Tiến sĩ kinh tế vào tù vì chạy trường

Là tiến sĩ kinh tế, từng là giảng viên đại học nhưng sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Viết Tài lại dùng chiêu chạy trường để lừa tiền của nhiều người.

Là tiến sĩ kinh tế, từng là giảng viên đại học nhưng sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Viết Tài lại dùng chiêu chạy trường để lừa tiền của nhiều người. Sau ba ngày mở phiên xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức chạy việc, chiều hôm qua, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Viết Tài, 63 tuổi, ở Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội mức án 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đồng phạm là Nguyễn Thị Lê Giang, 27 tuổi, ở Định Công, quận Hoàng Mai, mức án 8 năm; Triệu Thị Kim Loan, 44 tuổi, quê ở Lào Cai và Phạm Thị Tâm, 46 tuổi, trú ở Kim Giang, quận Thanh Xuân bị tuyên phạt 24 tháng 2 ngày và 30 tháng trong đó Tâm được trả tự do ngay tại tòa vì thời gian giam giữ đã hết 24 tháng 2 ngày. Theo cáo trạng, khoảng tháng 11/2008, anh Hùng, 40 tuổi, công tác trong quân đội có 3 người cháu chưa có việc làm, đã nhờ một phụ nữ xin vào trường T36 Bộ Công an và phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội. Qua mối quan hệ xã hội, người phụ nữ này đã điện thoại cho ông Tài và được trả lời có thể thu xếp được nhưng ra giá mỗi suất xin học là 60 triệu đồng còn xin đi làm là 135 triệu. Tin tưởng ông Tài là tiến sĩ kinh tế, từng là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, anh Hùng đã gom được 180 triệu của 3 gia đình, nhờ đưa cho ông Tài.
Nguyễn Viết Tài và các cộng sự tại tòa
Nguyễn Viết Tài và các cộng sự tại tòa
Ngày 5/2/2009, vụ việc lừa đảo của ông Nguyễn Viết Tài bị vạch trần khi một người cháu của anh Hùng mang giấy trúng tuyển vào lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội, đến Công an thành phố Hà Nội làm thủ tục đi làm, mới biết giấy tờ của mình là giả. Ngay sau đó, Tài và các đồng phạm bị bắt. Quá trình điều tra, cơ quan công an có đủ cơ sở xác định ông Tài không có chức năng tuyển dụng người vào công tác và học tập trong các đơn vị, nhà trường thuộc ngành công an nhưng vẫn tung tin, hứa hẹn là có khả năng lo lót cho vào những nơi này học tập và làm việc, với giá mỗi trường hợp từ 45 đến 210 triệu đồng. Giúp sức đắc lực cho Tài trong các vụ lừa là Nguyễn Thị Lê Giang. Mặc dù biết Tài không có khả năng nhưng vì tiền, cô gái này đã cùng Tài thu thập các giấy thông báo tuyển sinh, giấy nhập học, quyết định nhận công tác của trường trung học cảnh sát, an ninh, T36, V26... rồi soạn thảo thành giấy trúng tuyển giả sau đó thuê Loan và Tâm in giả dấu đỏ vào giấy tờ đã soạn với giá 1,5 triệu đồng một loại dấu. Cho tới khi bị bắt, Loan và Tâm đã in được 23-26 dấu đỏ giả các loại. Để tránh bị phát hiện, hai kẻ này còn đóng nhiều vai khác nhau với các tên tuổi, chức danh có trong danh bạ điện thoại, sử dụng nhiều sim và số điện thoại để “trấn an" những khách hàng của mình hòng lấy đủ tiền của họ. Cao thủ hơn, Tài và Giang không bao giờ trực tiếp nhận tiền mà yêu cầu chuyển tiền theo nhiều cách khác nhau như: gửi qua ôtô khách, ngân hàng, nhờ người khác nhận hộ... Tính đến thời điểm bị bắt giữ, Tài và Giang đã lừa được 17 trường hợp, chiếm đoạt 1,96 tỷ đồng, tới ngày ra tòa mới khắc phục được 500 triệu đồng cho các nạn nhân.
Theo Phong Anh
Đất Việt

Đọc thêm