Tiền Giang bội thu từ việc nâng cao giá trị thương hiệu sầu riêng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Tiền Giang, sầu riêng được địa phương này chuyên nghiệp hóa các khâu, từ chuỗi sản xuất bắt ra trái nghịch mùa, đến chuỗi cung ứng chế biến cấp đông xuất khẩu. Đặc biệt từ khi Nghị định thư xuất khẩu sang Trung Quốc có hiệu lực tháng 7/2022, sầu riêng trở thành mặt hàng xuất khẩu chính ngạch có nguồn lợi lớn. Mùa giáp Tết Ất Tỵ 2025, giá sầu riêng tiếp tục tăng cao.

Loài cây “tỷ phú”

Ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Tiền Giang cho biết, tại địa phương, sầu riêng có thể bắt đầu được trồng từ những năm đầu thế kỷ 20. Đã có những khoảng thời gian sầu riêng cũng như một số loại nông sản khác lâm vào cảnh “được giá mất mùa, được mùa mất giá”.

Sầu riêng là loại cây chủ lực của Tiền Giang.

Sầu riêng là loại cây chủ lực của Tiền Giang.

Sau này, nông dân Tiền Giang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bắt sầu riêng ra hoa trái vụ, có trái nghịch mùa, sẽ luôn bán được giá cao. Đó là một trong những cơ sở để bảy năm trước, tháng 11/2018, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt đề án phát triển cây sầu riêng.

Đại diện Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang cho biết, chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” chỉ là chặng đường đầu tiên. Tỉnh đang xây dựng thương hiệu “Sầu riêng Tiền Giang”, góp phần giúp loại nông sản chủ lực của tỉnh có sức cạnh tranh hơn nữa.

Thực hiện đề án, Tiền Giang đã dần hình thành các vùng trồng sầu riêng tập trung, chú trọng phát triển DN gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Năm 2019, nhãn hiệu “Sầu riêng Cai Lậy” chính thức xác lập, bước đầu tạo chỗ đứng trên thị trường nông sản. Tình trạng đầu ra bấp bênh, "được mùa, mất giá" nhanh chóng được cải thiện.

Đến nay, diện tích vùng trồng sầu riêng tại Tiền Giang lên đến khoảng 22.000ha; phân bố chủ yếu tại huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX Cai Lậy (Tiền Giang có 2 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên Cai Lậy - NV). Trong đó, sầu riêng Ri6 49%, DONA 49%...

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành sầu riêng, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) để truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng. Tiền Giang đã có 155 MSVT sầu riêng xuất khẩu được cấp, với diện tích hơn 6.900ha; và 66 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Hiện nay, còn 111 hồ sơ vùng trồng sầu riêng đang chờ phê duyệt với diện tích hơn 4.700ha.

Nông dân Tiền Giang áp dụng khoa học kỹ thuật để sầu riêng ra trái nghịch mùa.

Nông dân Tiền Giang áp dụng khoa học kỹ thuật để sầu riêng ra trái nghịch mùa.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) cho biết, Tam Bình là địa phương tiên phong chuyển đổi cây trồng từ vườn tạp sang sầu riêng với diện tích 1.450/1.600ha cây ăn trái. Giá sầu riêng giáp Tết Ất Tỵ tăng cao, từ 100 - 180.000 đồng/kg. Nhiều năm liền đây là cây “tỷ phú”, cho thu nhập trung bình 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Tính toán các yếu tố đường dài

Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, ông Võ Tấn Lợi, với kinh nghiệm hàng chục năm xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường trên thế giới cho biết, việc nâng cao giá trị thương hiệu sầu riêng Tiền Giang vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện.

Diện tích vùng trồng hiện nay của Tiền Giang vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tiền Giang còn tự hào có giống sầu riêng “Chuồng bò” mang đặc trưng địa phương, xuất đi nước ngoài sẽ không “đụng hàng” với ai. Để nâng cao chất lượng, Hiệp hội tuyên truyền đến nông dân không cho thương lái cắt non, bảo đảm thu mua, ổn định đầu ra cho nhà vườn. Với các DN, Hiệp hội đóng vai trò liên kết các đơn vị xuất khẩu sầu riêng nếu đơn hàng lớn và hỗ trợ các Cty thu mua còn nhỏ lẻ.

Về đường dài, Tiền Giang cũng đã tính toán cả các yếu tố cung - cầu trong tương lai. Hiện tại, ước tính khoảng 90% sầu riêng của Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á cũng đang mở rộng diện tích canh tác sầu riêng xuất khẩu. Mặt khác, khu vực hiếm hoi có khí hậu nhiệt đới của Trung Quốc là đảo Hải Nam đã thu hoạch vụ mùa sầu riêng đầu tiên diện tích 2.700ha. Như vậy, Tiền Giang cần có phương án dự phòng trong trường hợp thị trường chủ lực có biến động.

Tại Tiền Giang, sầu riêng được chuyên nghiệp hóa các khâu, từ chuỗi sản xuất bắt ra trái nghịch mùa đến chuỗi cung ứng. (Ảnh trong bài: Thiện Lê)

Tại Tiền Giang, sầu riêng được chuyên nghiệp hóa các khâu, từ chuỗi sản xuất bắt ra trái nghịch mùa đến chuỗi cung ứng. (Ảnh trong bài: Thiện Lê)

Một trong những động thái phòng ngừa, là bên cạnh việc liên tục tìm kiếm phát triển những thị trường mới, Tiền Giang đã xây dựng, mở rộng nhiều kho lạnh cấp đông, quy mô lớn nhất lên đến 200 tấn/kho. Nếu một số thị trường chính ngưng nhập hàng, sầu riêng sẽ được ủ chín, tách múi, cấp đông. Múi sầu riêng hiện tại có thể giữ thời gian dài cả năm với nhiệt độ khoảng -18 độ mà chất lượng không đổi. Ngoài ra, sầu riêng có thể sử dụng chế biến đa dạng các hương liệu, phụ phẩm, sản phẩm bánh ngọt, thức ăn đa dạng...

Trong trường hợp thị trường chủ lực không bị biến động, sầu riêng đông lạnh (sầu riêng nguyên trái (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ), cơm sầu riêng (không có vỏ)) cũng vẫn được xuất khẩu; song song cùng với việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho hay, diện tích sầu riêng tại địa phương hiện trên 22.000ha, nghĩa là vượt hơn 2.000ha so với quy hoạch. Thậm chí do người dân nhận thấy lợi nhuận quá cao, một số vườn sầu riêng còn được trồng ngoài vùng quy hoạch. Chi cục đang tiến hành rà soát lại diện tích trên thực tế, sẽ tham mưu để ban hành quy hoạch giai đoạn tiếp theo căn cứ tình hình thực tế, quy luật cung - cầu, sức cạnh tranh của sầu riêng Tiền Giang.

Đọc thêm