Tháng 5 lịch sử này, Tiên Lãng quê tôi có thêm niềm vui mới: hàng loạt nhà máy, cụm công nghiệp mọc lên góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân vốn trước đây chỉ quen với đồng áng. 55 năm sau ngày giải phóng, quê tôi thay đổi từng ngày, và giờ đây sự nghiệp “công nghiệp hóa” chẳng còn là khái niệm trừu tượng với người dân nơi đây nữa, mà hiển hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày.
|
Khu công nghiệp bến Khuể |
Đất nghèo nuôi chí anh hùng
Đến hôm nay, niềm hạnh phúc lớn của tôi là được sống và làm việc gần nơi chôn nhau cắt rốn, nơi trải qua thời ấu thơ gian khó. Bạn bè đôi lúc cũng tỏ ra ghen tị: “Mày được làm việc ở quê nhà, muốn thăm ông bà, thăm bà con cô bác, bạn bè… chỉ cần chạy xe máy nửa giờ…”. Cũng có lẽ vì thế, tôi thêm yêu mảnh đất Tiên Lãng- nằm giữa hai con sông Văn Úc và Thái Bình.
Trước đây, Tiên Lãng quê tôi nghèo lắm, cái nghèo điển hình của làng quê Việt như chúng ta từng thấy: nghề nông là chính và không có nghề phụ, chợ phiên đìu hiu, thịt thà vắng bóng quanh năm trong bữa cơm người dân... Cuộc sống của người quê tôi không có thời gian rảnh rỗi, ban ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đêm về lại đốt đèn dầu đập đay, giã gạo, đan lát tới khuya, vất vả vô cùng.
|
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp tại các xã ven biển Tiên Lãng |
Vậy mà làng quê nghèo nằm ở nơi đầu sóng phía Tây Nam thành phố nổi danh kiên cường, từng đánh bại 1.000 trận càn của giặc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Có người ví Tiên Lãng như đất thép Củ Chi ở Sài Gòn thời chống Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gần 20.000 người con của quê hương Tiên Lãng lên đường đi chiến đấu ở khắp các mặt trận; hàng chục nghìn dân quân, du kích ngày đêm chiến đấu, giữ đất giữ làng, lập những chiến công vang dội mà đỉnh cao là việc đập tan trận càn Cờ-lốt (8-1953), tiêu diệt gần 1.000 tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị. Chiến thắng cuộc phá càn này đã góp phần phá sản kế hoạch Na-va của thực dân Pháp âm mưu bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ, quan trọng để quân và dân cả nước giành chiến thắng trong chiến dịch Thu Đông (1953-1954). Bên cạnh đó, Tiên Lãng cũng là nơi phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, với hơn 4.200 liệt sĩ và hơn 2.200 người để lại một phần xương máu của mình tại chiến trường. Toàn huyện có 220 mẹ liệt sỹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Làng quê đổi mới
Đi dưới cái nắng chói chang giữa những ngày tháng Năm lịch sử, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất nghèo, đời sống người dân không những khởi sắc, làng quê sung túc mà diện mạo nơi đây đang tạo nên một bước tranh đa sắc màu sau 55 năm thành phố hoàn toàn giải phóng. Cổng làng sừng sững với hàng chữ đỏ chói “Làng văn hóa”, nhiều ngôi nhà hai tầng mái đỏ như những biệt thự xinh đẹp, lấp ló sau vòm lá xanh tươi, trong nhà lát đá hoa bóng loáng sân gạch gọn gàng, tiếng xe máy chạy vè vè, rộn rã làng thôn… Các con đường làng thẳng tắp, tuy chưa lớn nhưng phủ bê-tông gần như chạy khắp các tuyến đến tận các xóm, thậm chí đến tận hộ; các hộ dân đều có điện sử dụng, nhà nào cũng có giếng nước khoan, thậm chí nước máy; điện thoại, truyền hình phủ sóng mọi nơi. Tại các trung tâm chợ xã, cảnh người người mua bán tấp nập, giao thương năng động, hàng hóa phong phú. Tất cả các xã đều có trường học khang trang. Vui mừng khi nhìn thấy làng quê “thay da, đổi thịt” từng ngày, đồng lúa xanh mướt như hát mừng hội ngộ, bà con xóm làng tay bắt mặt mừng. Xa xa, khu nghĩa trang liệt sĩ được tu sửa gọn gàng, tôn kính trang nghiêm, đậm dấu ấn khắc ghi mảnh đất này với bao nhiêu xương máu của nhiều thế hệ mới có hôm nay. Bà Nguyễn Thị Chuyên, hơn 80 tuổi, ở xóm 6 thị trấn Tiên Lãng cho biết, từ năm Hải Phòng giải phóng, đặc biệt sau khi thực hiện đổi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất đạt hiệu quả, quê hương thay đổi hẳn cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.
|
Mùa vàng về trên khắp cánh đồng Tiên Lãng |
Chỉ ít lâu nữa, từ Hải Phòng, người dân sẽ đi một mạch về thị trấn Tiên Lãng, qua Vĩnh Bảo, sang Thái Bình , Nam Định mà không phải chờ qua đò Khuể - con đò trắc trở có tiếng, khiến người ta ngại về Tiên Lãng từ những ngày xưa. Năm, sáu năm gần đây, đường 10 có cầu Cựu, cầu Quý Cao thông tuyến, đỡ hẳn thời gian chờ đợi vượt hai phà, có lúc chờ mất hàng giờ. Cầu Sông Mới khánh thành, về Tiên Lãng cũng liền một dải. Nay mai có cầu Khuể, Tiên Lãng càng có cơ hội mở rộng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, cho biết: Trước đây, số hộ nghèo trên địa bàn đến vài chục phần trăm, nhưng giờ phần lớn có thu nhập vài chục triệu đến hơn một trăm triệu đồng/năm. Hộ giàu giúp hộ nghèo vươn lên, nhà nhà chăm lo cuộc sống, lo xây dựng nông thôn, bởi thế làng quê trở thành kiểu mẫu nông thôn mới. Trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân Tiên Lãng phấn đấu phát triển công nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư.
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an ninh-quốc phòng, từng bước chuyển dịch đúng hướng cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2005-2009) đạt 11,8%; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 7%/ năm; giá trị sản lượng canh tác thường xuyên đạt 70 triệu đồng/ha; khoảng 1400-1500 học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, THCN mỗi năm; bộ mặt quê hương ngày càng thay đổi, đời sống người dân không ngừng nâng lên…Tiên Lãng cũng là huyện dẫn đầu khối huyện trong thành phố 7 năm liền về phát triển kinh tế- xã hội, được thành phố và các đối tác kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao.
Hải Nguyên
Ảnh: Giang Chinh