Tiền và giấc mơ thành tổng thống Mỹ

Tiền đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Cuộc chạy đua quyên góp tiền cho chiến dịch này đang ở những mức độ rất khác nhau giữa các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Nhưng người may mắn nhất trong số họ vẫn còn thua xa so với đương kim Tổng thống Obama.

 Tiền đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Cuộc chạy đua quyên góp tiền cho chiến dịch này đang ở những mức độ rất khác nhau giữa các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Nhưng người may mắn nhất trong số họ vẫn còn thua xa so với đương kim Tổng thống Obama. 

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Ở Mỹ, cuộc chiến giành ghế tổng thống diễn ra trên cả hai mặt trận: lá phiếu và tiền. Các ứng cử viên phải “chạy” khắp đất nước để thuyết phục các cử tri bỏ phiếu cho mình, đồng thời cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ.

Luật pháp Mỹ quy định rõ khả năng tài trợ từ nguồn vốn của nhà nước. Các ứng viên tổng thống nào chấp nhận nguồn vốn tài trợ này của chính phủ thì họ phải cam kết sẽ không chi tiêu vượt quá một mức tiền cụ thể nào đó.

Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng trở nên không đáp ứng được nhu cầu của các ứng viên vì giới hạn mức tiền được chi tiêu tỏ ra quá thấp - và ít hơn số tiền mà các ứng viên lớn có thể kêu gọi từ các nguồn tư nhân. Kết quả là, nhiều ứng viên lớn đã từ chối tham gia vào hệ thống này để tự do quyên góp tiền từ các nhà tài trợ tư nhân. Đó là lý do vì sao mà số tiền quyên góp được của 6 ứng cử viên đảng Cộng hòa có sự chênh lệch rõ ràng như vậy.

 

Có 3 ứng cử viên bứt phá rõ ràng trong chiến dịch quyên góp của đảng Cộng hòa. Ứng cử viên Mitt Romney không chỉ tiến trước về tỉ lệ phiếu ủng hộ tại 2 bang đầu tiên là Iowa và New Hampshire, mà còn dẫn đầu cuộc chạy đua về số tiền tài trợ với hơn 32 triệu USD (Số liệu cuối cùng do Center for Reponsive Politics thu thập được vào ngày 30/12/2011).

Sau Mitt Romney, Rick Perry và Ron Paul lần lượt quyên góp được 17 và 12 triệu USD. Và cách xa đó là Rick Santorum chỉ mới quyên góp được hơn 1 triệu USD. Mỗi lần thành công mang lại cho ứng cử viên những nguồn tài trợ mới, nhưng một chiến dịch được khởi động với quá ít vốn có nguy cơ sụp đổ rất nhanh.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa nào giành chiến thắng trong cuộc chạy đua, thì đến tháng 8 vẫn sẽ còn tốn nhiều công sức để đuổi kịp đương kim Tổng thống Barack Obama, ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ. Chỉ một mình ông Obama đã nhận được nguồn tài trợ lớn hơn tổng số tiền mà 6 ứng cử viên Cộng hòa quyên góp được, với 86 triệu USD.

Số tiền tài trợ dành cho các ứng viên đảng Cộng hòa hiện vẫn còn ở mức thấp hơn số tiền tài trợ trong cùng kỳ năm 2007. Hồi đó, ông Barack Obama đã thu được hơn 80 triệu USD, còn đối thủ cùng đảng Hillary Clinton thu được 91 triệu USD.

Trong khi đó, trong đảng Cộng hòa, Mitt Romney ngày ấy gom được gần 80 triệu USD, còn John McCain được 29 triệu USD. Trong sự vắng mặt của tổng thống hết nhiệm kỳ George W Bush, cuộc cạnh tranh khi đó rất gay gắt trên cả hai mặt trận và kết thúc bằng cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ với chi phí lên tới hơn 1 tỷ USD.

