Những sự cố “uy hiếp” an ninh hàng không
Sau vụ va chạm giữa 2 máy bay tại sân bay Nội Bài vào sáng 2/11, các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan đã khẩn trương vào cuộc và xác minh rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tạm đình chỉ công việc đối với kíp trực; tổ lái chuyến bay; chỉ huy kéo đẩy, nhân viên cảnh giới và hỗ trợ kéo đẩy máy bay; nhân viên điều khiển phương tiện kéo đẩy máy bay và kiểm soát viên không lưu điều hành máy bay lăn, để phục vụ công tác điều tra.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, dù không gây thiệt hại về người nhưng đây là sự cố uy hiếp an toàn hàng không, cần phòng tránh không xảy ra các vụ việc tương tự; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hành khách, người lao động và tài sản trong hoạt động vận tải hàng không.
Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra những sự cố, vụ việc mất an toàn liên quan đến hoạt động của các phương tiện trong các sân bay. Đơn cử, vào tháng 7/2020, cũng tại sân bay Nội Bài xảy ra vụ va chạm giữa xe bán tải với một nữ nhân viên đội môi trường khu bay thuộc Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài đang làm nhiệm vụ vệ sinh sân đường. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay lập tức song nữ nhân viên đã không qua khỏi.
Bên cạnh đó, tại sân bay Nội Bài cũng có nhiều sự cố giao thông khác do không chú ý nên gây cản trở hoặc ách tắc giao thông. Ví như trường hợp một lái xe khi đang điều khiển phương tiện công vụ do không chú ý quan sát nên đã điều khiển phương tiện đi cắt qua phía sau máy bay; trong khi máy bay này đang được kéo lùi từ vị trí đỗ ra đường lăn để thực hiện chuyến bay mới. Dù những sự cố như vậy không gây thiệt hại về con người nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Đảm bảo an toàn các phương tiện trong khu bay
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành hàng không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động khai thác máy bay, phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất và hạ tầng liên quan, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy trình về bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành khai thác máy bay và cảng hàng không.
Đầu năm nay, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn hoạt động của các phương tiện hoạt động trong khu bay, nhằm giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn của các phương tiện hoạt động trong những khu vực này.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không quán triệt nhân viên nâng cao ý thức văn hóa an toàn hàng không, tuân thủ nghiêm các quy định an toàn khai thác tại cảng hàng không, quy trình vận hành khai thác phương tiện mặt đất; thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, đảm bảo nhân viên thực hiện thuần thục công việc chuyên môn.
Quy định này rất quan trọng trong bối cảnh hàng không mới phục hồi trở lại sau thời gian dài tạm dừng. Do vậy, cần có biện pháp kiểm tra chuyên môn, huấn luyện nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn hàng không cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Mặt khác, theo quy định, Cảng vụ hàng không cũng cần đảm bảo thực hiện triệt để công tác kiểm tra, giám sát an toàn khu bay, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến an toàn khai thác khu bay; tổ chức bình giảng rút kinh nghiệm các hành vi vi phạm quy định an toàn khu bay, các sự cố an toàn khu bay đến tất cả các đơn vị hoạt động trong khu bay theo quy định. Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên vận hành phương tiện mặt đất, giám sát công tác bảo trì phương tiện, thiết bị hoạt động trong khu bay.
Về phía các công ty hàng không cũng có trách nhiệm phối hợp, kiểm tra, rà soát lại các phương án, quy trình khai thác, cung cấp dịch vụ để kịp thời điều chỉnh đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả khai thác. Đồng thời, nhận diện mối nguy và triển khai các biện pháp giảm thiểu mối nguy, đặc biệt là các mối nguy xảy ra đối với hoạt động của các phương tiện, thiết bị trong khu bay.
Nói tóm lại, sự cố vừa qua chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho sân bay Nội Bài, cũng như các sân bay khác trên cả nước trong việc đảm bảo việc tuân thủ các quy định an toàn trong khu bay. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành hàng không đang dần “tăng tốc” trở lại, tần suất khai thác các chuyến bay có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới đây, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp càng không thể lơ là cảnh giác với các hiểm nguy tiềm tàng về sự cố, tai nạn giao thông trong sân bay.