Tiêm thuốc an thần cho lợn: Vì sao vẫn cho phép lò mổ Xuyên Á hoạt động?

(PLO) - Là hành vi hủy hoại sức khỏe con người rất nghiêm trọng nhưng cơ sở giết mổ Xuyên Á - nơi vừa bị phát hiện cho tiêm thuốc an thần vào hàng ngàn con lợn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, thay vì bị xử nghiêm thì vẫn tiếp tục được phép hoạt động và chỉ bị phạt vỏn vẹn 35 triệu đồng.   
Hơn 5.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ bị cơ quan chức năng bắt quả tang
Hơn 5.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ bị cơ quan chức năng bắt quả tang

Như Báo PLVN đã thông tin, đêm 28 rạng sáng 29/9, Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y TP  HCM đã bắt quả tang cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP  HCM có hành vi tiêm thuốc an thần vào hàng ngàn con lợn trước khi giết mổ. 

Chỉ bị xử phạt hành chính

144 mẫu nước tiểu của 4.200 con lợn đã bị tiêm thuốc an thần, 4 mẫu thuốc ghi dung dịch thuốc an thần thu thập từ hiện trường đã được cơ quan chức năng đưa đi kiểm định sau khi vụ việc bị bắt quả tang.  

Kết quả kiểm định mới được công bố cho thấy: lợn của 13 trong tổng số 21 thương lái dương tính với thuốc an thần với hàm lượng cao. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định: việc thương lái tiêm thuốc an thần vào lợn nhằm mục đích để lợn không bị sốc, hung dữ cắn nhau bị thương trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, việc tiêm thuốc cũng nhằm mục đích để lợn khỏi bị hao hụt khi giết mổ, tạo cho thịt có màu sắc bắt mắt, dễ tiêu thụ.

Theo tư liệu của Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp, với lợn tồn dư thuốc an thần mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, gây trầm cảm. Chính vì thế, hành vi tiêm thuốc an thần vào lợn là đáng bị lên án và bị nghiêm cấm.  

Tại khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y chỉ cho phép: Phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Ngoài ra, cơ sở vi phạm có thể còn bị xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng.

Ông Dũng cũng thừa nhận: Đến nay, với các trường hợp vi phạm, ngoài việc lưu giữ số heo xét nghiệm đến khi đào thải hết thuốc an thần, cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục đề xuất xử phạt hành chính 30 - 35 triệu đồng.  “Trước mắt chúng tôi cho kiểm kê lại số heo chết, heo lờ đờ do hôm qua giờ không cho ăn để tiêu hủy, đồng thời giám sát tránh xảy ra việc đánh tráo tuồn heo an thần ra ngoài” - ông Dũng nhấn mạnh.

Có “chìm xuồng”?

Theo Chi cục Thú y TP  HCM, lò mổ Xuyên Á là lò mổ có quy mô giết mổ lớn nhất TP, trung bình cơ sở này giết mổ 5.000 con/đêm, chiếm 50% thịt lợn phân phối cho toàn địa bàn thành phố. Vụ hàng ngàn con lợn bị tiêm thuốc an thần, Chi cục Thú y địa phương này xác nhận, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà từ đầu năm 2017, qua công tác thanh tra cũng đã phát hiện 7 trường hợp tiêm thuốc tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Về trách nhiệm của cán bộ thú y địa bàn và trách nhiệm quản lý của trong việc kiểm tra, giám sát giết mổ lợn trong lò Xuyên Á, ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục Thú y TP  cho biết, trước mắt Chi cục đã yêu cầu tất cả cá nhân liên quan giải trình về vụ việc. “Cán bộ thú y có lơ là hay tiếp tay hay không thì trong quá trình trinh sát cơ quan công an đã thu thập. Do đó chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và công bố thông tin khi có kết quả” - ông Phát khẳng định.

Chưa biết liệu có cán bộ thú ý nào “tiếp tay” trong vụ vi phạm an toàn thực phẩm được cho là rất nghiêm trọng này hay không nhưng điều chắc chắn cơ sở giết mổ này sẽ vẫn tiếp tục được hoạt động và chỉ phải nộp phạt 35 triệu đồng dù để xảy ra sự việc gây bàng hoàng, mất niềm tin rất lớn đối với hàng triệu người tiêu dùng ở TP lớn nhất nước. 

Được biết, dù lực lượng mỏng nhưng vẫn có 17 cán bộ thú y đã được Chi cục Thú ý TP HCM được phân công giám sát hoạt động tại lò mổ này. Và đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam thậm chí vẫn chưa yên tâm, khi đề xuất phương án lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động của lò mổ. Theo vị  này, cán bộ thú y không thể quán xuyến nổi hoạt động lò mổ, chưa kể có thể có trường hợp tiếp tay cho việc làm sai trái.  

Đọc thêm