 

Điểm đáng chú ý trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 ở Mỹ là các ứng cử viên đã khởi động với nguồn tài trợ lớn nhất không phải là những người cuối cùng được đề cử là ứng viên của đảng ra tranh cử. Và đặc biệt ở phe Cộng hòa, John McCain mặc dù quyên góp được ít tiền hơn nhưng đã “loại” được Mitt Romney trước khi rút khỏi cuộc đua.

Điểm mới trong chiến dịch tranh cử năm 2012 là tài khoản của các ứng cử viên không bao gồm toàn bộ số tiền thực sự đầu tư vào cuộc đua. Một quyết định của Tòa án tối cao năm 2010 đã cho phép sự xuất hiện của các “diễn viên” mới: “Siêu PACs” (Super Political Action Committee - Siêu Uỷ ban vận động chính trị).

Trước đây, chỉ có các PAC – các ủy ban ủng hộ truyền thống phụ trách việc thu thập quỹ cho một ứng cử viên. Các ủy ban này phải tuân thủ nhiều mức trần khác nhau, chẳng hạn như mức trần tài trợ, mức trần chi tiêu… nhằm giới hạn khung chi tiêu cho chiến dịch vận động tranh cử. Theo khung này, mỗi người chỉ có thể ủng hộ tối đa 2.500 USD cho một ứng viên trong bầu cử sơ bộ và có thể tặng tiếp 2.500 USD trong bầu cử chính thức.

Tuy nhiên, với quyền tự do ngôn luận được đảm bảo bởi Hiến pháp, Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng, những giới hạn này chỉ có thể được áp đặt trong khuôn khổ chiến dịch vận động tranh cử chính thức. Vì vậy, mỗi một ứng cử viên được tự do đầu tư bao nhiêu tiền tùy họ miễn sao điều đó có lợi cho họ.

Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ - thường được đánh giá là đạo đức giả - cho phép thành lập các Siêu PAC mà không quy định các mức trần: bất kỳ cá nhân nào hay tổ chức nào cũng có thể đóng góp vào đó với số tiền không giới hạn và họ có thể chi tiêu không cần tính toán chi li như trước đây.

 

Chỉ có một hạn chế duy nhất là họ không thể kết nối trực tiếp với chiến dịch vận động tranh cử chính thức của ứng cử viên mà họ ủng hộ, không được rót tiền cho người này. Việc này không ngăn cản họ tài trợ cho những chiến dịch quảng cáo chống lại các đối thủ của ứng cử viên mà họ ủng hộ. Một số siêu PAC thậm chí không bị bắt buộc phải tiết lộ nguồn gốc tài chính, danh tính người ủng hộ tiền. Số khác thành công trong việc trì hoãn công bố danh sách quyên góp tiền đến hết ngày 31/1/2012.

Như vậy, trong bốn cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra trong tháng 1 (muộn nhất là vào ngày 31/1 tại bang Florida), cử tri sẽ không thể biết ai đã chi tiền cho những quảng cáo tranh cử đang dồn dập tấn công màn ảnh nhỏ.

Hiện trong số 258 Siêu PAC, Restore our Future, Siêu PAC chính hoạt động để ủng hộ Mitt Romney, đã thu được 8 triệu USD, vượt xa so với các ủy ban vận động chính trị khác như Make Us Great Again ủng hộ cho Rick Perry và Our Destiny ủng hộ cho Jon Huntsman.

Hôm 8/1, Winning our Future ủng hộ ông Gingrich đã nhận thêm tấm séc trị giá 5 triệu USD của tỷ phú Las Vegas Sheldon Adelson và ngay lập tức, 3,4 triệu USD trong đó đã dùng để mua quảng cáo trên sóng phát thanh truyền hình ở bang Nam Carolina. Số tiền này còn qua mặt cả siêu PAC của ông Romney (khoảng 2,3 triệu USD) với hy vọng giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra ở đây trong ngày 21/1 tới.

Về phần mình, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cũng được Siêu PAC Priorities USA ủng hộ với nguồn quỹ ban đầu khoảng 12 nghìn USD dành cho chiến dịch quảng cáo tấn công đối thủ.

Quang Minh (theo Figaro)

Đọc thêm