nhiệm vụ làm thường trực tòa soạn, kiêm cả trị sự và phát hành báo và là liên lạc với một số cơ quan báo chí và Tổng bộ Việt Minh. Sau khi trụ sở báo Cứu Quốc tạm rời Hà Nội ra chiến khu Việt Bắc, ông bắt đầu làm phóng viên chiến tranh của báo Cứu Quốc. Là phóng viên chiến tranh, hằng ngày ông phải chui qua những lỗ thủng từ nhà này sang nhà khác của các khu phố và vượt qua những chiến lũy trên các đường phố để lấy tài liệu viết tin, bài cho đến khi quân ta rút khỏi Hà Nội.
Trong những năm kháng chiến trường kỳ, ông có nhiều bài viết phản ánh được không khí và hơi thở của cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân ta như “Trên mặt trận đồng bằng” đăng Báo Cứu Quốc số 1, 2, 3-11-1950, “Trên đất Tiên Lãng” đăng trên Tạp chí Văn nghệ tháng 1-1953, “Ở vùng sau lưng địch” trên Báo Cứu Quốc 13-2-1953.
Năm 1954, ông về công tác ở Báo Nhân Dân, được Ban Biên tập giao viết phóng sự. Ông rất tích cực phản ánh không khí lao động của nhân dân ta trong thời điểm miền Bắc bắt đầu khôi phục đường sắt từ Hà Nội đến Lạng Sơn. Sau đó, ông lại "tắm mình" vào cuộc sống của những công nhân khai thác “vàng đen” cho Tổ quốc tại khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Điều cổ vũ lớn đối với ông là những bài viết về công trình đường sắt và vùng mỏ than lúc đó đã được trích tên trong các tập sách giáo khoa về văn dạy ở các trường trung học phổ thông. Mỗi lần ông về Hà Nội nhiều đoàn học sinh đến Tòa soạn Báo Nhân Dân yêu cầu được gặp tác giả được xem mặt và hỏi thêm.
Từ năm 1968 – 1973, ông được cử làm phóng viên Báo Nhân Dân tại cuộc đàm phán Mỹ - Việt ở Pari (Pháp). Năm 1974, trở về nước tiếp tục làm Trưởng ban rồi vào Ban Biên tập. Năm 1982, ông làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Từ 1982 – 1987, đất nước đang thời kỳ khó khăn chồng chất và cũng là mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện, ông cùng với tập thể Ban biên tập định hướng chính trị đúng, chính xác trọng tâm chủ đề của từng số báo. Cùng với công tác quản lý công lao khác của ông đối với Báo Nhân Dân và làng báo Việt Nam là góp phần đào tạo được nhiều cây bút sắc sảo.
Từ năm 1987, ông lần lượt giữ các trọng trách quan trọng như Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban đối ngoại Trung ương; là đại biểu chính thức dự các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, 5, 6, 7, 8. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào ông cũng không quên viết báo. Ngay trong những ngày đầu năm 2011 này, ông đã có hai bài viết với bút pháp sắc sảo, đầy tính thuyết phục, cuốn hút người đọc như “Thế giới đa dạng vào xuân”, đăng ở vị trí trang trọng số báo Tết Nhân Dân xuân Tân Mão và “Mùa Xuân của Đảng” đăng số báo Tết Nhân Dân hàng tháng.
Hội Nhà văn Việt Nam đã tập hợp những bài viết của ông đăng trên Báo Nhân Dân in thành tập sách “Lên công trường” và trao cho ông giải thưởng Văn học năm 1955 – 1956 về tập ký đó. Ông coi đó là hạnh phúc to lớn của người làm báo. Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông còn viết và cho in hơn 10 đầu sách, một số công trình văn học, báo chí, nghệ thuật, trong đó có một số tác phẩm được trao phần thưởng cao quý “Theo chân Bác”, bút ký, giải thưởng báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1997. “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê – nin và đường về Tổ quốc” được trao giải thưởng điện ảnh Bông Sen Vàng năm 1980. |
|
Nhà báo Hồng Hà (ngồi ngoài cùng bên trái) và các văn nghệ sĩ tại Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu) |
Để lại niềm tiếc thương vô hạn
Do tuổi cao, ông đột ngột từ trần hồi 9 giờ 40 phút, ngày 14-1-2011 tại nhà riêng ở đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trong những ngày cả nước đang tưng bừng không khí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, nhiều đồng chí, đồng đội còn được thấy ông ngồi trong hàng ghế khách mời dự Đại hội, vậy mà ông đã đi xa. Mọi người sẽ còn nhớ mãi tới ông trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam . Những tác phẩm báo chí xuất sắc mà ông để lại sẽ còn sống mãi với thời gian.
Đồng chí Hồng Hà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. |
Trên 60 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để tỏ lòng tưởng nhớ ông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức Lễ tang đồng chí Hồng Hà với nghi thức cấp Nhà nước.
Linh cữu ông được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 8 giờ 30 phút, ngày 20-1-2011. Lễ truy điệu lúc 12 giò 30 phút cùng ngày. Lễ an táng được tổ chức tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Những nén hương lòng sẽ được thắp mãi trong trái tim những người đồng chí, đồng đội và nhân dân cả nước. Để hướng về một người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn trở về với đất mẹ yên bình./.
Quang Huy (tổng hợp)