Tiền bao nhiêu cho xứng công "người đàn bà xó bếp"?

Trong suốt 7 năm làm vợ, chị Trâm Anh chỉ duy nhất nhận được một lần món tiền 5 triệu chồng đưa để chi tiêu cá nhân, còn mọi khoản tiền trong nhà đều được gửi tiết kiệm mang tên chồng. Đầu năm đến giờ, chồng chị Trâm Anh liên tục đòi ly hôn vợ để cưới nhân tình. Ra tòa, anh chồng khẳng định tất cả tài sản của mình và không coi lao động nội trợ của vợ ở nhà là góp phần làm ra tiền.

[links()]Theo quy định trong pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành, việc người phụ nữ ở nhà chăm lo nội trợ, con cái cũng được coi như lao động có thu nhập. Nhưng, thu nhập được tính như thế nào, bao nhiêu thì quan niệm lại khác nhau, dẫn đến cảnh người cười nụ, kẻ khóc thầm.

Hình minh họa
Hình minh họa

"Ô sin" đại hạ giá

Đó là câu mà chị Phan Trâm Anh ở thị trấn Long Xuyên, Long An tự trào về bản thân mình trong lá thư gửi đến xin tư vấn trực tuyến trên mạng. Chị Trâm Anh kết hôn được 7 năm. Trong thời gian chung sống, theo yêu cầu của chồng, chị chỉ ở nhà làm nội trợ, nuôi con và phụ chồng trông coi cửa hàng. Chồng chị có cửa hàng kinh doanh điện tử nhưng lãi lời một mình anh ta quản.

Trong suốt 7 năm làm vợ, chị Trâm Anh chỉ duy nhất nhận được một lần món tiền 5 triệu chồng đưa để chi tiêu cá nhân, còn mọi khoản tiền trong nhà đều được gửi tiết kiệm mang tên chồng. Đầu năm đến giờ, chồng chị Trâm Anh liên tục đòi ly hôn vợ để cưới nhân tình. Ra tòa, anh chồng khẳng định tất cả tài sản của mình và không coi lao động nội trợ của vợ ở nhà là góp phần làm ra tiền.

Thậm chí anh ta còn thẳng tuột tuyên bố, đã trả đủ tiền thu nhập lao động 7 năm cho vợ, đó chính là món tiền 5 triệu đồng trước đây. Khi xin tư vấn, chị Trâm Anh muốn biết việc chị ở nhà nuôi con có được xem là lao động tạo thu nhập hay không và khi ly hôn chị có quyền lợi gì về tài sản nếu từ khi lấy chồng đến giờ chỉ làm nội trợ trong nhà?.

Không phải đến bây giờ, khi sửa đổi Luật HN-GĐ, vấn đề lao động nội trợ phụ nữ có được coi là lao động có thu nhập hay không mới được quan tâm đến. Điều 95 Luật HN – GĐ năm 2000 quy định "Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như là lao động có thu nhập". Lao động trong gia đình được hiểu là làm việc nhà, nội trợ; thai sản, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; nuôi dưỡng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ...

Theo luật, nếu hôn nhân của cặp vợ chồng là hôn nhân hợp pháp thì tài sản do vợ, chồng tạo lập ra trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu chung hợp nhất. Nghĩa là không phân biệt mức độ đóng góp, trực tiếp hay gián tiếp, góp công hay góp của...

Cũng theo Điều 95, việc chia tài sản chung được giải quyết theo nguyên tắc: chia đôi, có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản này. Do vậy, ở trường hợp chị Trâm Anh, khi việc nội trợ của chị đã được xem là lao động có thu nhập và khối tài sản mà chồng chị tạo lập là tài sản chung hợp nhất, chị hoàn toàn có quyền yêu cầu chồng chị phân chia tài sản trong trường hợp vợ chồng ly hôn.

Càng chi tiết càng đỡ thiệt

Được đánh giá là tiến bộ và nhiều tính nhân văn, tuy nhiên, quy định “lao động gia đình của phụ nữ cũng đã được coi như lao động có thu nhập” cũng xuất hiện những mặt trái khi thực thi, dẫn đến cảnh người cười nụ, kẻ khóc thầm. Thứ nhất, được coi là lao động có thu nhập, nhưng cụ thể mức thu nhập như thế nào thì trong thực tiễn lại tùy quan niệm "người trong cuộc".

NQ số 02 của TANDC năm 2000 có hướng dẫn: “cần chú ý việc xác định khối tài sản chung của vợ chồng, hoặc phần giá trị mà họ phải thanh toán, họ được hưởng là căn cứ vào giá trị giao dịch thực tế tại địa phương tại thời điểm xét xử”, tuy nhiên khi áp dụng có rất nhiều vướng mắc trong việc xác định thế nào là “giao dịch thực tế”.

Tiếp đến, quy định này mới chỉ bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng khi ly hôn, chứ chưa được thể hiện rõ ràng trong các chế định khác, nhất là khi hôn nhân còn đang tồn tại. Điều này làm cho sự nhìn nhận về vai trò làm ra kinh tế của phụ nữ trong các gia đình bị mờ nhạt, mặc dù họ có đóng góp rất lớn và khá quan trọng trọng việc làm ra kinh tế gia đình. Đồng thời cũng là nguyên cớ dẫn đến sự tự ti của phụ nữ, củng cố thêm sự khắt khe của cộng đồng về vai trò của vợ - chồng trong gia đình là "nam hướng ngoại", "nữ hướng nội".

Vì lý do này, nên mới đây trong cuộc hội thảo giữa Bộ Tư pháp và Hội LHPNVN, nhận thấy quy định "lao động trong gia đình được coi như là lao động có thu nhập" trong dự thảo Luật HN-GĐ không có thay đổi so với luật hiện hành, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch đã có đề xuất trong văn bản góp ý.

Theo đó, cần sửa quy định “lao động trong gia đình được coi như là lao động có thu nhập" thành “lao động trong gia đình là lao động có giá trị được tính bằng mức tiền công trả cho lao động giúp việc gia đình theo quy định của Bộ luật Lao động”. Quy định rõ ràng như vậy sẽ đảm bảo được bình đẳng giới, vừa thể hiện rõ quan điểm về việc bảo đảm quyền lời cho một bên trong quan hệ vợ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình chỉ làm nội trợ, thay vì tham gia lao động tạo ra thu nhập trực tiếp, theo bà Trần Thị Hương.

Hồng Minh

Đọc thêm