Tiếng hát liêu điêu

Vợ anh cao, tóc dài. Sau khi hai người ly dị, anh chỉ toàn để ý đến những cô gái từa tựa. Tôi nói với chồng: “Vậy là cái ông này còn thương bà Hoa”. Hoa là tên vợ cũ của anh. Mà anh lại là bạn rất thân với ông xã tôi.

Một

Vợ anh cao, tóc dài. Sau khi hai người ly dị, anh chỉ toàn để ý đến những cô gái từa tựa. Tôi nói với chồng: “Vậy là cái ông này còn thương bà Hoa”. Hoa là tên vợ cũ của anh. Mà anh lại là bạn rất thân với ông xã tôi.

Con gái anh ở với vợ. Nó không giống được khuôn mặt rất thanh tú của cha nhưng được thừa hưởng cái gen cao của mẹ. Tôi gặp cháu từ hồi hai người còn chung sống. Thấy cứ buồn cười! Người chồng đạp cái xe đòn dông chở một phụ nữ - vợ và một bé gái - con.  Người anh ốm yếu nên đạp ngó ì ạch lắm. Cặp chân ngắn ngủn khiến anh cứ phải chệch một bên mông để chân với tới pê-đan. Cái thân nhìn rất khổ mà khuôn mặt nhìn rất sướng. Đầy vẻ hân hoan, hạnh phúc và hãnh diện. Người vợ lại là một đối nghịch. Tóc dài thả bay vờn lượn trên cái lưng thon thả và chỗ ngồi phía sau rất thoải mái ung dung. Phong cách thì thế nhưng đôi mắt, khuôn mặt nghe ra quá ưu tư mỗi khi ngước nhìn. Bé gái là sự gộp chung của những hoan hỉ cùng âu lo, và rất gầy. Không nhỏ con như bố mà lại quá gầy nên trông khó coi.

Anh uống nhiều rượu, sau khi người vợ mang con gái ra khỏi ngôi nhà của ba mạ anh, một ngôi nhà rộng thênh, nhiều phòng và lạnh ngắt. Lúc nào cũng có cảm giác buốt giá khi bước vào, dẫu giữa mùa hè. Nếu có một ai đó cắc cớ hỏi vì sao vợ anh không ở nữa, sao chia tay? Câu trả lời của Hoa là: Vì mạ phong kiến quá, Huế quá, khó quá! Câu trả lời của anh là nụ cười hiền hiền quen thuộc nhiều phần vô cảm. Đấy là khi anh đang tỉnh táo. Lúc lâng lâng hơi men anh thường bảo do tôi lành quá. Anh uống rượu không để đàn đúm, vui vầy mà do buồn quá, đã hẳn; và do lành quá, đã đành. Anh uống như cách để chối từ những phiền lo, những đối chọi, trống rỗng…, từ nhà mình, từ chỗ làm, trong từng mối dây ràng buộc, và trên tất cả, từ chính nỗi cô đơn của anh.

Ngay trong sự cô đơn của mình anh cũng lành biết bao. Không phải trong cả cuộc đời mình, anh đã rất vô tư để cho cái sự lành hiền đưa dẫn đó sao.

***

Trong khi anh sống lất phất, chấp chới giữa những cơn say thì Hoa đã kịp tạo cho cuộc sống của mẹ con cô những vững chãi cần thiết. Hoa chọn thị trấn đang công tác làm chỗ ở lâu dài, mua đất, cất nhà tại đó. Đất rộng nhưng chẳng cần thuê mướn, nhờ vả ai, một mình cô lần hồi tạo được khu vườn như ý. Mỗi ngày làm một chút, sáng sớm, chiều sẫm và những đêm trăng. Sau giờ làm việc ở cơ quan, Hoa ném mình vào đất, bám chân vào đất mà đứng nên có sự vững chắc là lẽ thường tình.

Chỉ có anh cứ đạp cái xe đòn dông không con phía trước, không vợ phía sau. Nhẹ tênh nhưng vẫn phải với chân cho tới được pê-đan. Nhẹ tênh vẫn lỏng chỏng. Chân không bám nổi pê-đan, xe sao có thể bám nổi lòng đường và con người bám nổi với cuộc đời này.

