Huynh đệ tương tàn
Vi và Triệu là hai anh em cùng mẹ khác cha. Bà Ính - mẹ của Vi sinh tất cả 10 người con, 10 anh chị em tuy cùng mẹ khác cha nhưng có máu mủ ruột rà nên nhất mực yêu thương nhau. Lớn lên trên cùng một khoảnh đất, dựng vợ, gả chồng cũng quanh thửa đất ông cha. Các anh chị của Vi sinh sống quanh xóm Khướng nên khi có món ngon anh em đều cùng nhau “chén chú, chén anh”.
Tất cả đều yên bề gia thất duy chỉ có Bùi Văn Triệu là lận đận tình duyên. Trước đây, bị hại Triệu cũng là người hiền lành, thật thà, chất phác. Lớn lên chỉ biết cầm cái cày, cái cuốc, sớm tối ngoài ruộng. Ngoại hình quê kệch và xấu trai nên mãi chẳng có mối tình vắt vai.
Thương con, các già mai mối và Triệu cũng lấy được vợ. Vợ Triệu là người cùng xóm hơn tuổi, kém nhan sắc nhưng được nết chịu khó làm lụng và sởi lởi. Thế nhưng, sống với nhau được non chục năm nhưng chẳng có con, chẳng biết do ai, vợ Triệu chán chồng, hai vợ chồng mâu thuẫn và nộp đơn ra tòa đòi ly hôn. Bị vợ bỏ, chán chường, anh Triệu quay về tá túc với bố mẹ già và gia đình anh trai.
Bi kịch vì rượu
Từ ngày có chú em quay về sống cùng, Vi nặng gánh hơn. Hai bố mẹ già cùng vợ và ba con làm cho người đàn ông này cả năm lam lũ. Ngoài làm ruộng vườn, Vi còn đi làm cỏ thuê hoặc rảnh rỗi thì làm thợ nề. Công việc vất vả, đi sớm về muộn, lam lũ mệt nhọc, về đến nhà lại thấy em trai chẳng chịu tu chí làm ăn đỡ đần anh chị, chỉ suốt ngày tụ tập chè chén, rượu xong lại nhiễu sự nên Vi cảm thấy bực tức trong người.
Nhiều lần Vi khuyên nhủ, bảo ban nhưng Triệu vẫn chẳng thay đổi, thường xửng cồ lớn tiếng chửi lại anh trai, bao phen bà Ính phải khóc lóc cầu xin hai anh em Vi hòa thuận nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện.
Vào khoảng 0h30 ngày 21/2/2014, khi đang ngủ, Bùi Văn Vi nghe thấy tiếng đập phá trong nhà và tiếng chửi bới của Triệu. Thấy vậy, Vi đã đi ra phía cửa nhà nơi Triệu đang đứng để khuyên can. Tuy nhiên, người em bất kính không nghe mà còn lao vào đánh anh trai.
Thấy bị đánh vô cớ, Vi đã lùi lại phía sau và cầm cái chày bằng gỗ để cạnh khung dệt vải ở góc nhà rồi vung lên đập một phát vào đầu Triệu. Tiếp đó, Bùi Văn Vi còn đập thêm một nhát nữa vào mang tai trái của Bùi Văn Triệu. Bị đánh, Triệu đã bỏ chạy ra phía cửa gần cầu thang nhà sàn thì bị ngã và lăn xuống nằm bất động dưới đất.
Khi xuống đến chỗ Triệu nằm, Vi phát hiện em trai mình đã tử vong. Cùng lúc này, mẹ và vợ Vi thấy động nên thức dậy đi ra cửa thấy Bùi Văn Triệu đang nằm bất động dưới đất, hỏi “làm sao thế” thì Vi bảo: “Triệu nó phá nhà nên con đập”. Sau đó, Bùi Văn Vi đã đến cơ quan Công an đầu thú.
Nỗi đau người mẹ
Phiên tòa xử Bùi Văn Vi diễn ra vào ngày cơn bão số 3 đi qua, cái lạnh của thời tiết không bằng cái lạnh lẽo, đau đớn trong lòng người. Không khí phiên tòa như trùng xuống cùng nỗi ân hận muộn màng của bị cáo. Bà Ính là người đau khổ nhất, từ ngày con bé chết, con lớn vào tù, bà suy kiệt cả thể xác lẫn tinh thần, trông già yếu đi cả chục tuổi.
Ngồi dưới khán phòng, bà liên tục rút khăn lau nước mắt, các con cùng là người một nhà, “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” cùng được sự nuôi nấng, chăm sóc của bố mẹ, vậy mà em chẳng nghe lời anh, anh nóng nảy đoạt mạng em mình. Phiên tòa vắng lặng, hiu hắt giống như đám tang cách đây mấy tháng tiễn đưa con trai bà.
Đứng trước vành móng ngựa, Bùi Văn Vi đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Xét bị hại cũng có một phần lỗi nên Hội đồng xét xử TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Bùi Văn Vi mức án 9 năm tù về tội “Giết người”.
Bị dẫn giải ra khỏi phòng xử án, bước chân bị cáo nửa như muốn nán lại nơi người mẹ già đang run rẩy chạy theo con, nửa như muốn chạy trốn… Bà Ính chỉ biết nghẹn ngào dặn với theo con hãy cố gắng cải tạo cho tốt, đừng lo cho mẹ.
Khi chiếc xe bịt bùng chở bị cáo lao vút đi, người mẹ già chỉ biết ngước đôi mắt mờ đục dõi theo con, trong khi trời vẫn đổ cơn mưa vần vũ. Lòng bà mẹ nghèo như thắt lại, bà như ngọn đèn trước gió, trước bão tố cuộc đời do chính con đẻ gây ra, chẳng biết bà có còn sống đợi đến ngày Vi ra tù để mẹ con hội ngộ…