Tiềm năng kinh tế biển Hải Phòng: Những lợi thế vượt trội

Hội nghị “Xúc tiến đầu tư kinh tế biển Việt Nam năm 2010” tổ chức tại Hải Phòng mới đây, các tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng và cả những thách thức được các chuyên gia đề cập sâu sắc dưới nhiều góc độ...

Hội nghị “Xúc tiến đầu tư kinh tế biển Việt Nam năm 2010” tổ chức tại Hải Phòng mới đây, các tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng và cả những thách thức được các chuyên gia đề cập sâu sắc dưới nhiều góc độ với mục tiêu  thúc đẩy khai thác, đưa kinh tế biển Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho kinh tế vùng và cả nước.

 

Tân Cảng (Khu công nghiệp Đình Vũ) Ảnh: Duy Thính

Tân Cảng (Khu công nghiệp Đình Vũ)

                                                                                   Ảnh: Duy Thính

Ưu tiên các lĩnh vực thế mạnh

 

Nghị quyết 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhấn mạnh Hải Phòng là địa phương có vùng bờ, biển và đảo rộng lớn, nằm trong chiến lược biển của cả  nước. với 126 km bờ biển và hơn 4.000 km2 diện tích mặt biển nội hải, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh và giữ vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế- xã hội của miền Bắc và giao thương quốc tế, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hải Phòng có những lợi thế vượt trội nằm trong vùng năng động nhất của Việt Nam hiện nay. Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong 536 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Nằm trong 2 hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng và Nam Ninh- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng, trong khu vực “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”, Hải Phòng có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực… Bởi vậy, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực phát huy thế mạnh: phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ; hạ tầng cơ sở trọng yếu; bất động sản công nghiệp và du lịch ven biển.

 

Đồng quan điểm trong việc ưu tiên, tập trung thu hút đầu tư cảng biển, tiến sĩ Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cho rằng, việc thu hút được các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn sẽ góp phần làm cho hệ thống cảng biển Hải Phòng ngày càng hoàn thiện, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển cụm cảng cửa ngõ Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Lạch Huyện sẽ trở thành Cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Bắc. Tàu 6.000 TEU hoặc tàu chở hàng tổng hợp 80.000 tấn trở lên có thể ra vào cảng thuận tiện. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến cụm cảng này. Tại hội nghị, Tập đoàn đa quốc gia Ren A Port đang đầu tư vào KCN Đình Vũ và một số KCN, cảng khác tại Việt Nam cũng đang xúc tiến các hoạt động đầu tư vào một số cảng khu vực này. Với tầm ảnh hưởng của các tập đoàn quốc tế, cảng Lạch Huyện sẽ thu hút một lượng khách không nhỏ đến Việt Nam . Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn nhất Việt Nam .

 

Lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư thứ hai, theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố là các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) ven biển nhằm hình thành một hệ thống các KKT, KCN  chủ đạo, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp thành phố. Trong đó, KKT Đình Vũ- Cát Hải trở thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của  miền Bắc và cả nước, cửa ra biển chủ yếu của “Hai hành lang, một vành đai”…

 

Để thu hút đầu tư, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hải Phòng cần có sự vượt trước về thể chế và công nghệ; có sự định hình chiến lược biển…

 

Giải quyết bài toán môi trường

 

Khai thác, phát triển kinh tế biển, chỉ thu hút đầu tư không đủ, Hải Phòng phải vượt qua nhiều thách thức. Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, trong nước và nước ngoài chỉ ra, đó là phải giải quyết tốt các bài toán về quy hoạch và khai thác tài nguyên biển; quản lý và khai thác tài nguyên vùng bờ; những bất cập của hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ và chồng chéo; giải quyết việc làm và bảo đảm cuộc sống của dân cư ven biển; bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học biển; phát triển hạ tầng kinh tế biển, đào tạo nguồn nhân lực và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

 

Thực trạng quản lý và khai thác tài nguyên biển Hải Phòng thời gian qua cho thấy, công tác này còn thiếu hiệu quả, thiếu bền vững. Việc khai thác chủ yếu do người dân tiến hành một cách tự phát, trong đó có tình trạng sử dụng các chất nổ phá hủy hệ sinh thái. Việc nuôi trồng thủy sản của người dân và doanh nghiệp không theo đúng quy hoạch làm giảm và thu hẹp các vùng đất ngập nước ven biển. Trong khi đó, hệ thống luật pháp, chính sách quản lý vùng bờ và đảo thiếu đồng bộ, nhiều điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành yếu, triển khai thiếu đồng bộ. Các vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các tranh chấp vùng đánh cá của ngư dân giải quyết còn lúng túng…Cuộc sống dân cư ven biển còn nhiều khó khăn, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quản lý vùng bờ còn thụ động. Nguy cơ ô nhiễm vùng biển do sự cố tràn dầu, các phương tiện giao thông gây ra khi sản lượng hàng hóa qua cảng ngày càng tăng lên. Hạ tầng kinh tế biển, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành kinh tế biển còn thiếu và yếu... Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý tham dự hội thảo đều nhấn mạnh tìm được lời giải các bài toán trên, Hải Phòng  mới có thể bảo tồn và phát triển tốt nguồn tài nguyên biển, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển.

 

Mai Hương

Đọc thêm