Mảnh đất của người vợ cũ anh trồng nhiều thứ rau xanh và các loại cây ăn trái. Có lần tôi bắt gặp Hoa vừa cuốc đất vun gốc giữa vườn nhà vừa hát. Giọng cô cao, khỏe và đầy đặn. Cô trông rất giống tiếng hát của mình, vun đầy và ắp tràn sức sống. Cô như khu vườn nhà mình: rộng rãi, nhiều sắc màu với vô vàn chồi non chớm nhú.

Cô đã trở lại là chính mình, khi không anh. Còn anh thì sao? Anh cũng là chính mình đấy thôi khi không còn đời sống vợ chồng. Là cách đạp xe với chân, nụ cười hiền, giọng hát mỏng, lối sống nhiều phất phơ. Và hẳn nhiên thêm một ai đó để dựa vào. Dựa cũng chưa lâu nhưng vừa đủ để ngỡ rằng mình như thể là… Bùi Giáng. Tưởng mình là Bùi Giáng nên anh làm những chuyện Bùi Giáng đã làm, nói bằng ngôn ngữ của Bùi Giáng…

Vợ chồng tôi bảo nhau cứ thế thì e anh hỏng mất. Đã là một cái bóng thì muôn niên vẫn chỉ là cái bóng thôi. Một cái bóng vật vờ liêu điêu ngã chúi. Bùi Giáng bám vào tâm trí anh, ám ảnh anh không nguôi. Anh không hề thấy khốn khổ bởi thế nhưng dần xa lạ hơn trong mắt  bạn bè.

Tôi thích những khuya khoắt anh là chính anh. Nhỏ thó, lắt lay nơi căn phòng bé tẹo của vợ chồng tôi, và tôi thương cái cách anh hát biết bao. Tôi mừng vì Bùi Giáng không biết hát nên khi ôm đàn cất tiếng, anh không thể bắt chước ông và chỉ có thể là chính mình. Giọng anh nói đã mảnh, hát còn mảnh hơn. Mỗi âm chênh một tí. Mỗi nốt vênh một tị. Hụt thiếu mà mênh mang. Rã rời mà sâu thẳm.

Tôi chưa từng biết ai có giọng hát lạ lẫm như anh. Nhìn anh đi đã yểu. Ngắm anh im lìm vẫn yểu. Lặng nghe anh nói, cười càng thấy yểu. Và khi hát, cái yểu giơ lưng, phơi mặt, ló cả ra. Như chừng không thể yểu hơn được nữa.

Anh uống từng ngụm rượu nhỏ và lào khào: “Không còn ai đường về ôi quá dài những đêm xa người. Chén rượu cay một đời tôi uống hoài…” . Trịnh Công Sơn viết như thế đã quá tội, anh hát nghe càng tội dữ. Tội nghiệp quá một câu hát. Tội nghiệp thêm muôn vàn tội nghiệp: Một câu hát, một phận người. Mường tượng một người nhỏ thó, thật gầy, đang chệch mông với chân đạp xe, chùng chình xe chùng chình người giữa cuộc đời sấp ngửa, vời vợi, bao la…

Hai

Mạ anh vui lắm khi qua nhà tôi, thông báo: “In hình hắn có bồ rồi. Đòi cưới rồi…”.

- Sao bất ngờ vậy, bác?

- Úi chà! Làm răng tau biết.

- Vậy là anh ấy có nói với bác rồi?

- Có nói chi mô? Thấy hắn có một chắc, tội quá, nói ưng ai mạ đi hỏi. Hắn nói mạ đi cưới con Bét Bét chi đó đi... Mà không thì cưới con Rô Rô cũng được…

- ?

- Tên chi lạ rứa, mi? Chắc là tên ở nhà? Bét Rô chi cũng được. Miễn chịu ưng thằng ni là tau cưới. Hắn có vợ tau mới ăn ngủ được chứ kiểu ni tau chết ngắc.

- Mà có thật là ảnh nói bác đi cưới chị Sáng Bét?

- Không phải tên nớ. Tên khác tê.

