Theo chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,7%/năm; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng theo hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh với tỉ trọng năm 2020 là 37,1% (năm 2015 chiếm 45,8%).
Để tăng trưởng giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, Tiền Giang đã đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Hình 01: Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông chuyển từ trồng lúa sang cây thanh long (Ảnh: M. Thành) |
Diện tích trồng trọt đã giảm dần trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong giai đoạn này, đã chuyển đổi gần 18.000 ha đất lúa sang cây ăn trái và rau màu các loại; hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích khá lớn như sầu riêng 13.000 ha, khóm 15.000 ha, thanh long 9.200 ha, bưởi gần 5.000 ha, vùng chuyên canh rau với diện tích gieo trồng 50.000 ha, vùng lúa chất lượng cao khoảng 35.000 ha, vùng lúa thơm đặc sản khoảng 20.000 ha...
Trước tình trạng hạn mặn diễn biến phức tạp, tỉnh tiền Giang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Lợi nhuận trên 1 ha cây ăn trái cao gấp từ 2 đến 16 lần so với lúa, trên 1 ha rau luân canh cao gấp 2 đến 5 lần so với lúa, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lĩnh vực chăn nuôi có xu hướng chuyển dịch tăng dần, cơ cấu nội bộ ngành đã chuyển dịch giảm dần đàn heo (nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường), tăng tổng đàn gia cầm bình quân 12,5%/năm, từ 8,9 triệu con năm 2015 đến nay khoảng 16 triệu con, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL ) và thứ 6 trên cả nước.
Một số cơ sở chăn nuôi đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao như đầu tư hệ thống chuồng lạnh, tự động hóa hoàn toàn qua phần mềm vi tính, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và xây dựng thương hiệu trong tương lai. Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước chuyển đổi sang quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung.
Lĩnh vực thủy sản có sự dịch chuyển tỷ trọng giữa 2 loại thủy vực nước ngọt và mặn, lợ. Năm 2015, tỷ trọng diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ chiếm 59% thì năm 2020 đạt 68%. Mô hình nuôi tôm 02 hoặc 03 giai đoạn, nuôi tôm bằng vi sinh, mô hình biofloc,… được khuyến khích áp dụng thay thế cho mô hình nuôi truyền thống nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nuôi. Năng suất bình quân trong mô hình này dao động từ 30-60 tấn/ha. Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm theo mô hình 02 hoặc 03 giai đoạn là khoảng 290 ha/69 hộ, cao hơn từ 8 - 10 lần so trước đây.
Theo báo cáo, đến nay toàn tỉnh đã triển khai thi công được 390 công trình nạo vét kênh, mương, thủy lợi nội đồng với chiều dài 408.684m. Công tác phòng, chống hạn mặn cơ bản kết thúc, chỉ còn theo dõi diễn biến mặn trên sông Tiền để vận hành công trình nhằm tranh thủ lấy nước phục vụ sản xuất và xổ xả cải thiện chất lượng nước, cải thiện ô nhiễm môi trường bên trong các vùng dự án.
Tiền Giang triển khai hàng trăm điểm bơm chuyền trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống, phòng chống hạn bảo vệ lúa (Ảnh: TTXVN) |
Trong những năm tới, tỉnh đã đặt ra nhiều vấn đề trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao.
Trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; hướng nhân dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở từng vùng phù hợp với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người nông dân...
Đồng thời rà soát, đề xuất tích hợp quy hoạch ngành vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045, triển khai thực hiện, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Tiền Giang phù hợp với quy hoạch thủy lợi phòng, chống thiên tai của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Tiền Giang. Cùng với việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết là giải pháp quyết định hiệu quả và là chiến lược lâu dài của ngành.
Tiền Giang cần phải đầu tư xây dựng khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản... để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn, có như vậy ngành nông nghiệp Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung mới phát triển ổn định và bền vững.