Tiến tới đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI: Thể thao Đà Nẵng tự tin

Sau 25 môn tham gia thi đấu ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), trong tổng số 62 môn, phân môn, các VĐV chủ nhà Đà Nẵng đã giành được 23 HCV, 18 HCB, 24 HCĐ, vượt 9 HCV so với chỉ tiêu ban đầu. Và trước thềm vòng chung kết, đoàn Thể thao Đà Nẵng đang ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng tạm thời, thành tích đúng như dự kiến.

Sau 25 môn tham gia thi đấu ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), trong tổng số 62 môn, phân môn, các VĐV chủ nhà Đà Nẵng đã giành được 23 HCV, 18 HCB, 24 HCĐ, vượt 9 HCV so với chỉ tiêu ban đầu. Và trước thềm vòng chung kết, đoàn Thể thao Đà Nẵng đang ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng tạm thời, thành tích đúng như dự kiến.

Mô tả ảnh.
Cơ thủ Nguyễn Thanh Long đang được đặt nhiều hy vọng giành HCV Billiards English về cho đoàn Thể thao Đà Nẵng.
Thành công ban đầu là kết quả của một sự chuẩn bị tích cực của ngành TDTT và sự quan tâm, đầu tư rất lớn của thành phố. Trong đó, việc xây dựng và thực hiện chiến lược suốt tiến trình chuẩn bị đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thất bại từ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006) đã giúp ngành TDTT thành phố rút ra được bài học bổ ích. Từ đó, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng sớm được tiến hành. Đồng thời, rà soát lại lực lượng, xây dựng kế hoạch tập huấn trong và ngoài nước cho các đội tuyển thể thao tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6.

Mặt khác, Đà Nẵng là một trong số rất ít địa phương không có sự xáo trộn khi thực hiện sáp nhập Sở. Nhờ đó, tính đồng thuận trong việc thực hiện kế hoạch từ lãnh đạo cho đến các VĐV rất cao nên ngành TDTT có thuận lợi trong công tác chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội.

Đặc biệt, thành phố đã quan tâm rất cụ thể khi phê duyệt dự toán kinh phí bổ sung đối với Sở VH-TT&DL để chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội, cũng như cho phép ngành TDTT điều chỉnh kế hoạch tập huấn nước ngoài nhằm bảo đảm thành tích chuyên môn của các VĐV.

Hiệu quả của sự điều chỉnh từ thành tích thi đấu của các đội tuyển ở giai đoạn xuất phát (môn Bơi bể 25m, Wushu...) đã giúp đoàn Thể thao Đà Nẵng tiếp tục gặt hái những thành công sau đó như 2 HCV của Tennis hay HCV của Boxing nữ, cờ Vây và Bắn nỏ, ná - vốn không được giao chỉ tiêu Vàng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã xuất hiện những khiếm khuyết; trong đó, đáng kể nhất là việc một số HLV vẫn chưa đánh giá đúng năng lực của mình cũng như khả năng nhận diện các đối thủ còn yếu nên chưa điều chỉnh kịp kế hoạch thực hiện như Taekwondo, Đua thuyền truyền thống, Cờ nhanh, Cờ chớp nhoáng... Bên cạnh đó, trước sự cạnh tranh quyết liệt của Hải Phòng (đang xếp hạng 4 (25 HCV, 18 HCB, 23 HCĐ), Đồng Tháp (21 HCV, 6 HCB, 12 HCĐ), Thanh Hóa (18 HCV, 8 HCB, 13 HCĐ) hay Bộ Công an (15 HCV, 9 HCB, 31 HCĐ) cũng cần được quan tâm.

Để giành thêm 5-9 HCV không phải quá khó với các VĐV Đà Nẵng khi các môn thi đấu như Bơi, Thể dục Thể hình, Cử tạ, Canoeing, Rowing… từng mang lại cho Thể thao Đà Nẵng những thành tích trong quá khứ và sẽ được tiến hành khi vòng chung kết khởi tranh vào trung tuần tháng 12 tới tại Đà Nẵng. Cái khó của Thể thao Đà Nẵng, như từng được phân tích, chính là việc lệ thuộc vào quá nhiều những cá nhân, trong khi quá thiếu những “phụ công” xuất sắc. Thậm chí, những môn thế mạnh trước kia của chủ nhà như Điền kinh, cờ Vua hay Billiards cũng không được duy trì; chưa nói đến việc phát triển ở tầm mức cao hơn.

Cho nên dù tự tin, nhưng Thể thao Đà Nẵng vẫn còn không ít âu lo khi “trận đánh lớn” đang đến rất gần. Hơn thế nữa, để thực sự là một trung tâm mạnh trong một tương lai gần, Thể thao Đà Nẵng rất cần một chiến lược phát triển đúng đắn khi sự quan tâm của thành phố sẽ không còn ở mức tối đa như thời gian qua...

BẢO AN

Đọc thêm