Trong bối cảnh nguồn khí ở ngoài khơi biển Đông đang ngày một cạn kiệt, khó khai thác thì hướng nghiên cứu, tìm kiếm và khai thác những mỏ dầu khí nhỏ ở vùng nước cận sông Hồng đang ngày càng được quan tâm.
Theo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), những năm qua, nhu cầu sử dụng khí đang ngày một lớn cho phát triển kinh tế và công nghiệp tại các tỉnh duyên hải miền Bắc. Sử dụng khí tự nhiên không chỉ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực như gốm sứ, giao thông vận tải… nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà còn giảm thiểu phát thải khí độc cũng như chất thải công nghiệp vào môi trường.
Trong bối cảnh sau hơn 30 năm khai thác công nghiệp, mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình) đang cạn kiệt với sản lượng khai thác sụt giảm thì việc tìm kiếm những mỏ khí mới cần được thực hiện để có nguồn bổ sung.
PVN cho biết, trong vài thập niên qua, tiềm năng dầu khí tại khu vực bể Sông Hồng đã được nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò và bắt đầu khai thác công nghiệp từ năm 2015 với hệ thống thu gom và sản xuất khí đồng hành do Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) đầu tư tại Tiền Hải (Thái Bình). Sau gần 5 năm vận hành, sản lượng của hệ thống này đã đạt khoảng 200 triệu mét khối khí/năm.
Đặc trưng của các mỏ dầu khí tại khu vực này là những mỏ nhỏ, cận biên, trữ lượng và khả năng khai thác công nghiệp thấp. Để giải bài toán khai thác tiềm năng dầu khí tại khu vực phía Bắc bể Sông Hồng sao cho hiệu quả là một vấn đề đầy phức tạp và thách thức đối với người làm dầu khí.
Theo đó, những vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu lúc này là tiềm năng dầu khí và khả năng phát triển khí khu vực phía Bắc bể Sông Hồng; quy hoạch khí và chiến lược phát triển công nghiệp khí Bắc Bộ; hiện trạng khai thác, hạ tầng công nghiệp khí, cân đối cung cầu khu vực Bắc Bộ; giải pháp giảm chi phí trong khoan nhằm tăng tính khả thi phát triển các mỏ nhỏ tại Vịnh Bắc Bộ…
Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - ông Ngô Thường San, nếu ngừng nỗ lực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực bể Sông Hồng sẽ khiến sản lượng khí công nghiệp suy giảm, không có nguồn thay thế, bổ sung. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy đáng lo ngại khi bỏ lỡ cơ hội phát triển công nghiệp khí tại một thị trường đầy tiềm năng về công nghiệp như các tỉnh Bắc Bộ.
Nhưng để phát triển, khai thác các mỏ khí tại khu vực này là điều cực kỳ khó khăn, đầy thách thức đối với PVN và các đối tác quốc tế. Bởi vậy, không có cách nào khác là cần những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa trong các hợp đồng dầu khí mới có thể đưa công nghiệp khí phát triển, hiệu quả tại khu vực này.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng, cần tiếp tục xác định nguồn cung, tiềm năng dầu khí tại khu vực phía Bắc bể Sông Hồng, xác định nhu cầu thị trường để từ đó PVN và PV GAS có thể điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp khí. Ông Hùng nhấn mạnh, bên cạnh các thuận lợi cho thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực này như vùng nước nông, gần bờ, khu vực này lại chỉ có tiềm năng khai thác các mỏ có quy mô nhỏ, vùng cận biên, mức độ ổn định sản lượng thấp nên chi phí khai thác, sản xuất sẽ cao.
Từ đó, lãnh đạo PVN cho rằng nếu không có các giải pháp về chính sách, cơ chế đặc biệt sẽ rất khó đầu tư, khai thác. “Cần sớm có chính sách ưu tiên hỗ trợ khai thác mỏ nhỏ, mỏ cận biên thì PVN mới có thể triển khai có hiệu quả”, Tổng Giám đốc PVN nói.
Phát hiện mỏ dầu khí mới
“Ngày 24/7/2019, Tập đoàn dầu khí Eni (Ý) đã tìm thấy mỏ dầu khí mới ở lô 114 bể sông Hồng. Theo đó, đơn vị này đã tìm thấy khí tự nhiên và condensate ở cấu tạo Kèn Bầu, Lô 114 thuộc bể Sông Hồng, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam.
Lô 114 do Eni Vietnam giữ 50% và là nhà điều hành, ESSAR E&P tham gia phần còn lại. Giếng thăm dò Kèn Bầu 1X được khoan ở độ sâu 95m nước, tổng độ dài giếng khoan trên 3.000m, độ dày bể chứa trên 100m.
Tuy nhiên, theo Eni, do vấn đề kỹ thuật họ sẽ phải hủy giếng Kèn Bầu 1X và sẽ có kế hoạch khoan tiếp vào đầu năm tới để tiếp cận tới phát hiện này. Theo đánh giá của Eni, kết quả của giếng khoan 1X có ý nghĩa trong việc đánh giá tiềm năng thăm dò của bể Sông Hồng”.