Tiền Giang: Mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 14

(PLVN) - Sáng 7/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang tổ chức Mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH) lần thứ 14 năm 2024.
Đoàn xe tuyên truyền khởi hành ra các tuyến đường TP Mỹ Tho. Ảnh: Xuân Uyên

Ông Võ Văn Tân - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Dược, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang nêu tác hại của bệnh SXH và kêu gọi các cấp, các ngành và người dân trong toàn tỉnh phòng, chống SXH.

Được biết, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể trở thành dịch do vi-rút Dengue gây ra, có khả năng dẫn đến tử vong. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng, chống diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt là chủ yếu.

Ông Võ Văn Tân - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Dược, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang nêu tác hại của bệnh SXH. Ảnh: Xuân Uyên

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến ngày 26/5/2024, toàn tỉnh có 569 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 57,6% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, dự báo số ca mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm nên công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch rất quan trọng.

Vì vậy ông Tân đề nghị mỗi người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng, chống SXH. Cụ thể mỗi người, mỗi gia đình hãy dành 10 - 15 phút mỗi tuần để tự làm sạch nơi mình làm việc, sinh sống không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Xuân Uyên

UBND các cấp cần quan tâm chỉ đạo và huy động các ban, ngành, phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại địa phương; Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch SXH các nơi có nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần thực hiện xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh…

Riêng đối với ngành Y tế, cần giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn. Qua đó tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và không để lây nhiễm chéo ở cơ sở y tế. Ngoài ra, cơ quan chức năng phải thường xuyên cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, số ca bệnh nặng, tử vong thông qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Bảng tuyên truyền về phòng, chống SXH tại buổi Mít tinh. Ảnh: Xuân Uyên

Sau Mít tinh, đội tuyên truyền cổ động gồm xe mô tô, xe thông tin và lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên thực hiện tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính ở TP Mỹ Tho.

Đọc thêm