Tiền tiết kiệm loạn cào cào, liên ngân hàng lặng sóng

Trong khi lãi suất liên ngân hàng hạ rất mạnh, vay kỳ hạn qua đêm giảm chỉ còn 8,5% một năm thì tiền gửi tiết kiệm vẫn rất nóng. Mức lãi suất huy động được không ít ngân hàng đẩy lên 15% một năm.

Trong khi lãi suất liên ngân hàng hạ rất mạnh, vay kỳ hạn qua đêm giảm chỉ còn 8,5% một năm thì tiền gửi tiết kiệm vẫn rất nóng. Mức lãi suất huy động được không ít ngân hàng đẩy lên 15% một năm.

Gửi 500 triệu đồng tại một ngân hàng quốc doanh kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 12% một năm, chị Lan Anh cứ nghĩ mình may mắn gửi quốc doanh vừa an tâm mà lại hưởng lãi cao như ngân hàng cổ phần. Thời gian trước, lãi suất của quốc doanh luôn thấp hơn so với cổ phần nhưng nay nơi nào cũng niêm yết một mức như nhau, 12% một năm, áp dụng cho mọi kỳ hạn.

Khi được bạn bè cho biết nếu hỏi thì lãi suất ở ngân hàng cổ phần cao hơn nhiều, chị vẫn chưa tin. Tuy nhiên, một tuần sau khi gửi, nhiều nhà băng cổ phần công khai niêm yết lãi suất tới 13,5% thì chị mới giật mình. Thậm chí, Ngân hàng Nam Á còn tuyên bố áp dụng lãi suất 13,75% cho kỳ hạn 6 tháng khi khách hàng tham gia loại hình tiết kiệm bậc thang.

Lãi suất kỳ phiếu đã được VP Bank công bố công khai lên tới 15% một năm. Ảnh: Hoàng HàLãi suất kỳ phiếu đã được VP Bank công bố công khai lên tới 15% một năm. Ảnh: Hoàng Hà
Lãi suất kỳ phiếu đã được VP Bank công bố công khai lên tới 15% một năm. Ảnh: Hoàng Hà

Gọi điện đến phòng giao dịch của một ngân hàng cổ phần nằm trên khu vực quận Tây Hồ (Hà Nội), nhân viên nơi đây ban đầu không chịu công bố lãi suất qua điện thoại. Tuy nhiên, sau một hồi trao đổi, nhân viên này tiết lộ, lãi suất kỳ hạn 1 tháng có thể được cộng thêm 2,5% và từ 2 tháng trở lên có thể lên đến 15%. "Phòng giao dịch của tụi em mới thành lập nên chấp nhận lợi nhuận thấp, áp dụng lãi suất cao hơn các ngân hàng khác để thu hút khách hàng", cô nhân viên lý giải.

Chưa hết, với số tiền từ 100 triệu trở lên, ngân hàng sẽ đến tận nơi để nhận tiền gửi. Nếu đi rút tiền từ ngân hàng khác về gửi, nhân viên sẽ đi cùng, sang tận nơi để nhận và chuyển về hộ cho khách hàng đỡ mất công.

         

Hơi tiếc vì lỡ gửi ở ngân hàng quốc doanh với lãi suất thấp hơn nhưng chị này vẫn ngại việc chuyển sang cổ phần để gửi tiền. Thế nhưng, không giống chị Lan Anh, không ít khách hàng mới gửi tiền ở ngân hàng quốc doanh được vài ngày đã chuyển nhà băng khi được nhân viên nhà băng cổ phần chào lãi suất cao hơn.

Chị Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi gửi 3 tỷ đồng với lãi suất 12,5% ở một ngân hàng quốc doanh đã chuyển sang một nhà băng cổ phần vì lãi suất được chào tới gần 15%. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người gửi tiền chuyển ngân hàng như đèn cù vì lãi suất.

Lãnh đạo phụ trách nguồn vốn của một ngân hàng quốc doanh than thở: “Trước chỉ có các khách hàng tổ chức, vốn lên tới chục tỷ đồng trở lên mới chạy lung tung. Giờ thì đến cả khách cá nhân cũng dọa bỏ ngân hàng, thỏa thuận lãi suất rồi chạy loạn cả lên, làm chúng tôi nhức hết cả đầu”.

Phó giám đốc phụ trách nguồn vốn của một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tiết lộ, do tình hình lãi suất trên thị trường diễn biến phức tạp, nhân viên được trao quyền nhiều hơn để chủ động giữ chân khách hàng. “Nếu không thay đổi liên tục thì khách sẽ bỏ đi nơi khác, mà sắp đến cuối năm rồi, vốn chắc chắn sẽ căng thẳng”, ông này nói.

Cũng vì lý do này mà không ít khách hàng khi đến rút tiền chuyển sang nơi khác đã được nhân viên ngân hàng đề nghị tăng lãi suất cho kỳ hạn đang gửi để không chuyển tiền đi. Anh Tuấn Hùng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, anh định chuyển số tiền 900 triệu đồng, mới gửi được một tuần với lãi suất 12% sang một ngân hàng khác.

Tuy nhiên, khi đến rút tiền, nhân viên của nhà băng quốc doanh nơi anh đang gửi tiền, đề nghị tăng lãi suất cho khoản tiền đang gửi lên 13% nên anh cũng không chuyển nữa. “Sang chỗ mới được 13,5% nhưng cũng phải làm thủ tục mất thời gian mà chẳng được bao nhiêu nên tôi không chuyển nữa”, anh Hùng nói.

Bên cạnh lãi suất tiết kiệm “ngầm”, một số nhà băng cổ phần đã công khai huy động kỳ phiếu, trái phiếu với mức lãi suất rất cao. Hiện tại, VP Bank nằm trong số các ngân hàng có mức lãi suất kỳ phiếu cao nhất trên thị trường. Mức lãi suất trả trước của kỳ phiếu ngân hàng này hiện là 13% một năm, tương đương với 15%một năm cho kỳ hạn 12 tháng và 14% cho kỳ hạn 6 tháng (trả lãi cuối kỳ). Tuy nhiên, nhà băng này chỉ công bố huy động kỳ phiếu ghi danh với 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường liên ngân hàng những ngày gần đây khá ổn định. Lãi suất cho vay qua đêm có lúc chỉ còn 8,5% một năm và hiện phổ biến là 9%. Tuy nhiên mức lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng trở lên vẫn chưa giảm mạnh. Các ngân hàng quốc doanh hiện chào kỳ hạn 1 tháng là 13,5%, còn các kỳ hạn dài hơn được chào rất ít. Chuyên gia tiền tệ của một ngân hàng nước ngoài lớn cho biết, thời điểm hiện tại là cuối tháng, dự trữ bắt buộc của các nhà băng đã đủ nên vốn ngắn hạn tạm thời dư thừa. Tuy nhiên, vào đầu tháng tới, khi chu kỳ dự trữ mới bắt đầu thì thị trường liên ngân hàng sẽ nóng trở lại.

Song Linh – Hoàng Ly

Đọc thêm