Sự thật về “kẻ” tiếp tay làm gia tăng tật khúc xạ ở học sinh thành phố

(PLO) - Trẻ em thành phố đang gia tăng vấn nạn về tật khúc xạ.  Vào bất cứ lớp học nào cũng phải có tới 60 – 70% học sinh đeo kính cận, viễn đủ loại. Đâu là nguyên nhân? Phải chăng chính sức thiếu hiểu biết của phụ huynh đã làm con mình hỏng mắt?
Sự thật về “kẻ” tiếp tay làm gia tăng tật khúc xạ ở học sinh thành phố
Tăng vọt tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt trung ương, hiện cả nước có tới hơn 3 triệu học sinh từ 6 -15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ về mắt cần phải điều chỉnh bằng cách đeo kính, trong đó 2/3 bị cận thị. 
Tỷ lệ trẻ em bị các tật khúc xạ ngày càng có xu hướng gia tăng và tập trung ở các khu đô thị, thành phố lớn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ tật khúc xạ ở Hà Nội từ 40-45%, đặc biệt cao ở các quận nội thành (55-60%). Trong khi đó, tỷ lệ bị các dị tật về nhìn trong y văn thế giới rất thấp (chỉ dưới 2%)…
“Đây là một điều rất lạ, phải nói là hơi bất thường!”, TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng khẳng định. Theo TS. Trần Tuấn, “lạ” là ở chỗ, hiện nay tỷ lệ học sinh, sinh viên không tăng là mấy so với trước kia, điều kiện học tập cũng tốt hơn nhưng tỷ lệ bị các tật khúc xạ lại tăng đến chóng mặt. “Rõ ràng, đã có một sự can thiệp “bất thường” nào đó vào đây. Làm gì có chuyện càng đeo kính, mắt càng nhìn kém đi!”
Mua kính dễ như… mua rau
Không chỉ ngạc nhiên về sự gia tăng bất thường của các tật khúc xạ về mắt của trẻ em, TS. Trần Tuấn cũng đưa ra mối hoài nghi trước thực trạng: số trẻ em bị mắc tật khúc xạ chỉ tăng mạnh ở thành phố, còn tại các vùng quê lại không phổ biến. Tại sao lại có sự vô lý như vậy và tại sao trẻ em thành phố lại đeo kính thuốc rộng rãi như vậy?. 
Thật vậy, về các vùng nông thôn, chúng ta sẽ khó tìm thấy một cửa hàng kính thuốc, trong khi đó, những hiệu kính thuốc đủ loại “mọc như nấm sau mưa” khắp các ngõ ngách ở các thành phố lớn. Và cứ thế, chỗ nào nhiều cửa hàng kính thuốc thì nơi ấy trẻ em cũng đeo kính nhiều hơn. Thực tế thì, các phụ huynh thường tự “chẩn đoán” bệnh cho con rồi đưa chúng tới các hiệu kính đo mắt. Và chắc chắn 100 em được chẩn đoán, đo mắt thì 100% được chỉ định phải đeo kính. 
Kết quả một cuộc thanh, kiểm tra về hoạt động của một số cửa hàng kính thuốc trên địa bàn tỉnh Nam Định và quận Hà Đông, Hà Nội, do Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt trung ương và Tổ chức HKI tại Việt Nam vừa thực hiện cho thấy, hầu hết các cửa hàng kính thuốc đều có giấy phép kinh doanh và kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Tuy nhiên, khi kiểm tra, đánh giá, tay nghề thực tế của các kỹ thuật viên đều không đạt (chủ yếu tự dạy nhau mài, lắp kính; trình độ mài, lắp rất yếu). Đấy là chưa kể đến công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc kính, gọng kính… đang bị “thả nổi”. 
Cụ thể hơn, theo đánh giá, khảo sát của Tổ chức HKI Việt Nam tại tỉnh Kon Tum năm 2011, có tới 50% số lượng kính cắt không đạt tiêu chuẩn như: 36% số kính sai khoảng cách đồng tử; 64% lệch tâm; 12% sai công suất so với đơn kính; 2% quá rộng so với khuôn mặt...
Rõ ràng, vì lợi nhuận các cửa hàng kính thuốc đã bất chấp sự an toàn cho những “cửa sổ tâm hồn”. Và hậu quả cuối cùng, người phải gánh chịu chính là những đứa trẻ. TS. Nguyễn Thị Thu Hiền, bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương cảnh báo, nếu không được đo, khám một cách kỹ lưỡng, trẻ rất dễ phải đeo kính một cách vô lý. Hoặc các cửa hàng kính đo sai số gây lên tình trạng nhức mỏi mắt, rối loạn điều tiết, dẫn đến thị lực ngày càng giảm đi. 
Thực tế, trong quá trình thăm khám, các bác sỹ chuyên khoa về mắt đã gặp không ít trường hợp bị biến chứng, giảm thị lực do đeo kính cận, viễn sai số, không thể phục hồi được. 
Làm sai, ai chịu?
Thị trường kính thuốc “bát nháo” và đầy bất ổn như thế, nhưng thật đáng buồn khi kẻ “tiếp tay” cho các sai phạm, gián tiếp gây ra những hậu quả khôn lường cho con cái mình lại chính là các bậc cha mẹ. 
Vì lẽ đó, TS. Trần Tuấn đã không khỏi rầu lòng khi cho biết, đa số phụ huynh hiện nay vẫn không nắm được các vấn đề cơ bản về cận thị cũng như việc đeo kính cận. Kính đeo đã bất ổn, kính áp tròng cận thị còn nguy hiểm hơn gấp trăm, ngàn lần bởi nó cọ sát và tiếp xúc trực tiếp với con ngươi mắt. Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp tự ý sử dụng kính áp tròng “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc đã phải trả giá đắt.
Nguy hiểm là vậy nhưng cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát với quy mô quốc gia về vấn đề này, cũng như chưa có những giải pháp hiệu quả để siết chặt quản lý thị trường “nhạy cảm” này. 
Chính vì vậy hãy tự cứu lấy bản thân, người thân trong gia đình mình bằng cách quan tâm, chăm sóc cơ thể mình, nhất là đôi mắt. Khi có vấn đề về mắt, đặc biệt là bị suy giảm thị lực nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để thăm khám. Và khi có chỉ định của bác sỹ, hãy tìm đến những cơ sở kính thuốc có uy tín và tin cậy để lựa chọn cho mình những sản phẩm đảm bảo chất lượng, các chuyên gia y tế khuyến cáo./.

Đọc thêm