- Chắc là Ê-li-da-bét?

- Đúng con nớ đó. Con nhà ai mà đặt cái tên dài, khó nhớ dữ rứa…

- Rồi ảnh đòi bác cưới Ma-ri-lin-mông-rô?

- Đó, đúng chắc Rô đó chớ Rô mô nữa? Mà cái thằng ni răng ưa mấy con toàn tên chi lạ. Mi đã gặp mấy con nớ chưa?

- Dạ, gặp thì chưa chứ mà thấy thì rồi.

- Con mô được hơn? Chỉ cần cái tính thôi chớ đẹp xấu đâu cần. Bét cũng được mà Rô cũng tốt.

- Nhưng mà không được đâu. Con tưởng ảnh muốn ai chứ đòi cưới mấy người này, sao cưới được.

- Răng rứa?

Sau khi nghe tôi giải thích, mạ anh cứ hai tay giơ lên đầu la trời. Từ hồi vợ chồng anh chia tay, mấy năm rồi mạ anh héo hắt theo kiểu sống vật vờ của anh. Ngày nào anh cũng say. Uống ở phòng vợ chồng tôi dù khuya mấy, anh cũng biết đường về vì hai nhà rất gần. Uống nơi khác anh lớ quớ, ậm ự ra hỏi người qua đường: “Nhà mạ tui mô, chỉ giùm?”. Khi say quá, không đi nổi thì cố đút hai cái cẳng chân nhỏ xíu qua hàng tăm xe  cho khỏi mất rồi nằm xuống, quẹo đầu ngủ, hiền lành hồn nhiên không khác gì trẻ nhỏ.

Có lần chúng tôi thấy anh nằm như vậy, cười mà muốn khóc. Người anh càng ngày càng co rút lại, đã bé còn bé thêm, khô quắt. Anh đi làm thất thường, ăn - ngủ vô chừng vô đỗi nhưng vẫn một kiểu say tình. Vẫn đắm lòng với những phụ nữ dáng cao cao và tóc dài dài, buông thả. Vẫn khiến được họ mê muội bởi tiếng hát mình. Phải. Chỉ tiếng hát và chấm hết.

Những Hồng những Hoa những Đào những Tuyết… ngất ngây cùng bao tình ca mà anh kêu rêu bằng chất giọng nhẹ tênh mỏng mảnh của mình. Và rồi những ngọn nến tàn lụi, “party” kết thúc, đêm trôi qua. Anh bước ra khỏi một cuộc vui, mắt nheo lại bởi quàng quáng trước ánh sáng ngày, bước lấp vấp trên đường phố đông người, lóng ngóng giữa đời thực quá nhiều những chật vật bấp bênh. Những em Hồng, em Hoa, em Tuyết… có quay lưng, cũng là lẽ thường tình.

***

Vợ chồng tôi rất tha thiết với chuyện lứa đôi của anh. Lúc đầu đã rất nhiệt tình vun vén nhưng về sau thì nản, mỏi. Càng ngày anh càng y hệt Bùi Giáng. Là sự bắt chước lúc đầu rồi thâm nhiễm dần mà anh không tự biết. Trong ước muốn tột cùng được trở nên như ông mà anh ra làm vậy. Mơ hồ quá mọi ranh giới nên anh một chút điên một chút tỉnh, những hồi ngô nghê khờ khạo và những hồi tinh quái khéo khôn. Một mớ lùng bùng quấn chặt lấy anh, bó siết.

Rất thương và hiểu anh vậy mà không hiếm lần chúng tôi phải nổi giận vì bị anh phiền nhiễu. Giữa cuộc nhậu anh ném ly là chuyện rất thường. Chỉ tay giữa mặt ai đó, cười cười nói nói cũng là chuyện rất thường. Bắt mọi người phải im để gật gù tuyên bố: “Mày là mày tao là tao… Mỗi người là một cuộc đời” cũng là chuyện rất thường…

Không có tôi, chắc anh bị dập mình nhiều phen. Đó là khoảng thời gian má con tôi dựa nhờ vào một quán bia hơi của người quen, ngay ngã tư để bán mấy thứ mồi đơn giản và bún thịt nướng. Chiều nào anh cũng ra đó dòm người ta ăn uống. Anh nói: Dòm chơi cho vui. Vui gì nổi, khi anh có cái kiểu dòm sinh sự như vậy.

