Đẩy mạnh tuyên truyền về Thừa phát lại đến nhân dân
Hiện nay, Tiền Giang có 4 Văn phòng Thừa phát lại (TPL). Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Kim Mai: “Hoạt động của các Văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh ổn định và dần đi vào nền nếp, chế định TPL bước đầu chứng tỏ sự cần thiết, có tác dụng tốt cho cuộc sống dù chưa thực sự rộng rãi”.
Từ khi thành lập đến nay, các Văn phòng TPL đã tống đạt 20.081 văn bản, giấy tờ, lập 47 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án (THA) 50 vụ việc, trực tiếp tổ chức THA 04 vụ việc với tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
TPL là chế định mới, lần đầu tiên được thực hiện thí điểm trên địa bàn, do đó Tiền Giang xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thường trực Ban Chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến với các hình thức như xây dựng chuyên trang giới thiệu chế định TPL trên báo địa phương (Báo Ấp Bắc), trên Trang thông tin điện tử và Tờ thông tin pháp luật của Sở Tư pháp; biên soạn tài liệu giới thiệu việc thực hiện thí điểm chế định TPL trong tài liệu sinh hoạt “Ngày Pháp luật” 02 kỳ với số lượng 32.000 quyển và phát xuống tới Tổ nhân dân tự quản và Chi, Tổ hội của các đoàn thể.
Sở Tư pháp cũng chủ động phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp Pháp luật với đời sống, chuyên đề về chế định TPL với thời lượng 60 phút. Chương trình đã nhận và giải đáp rất nhiều thắc mắc của khán giả trong và ngoài tỉnh về chế định TPL; đồng thời cũng đã biên soạn và phát hành 214.000 tờ rơi tuyên truyền, giới thiệu về TPL cấp phát đến các hộ gia đình đang sinh sống và làm việc trên địa bàn nơi có Văn phòng TPL thành lập.
Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đang tiếp tục biên soạn và phát hành 450.000 tờ rơi về vai trò của tổ chức TPL và các công việc của TPL được làm tuyên truyền đến các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; cấp phát 5000 tờ rơi tuyên truyền về TPL do Bộ Tư pháp phát hành đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và khách hàng đến sử dụng dịch vụ của TPL. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và của cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương này.
Còn chưa yên tâm khi giao việc cho Thừa phát lại
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo UBND tỉnh Tiền Giang, qua khảo sát cho thấy hiện nay chế định TPL còn khá mới đối với nhiều người dân, phần lớn các công việc TPL được làm hiện nay đều còn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang thực hiện (như tống đạt, thi hành án dân sự, xác minh điều kiện THA, cưỡng chế THA...) nên người dân còn tâm lý e ngại trong việc sử dụng các dịch vụ do TPL thực hiện, nhất là trong việc tổ chức THA.
Đáng lưu ý, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Kim Mai: “Khó khăn lớn nhất chính là nhận thức của các cơ quan liên quan đến hoạt động TPL, nhất là Tòa án, THA. Còn có biểu hiện chỉ chuyển giao những văn bản khó, những văn bản quá cận về thời gian gây khó khăn cho TPL trong khi họ vừa mới thành lập, lực lượng vừa thiếu vừa yếu”.
Bên cạnh đó, cũng do là chế định mới nên chữ tín, niềm tin vào TPL chưa nhiều, dẫn đến tư tưởng chưa yên tâm khi giao việc cho TPL. Ngoài ra, một lý do khác cũng làm cho người dân, các cơ quan liên quan chưa thực sự tin tưởng vào TPL thực tế hoạt động còn nhiều trường hợp TPL vi phạm, trong đó khoảng 20% các văn bản đến ngày xét xử vẫn chưa trả văn bản. Tình trạng ghi sai nội dung tên văn bản cần tống đạt, tống đạt văn bản không đúng với người nhận văn bản... vẫn còn.
Ngoài đề xuất tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ở Trung ương để địa phương có cơ sở thực hiện, Phó Chủ tịch Trần Kim Mai cũng đề nghị tăng cường đào tạo, tập huấn cho TPL, đội ngũ thư ký nghiệp vụ. Đồng thời, nếu được tiếp tục cho phép mở rộng, Bộ Tư pháp cần đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật TPL, quy định rõ độ tuổi TPL sau nghỉ hưu, các trường hợp không được bổ nhiệm,... để làm cơ sở cho việc lựa chọn cử đào tạo, bổ nhiệm TPL đạt chất lượng, hiệu quả.