Tiếng chim phố nhỏ

Sẽ tuyệt vời biết bao nếu được nghe tiếng chim hót trong phố phường Hà Nội. Âm thanh trong trẻo ấy sẽ làm cho không khí náo nhiệt, cái hối hả tấp nập của một nơi đô hội sẽ chùng xuống. Cuộc sống như vơi đi bớt mệt mỏi và căng thẳng, chỉ còn lại cảm giác êm ái thanh bình.

Chim hót líu lo
Chim hót líu lo

Sẽ tuyệt vời biết bao nếu được nghe tiếng chim hót trong phố phường Hà Nội. Âm thanh trong trẻo ấy sẽ làm cho không khí náo nhiệt, cái hối hả tấp nập của một nơi đô hội sẽ chùng xuống. Cuộc sống như vơi đi bớt mệt mỏi và căng thẳng, chỉ còn lại cảm giác êm ái thanh bình.

Hà Nội được công nhận là thành phố vì hòa bình. Nó được “giảm nhiệt” bởi có rất nhiều cây xanh, và có nhiều hồ nằm rải rác trên địa bàn. Những công viên như LêNin, Bách Thảo, vườn Thủy Lệ… là nơi lý tưởng cho những loài chim trú ngụ. Tiếng hót của chúng góp cho thành phố những âm điệu, làm nên bức tranh lãng mạn của thủ đô một nước.

Ông tôi giờ về hưu, thú vui tuổi già là những giò phong lan, những lồng chim cảnh các loại như chím sáo, cu gáy, vàng khuyên… Ông bảo người Hà Nội có nhiều thú chơi trong đó có thú chơi chim, một thú chơi tao nhã cũng cần rất nhiều công phu, tốn kém và khó khăn. Sử sách chẳng ở đâu chép người Hà Nội chơi chim từ khi nào, chỉ biết nó đã lâu đời. Xưa kia chỉ có địa chủ, trọc phú mới có đủ tiền và thời gian để chơi.

Còn ngày nay, chỉ cần có đam mê, chút ít thời gian là chơi được. Chuyện tiền bạc trong thời kinh tế thị trường không mấy quan trọng. Bởi người ít tiền thì chơi loại chim rẻ, chừng một triệu đồng cũng có thể có chim chơi. Năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, để chăm sóc cho những chú chim tránh được bệnh là một vấn đề lớn.

Ông tôi phải dùng vải, căng quanh lồng tránh rét cho chim. Ông bảo: “Nuôi chim  là thú chơi vui vẻ của tuổi già, thực ra mình chơi đơn giản thì cũng chẳng cần quá kỳ công. Trong cái dòng chảy tấp nập này, biết ai hơn ai, cho nên, hãy cứ để niềm vui của ta kéo dài bằng những thú vui tuyệt vời này”

Nói về chơi nhiều chim thì phải kể đến ông Thọ, bạn của ông tôi ở Phố chợ Khâm Thiên. Ông sở hữu hơn chục con cu gáy, chúng trở thành những nốt nhạc trong bản hợp âm đa thanh, có trường độ, âm điệu rõ dệt. Và mỗi khi chúng đồng thành lên tiếng thì quả là điều tuyệt diệu. Cho nên ông rất tự hào mỗi khi có bạn đến chơi, họ sẽ được ông đãi những bản nhạc của chim. Ông tôi vài ông Thọ rất thường xuyên qua lại với nhau để thưởng trà, thưởng thức. Dường như tiếng chim làm các ông trở nên khoẻ khoắn và trẻ mãi.

Vậy nhưng để có tiếng hót như vậy, ông Thọ đã phải mất nhiều thời gian và tâm huyết cho “giàn nhạc” của mình. Những ngày tháng bệnh cúm H5N1 hoành hành, nhiều lúc ông giật thót tim, chỉ sợ chúng nhiễm bệnh, cho nên, ông tìm cách thoát ly  là nhốt cho chúng ở trong buồng. Tuy nhiên, tiếng hót của chúng vẫn vang vang, không thể giấu đi được. Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến chất lượng tiếng hót của chim, nên làm sao để chim ăn đủ chất đủ độ là cả một vấn đề lớn.

Con người rất khó đoán biết được chúng cần cái gì để mà cung cấp, cũng như con người, đôi khi không biết mình cần cái gì. Chọn con chim tốt đã khó, nuôi thế nào cho tốt cũng không kém phần quan trọng. Nhiều khi nuôi cả chục con mà đều hỏng. Ông Thọ đã có lần như thế, không ngòi bút nào mô tả được ngày đó ông đã buồn đến thế nào. Ông nội tôi lại là người sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và động viên người bạn.

Nhiều người thèm nghe tiếng chim kêu trên phố
Nhiều người thèm nghe tiếng chim kêu trên phố

Hoá ra, con chim cũng khiến người gần người hơn, dễ có tâm giao hơn. Và, khi nghe chuyện của ông nội và ông Thọ, tôi đúc rút được cả triết lý của những người chơi. Họ không chịu bỏ tiền ra để mua một con chim đã hót hay, như thế là chơi cái của người khác. Họ thích tạo  ra con chim quý bằng chính đôi bàn tay huấn luyện của mình, vậy mới thú, mới vui, mới đúng là chơi.

Có chim quý, nên cũng có những chiếc lồng thực sự sang trọng, đan bằng loại nan uốn cầu kỳ, ghép bằng gỗ thơm. Người mộc mạc thì thích loại lồng bình thường, cho nên có những chiếc lồng chỉ vài chục ngàn, có chiếc lên đến tiền triệu. Đôi khi, chúng ta thấy tiếng chim gáy buồn thê lương trong lồng. Người chơi chỉ lấy tiếng hót chúng để trang trí, chứ không có chút nào để gọi là trân trọng tiếng chim. Cho nên đã có thơ về loài chim “Chim cu buồn, chim cu gáy xa xa…”

Ông tôi có con chim sáo sậu, dường như nó nhận ra sự chân thành của ông tôi đối với nó. Cho nên, dù ông có thả ra, thì nó vẫn chỉ đậu trên lòng bàn tay, không muốn dời. Tôi nhớ một chuyên ngày xưa, đã có chuyện chú chim được nhốt trong lồng đến vài năm, chẳng chịu gáy, lúc nào cũng ủ rũ buồn bã, thả ra, nó vội vàng bay mất. Loài chim cũng ao ước tự do, như chính con người, chẳng thể nào ham thích nổi những ràng buộc. Tinh thần con người cần phải cất lên, như tiếng hót tự do, không thể bị giới hạn bởi những chiếc lồng chật hẹp.

Ngày ông tôi mất, lũ chim cất lên những tiếng hót gần như xót xa, rồi lặng lẽ chùng xuống, như một sự đưa tiễn. Ông Thọ mất đi một người bạn, lũ chim mất đi người bạn, người chủ tốt và trân trọng chúng. Chẳng biết tôi có đủ sức để tiếp tục chăm sóc những tiếng chim, để trong cuộc sống tấp nập phố phường này, bớt ngột ngạt, để Hà Nội mãi mãi là thành phố hòa bình. Và để muôn vàn tiếng chim sẽ hợp thành dàn đồng ca cất lời của ngàn năm!

Hải Miên

Đọc thêm