Dòm không đã đủ bị đòn huống gì anh còn lừ đừ tiến lại, kéo ghế ngồi trước khách nhậu và xua tay: “Uống đi. Nói làm đ. gì?”. Khách uống bia hơi cũng đủ loại, có người thông cảm bỏ qua, có người nổi giận đòi đánh.

Tôi ở ngay đó lờ đi sao được dù nhiều lúc cũng muốn bỏ mặc. Anh gượng gạo cười hiền khô khi thấy tôi hùng hổ tiến lại, hùng hổ kéo anh đến một cái bàn trống nào đó, ấn người anh xuống ghế. Rất ít khi anh chống đỡ hay phản đối. Sau này, tôi luôn ứa nước mắt mỗi khi nhớ lại những tình huống như thế. Thương anh và thương mình đến xót xa.

Ba

Trưa đó anh qua, gặp bữa, cùng ăn cơm với cả nhà. Má chồng tôi xào bún số tám (một loại bún khô, bó thành từng bó hình số tám) với tôm, thịt, giá rất ngon nhưng lại quên cắt ngắn. Anh rất thích món này và có vẻ rất thú vị bởi cái sự quên ấy. Kéo cái đĩa lại gần và thay vì quấn những sợi bún vào đũa rồi hãy đưa vào miệng, anh cứ gắp sợi bún dài sòng sọc và bún dài tới đâu, anh giơ đũa lên cao tới đó. Ngồi chưa đủ, anh đứng bật dậy. Đứng trên đất chưa đủ, anh leo lên ghế và tiếp tục đưa đũa cao thêm, cao thêm.

Cả nhà tôi ngừng ăn dõi theo anh như theo một màn kịch hấp dẫn. Anh vốn là người lóng ngóng, vụng về, uể oải, vậy mà, trông anh mới khéo léo biết bao khi tung hứng với đôi đũa, bỡn cợt với những sợi bún. Có vẻ anh hoàn toàn ý thức với trò chơi của mình, một thứ ý thức ngô nghê trẻ thơ và cũng ăm ắp những sành sỏi, lươn lẹo của kẻ lõi đời. Trông anh vừa lành hiền, trong trẻo vừa tinh ma, cáo già. Hết thảy làm nên một anh rất khác, một anh đáng yêu quá chừng.

Tôi thầm ước ao: phải mà anh có thể lèo lái cuộc đời mình như thế, không hề nghiêng ngả, chênh chao, lấp vấp, rất tự tin mà ngẫu hứng đến lạ lùng.

Một tuần sau bữa cơm ấn tượng đó, mạ anh nhờ người gọi tôi sang. Cụ bị ốm và rất cần người để tâm sự, thở than. Cũng chẳng có việc gì ngoài chuyện của anh. Cụ gằn giọng: “Vì răng tau bịnh? Cũng bởi hắn, do hắn”. Giọng mạ anh nghẹn đặc, tôi phải khuyên lơn, dỗ dành mãi cụ mới chịu nói, trong nước mắt ngắn, dài.

Tức tưởi, uất ức nên thứ tiếng Huế vốn rất khó nghe của cụ càng khó nghe thêm. Tôi phải rất tập trung mới có thể thấu suốt được. Hiểu được sự việc thì lòng lại thêm hỡi ôi, chẳng biết phải nên khóc hay cười.

Chả nhẽ anh đã đến nông nỗi này sao? Cụ bảo khổ tâm quá, vì anh nên suy nghĩ miết, rồi gặp lúc thời tiết đổi mùa vậy là nằm luôn, không cách chi dậy nổi. Một khuya, anh trở về, lại giường kêu mạ dậy để nói chuyện. Giọng cụ cất cao phẫn nộ: “Hắn hỏi tau răng mạ bịnh dữ. Bịnh rứa, già rứa răng mạ không chết đi, chớ sống chi lâu dữ rứa?”. Thà hắn say. Hắn có bia rượu thì cái mặt khác, cặp mắt khác, miệng hôi rình, còn đây đâu có mùi mè chi. Ngó bộ hắn tỉnh queo rứa mới hận chớ! Con ơi là con. Nhìn hắn đau quá, đau lắm…!”.

Bốn

Sau khi mạ anh mất, ba anh bán nhà, đưa cả gia đình vô sống trong Nam. Tin tức về anh và những người thân thi thoảng mới dội về. Nghe, chẳng vui nổi. Nghe, chỉ thêm  chạnh buồn. Rồi một đêm anh xác xơ, nhớp nhúa xuất hiện trước mặt vợ chồng tôi đòi uống rượu. Thì uống.

Ba người một khoảnh sân bé tẹo trước nhà. Ba người ba cái bóng im sững giữa khuya, hắt hiu. Buồn đến khóc được. Anh nói: “Tôi có vợ khác rồi. Con đó thua hai chục tuổi. Người miền tây. Mập ù. Tóc ngắn như con trai. Ca cải lương mùi lắm”. Tôi ngó lom lom vô mắt anh, thấy hoang hoác hút sâu trong đó là nỗi trống trải lẻ loi đến rợn ngợp. Tim thót đau, tự dưng thèm được hát nhưng vội hơn, anh đã cất tiếng.

Rất yếu mệt và lửng lơ, anh hát: “Có nhiều khi tôi quá buồn… Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng. Bóng ai như tôi đi qua cõi đời. Nhặt lại mình trong từng ngọn gió. Giống như con chim sẻ nhỏ. Tha về từng cọng vàng khô. Có nhiều khi tôi quá buồn…”. Một bài hát của Phú Quang phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nghe và thốt nhiên nhớ đến ai đó, vẫn ngồi phía sau chiếc xe đòn dông của anh. Một ai đó tóc dài thả bay vờn lượn trên tấm lưng thon thả. Và anh nào chỉ một cách đạp xe chân với. Còn nụ cười hiền, giọng hát mỏng, lối sống phất phơ. Và anh và cả những Hồng những Đào những Tuyết những Mây..., những phụ nữ dáng cao, tóc dài thả buông mê nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…

Họ đang ở những đâu đâu, và anh, một chỗ nhỏ nhoi nơi mái hiên này. Họ trong những ngôi nhà chồng vợ riêng tư, mẹ con đầm ấm sum vầy. Họ và những bếp lửa gia đình bừng đỏ, rất nhiều những sớm trưa chập tối. Họ ở gần hay xa? Nơi này hay chỗ khác? Và anh, góc bé mọn nào giữa cuộc đời này rộng rãi thênh thang? Và anh, sao ló thó, lắt lay là thế khi cúi mình chỏng trơ tội nghiệp giữa khoảnh sân chật hẹp nhà tôi?

***

Rồi anh mất. Anh ra đi vừa nặng trịch vừa nhẹ hều.

Nhẹ, vì anh chẳng đau ốm bịnh hoạn gì. Và nặng, vì cũng nằm hôn mê mãi.

Anh sống được nhờ rượu và thoát khỏi cõi trần ai cũng nhờ rượu. Say nên mới bắc ghế sửa điện. Say nên mới lập cập đứng đi loạng choạng. Say nên mới ngã nặng đến thế… Ngẫm ra, rượu đã có anh và anh chỉ có rượu. Ngẫm ra anh chỉ có tiếng hát, yếu mảnh lào khào…

Rượu và tiếng hát ám vào anh, cho anh từng ngụm nhỏ nồng cay, khi bật rung tha thiết nhiều âm buồn, hụt, đứt. Và ngày qua, mùa qua, năm qua.

Nhanh quá là một quãng đời. Chớp mắt đã mấy chục năm, từ khi Hoa bế con rời khỏi ngôi nhà của mạ. Rượu và một phận đời và một tiếng hát. Quá đỗi mong manh và quá đỗi lều phều.

Và tiếng hát đã ngưng, và phận đời đã tắt, một ngày, cách đây những sáu năm.

Theo TN

Đọc thêm