Gặp ông đôi, ba lần trong những đêm thơ-nhạc, say sưa nhìn ông biểu diễn những khúc tình ca êm như ru bằng cây sáo trúc mộc mạc, hẳn ai cũng từng một lần ngẩn người lắng nghe, thán phục. Đã bước vào tuổi sáu mươi, nhưng với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trịnh Mạnh Hùng, bên cây sáo, mùa xuân trong cuộc đời ông vẫn còn tươi mới.
|
|||
NSƯT Trịnh Mạnh Hùng đang biểu diễn tác phẩm Lời ru bên suối của tác giả Doãn Tiến bằng sáo bầu. |
Lúc chúng tôi đến thăm nhà, ông đang dạy cho cậu học trò nhỏ bộ môn sáo dân tộc. Theo học môn sáo trúc từ năm 13 tuổi tại Đoàn Tuồng Thanh Hóa-Quảng Nam kết nghĩa, thầy dạy ông khi ấy là NSND Minh Đức (Quảng Nam), NSƯT Đinh Quả (Bình Định)…, họ là những người tâm huyết với nhạc cụ dân tộc. Khi bước chân đến cửa, chúng tôi nghe ông nói với cậu học trò nhỏ, thổi sáo là một môn nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải thường xuyên luyện hơi và luyện kỹ thuật. Để thổi một bản nhạc thành công, người nghệ sĩ phải thật sự đam mê. Bởi nếu không đam mê thì rất khó chuyển tải hết cảm xúc đến người nghe.
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng khi bước vào tuổi 17, ông đã biểu diễn thành công các tác phẩm độc tấu bằng sáo trúc, trở thành nhạc công chuyên nghiệp của Đoàn Văn công quân giải phóng miền Trung-Trung Bộ. Từ đam mê đến biểu diễn chuyên nghiệp, những âm thanh réo rắt, du dương trầm bổng của tiếng sáo như có một lực hút hấp dẫn đặc biệt đối với ông. Sự đam mê ấy nuôi lớn tình yêu đối với cây sáo trong ông cho đến bây giờ. Hầu như đi đâu, ông cũng “kè kè” bên mình cây sáo trúc, để được thổi nếu bạn bè cần, từ cuộc café mỗi sáng đến đám cưới người bạn… Ấy là sự đam mê, mà theo sự ví von của ông: “Tôi nghiện sáo đến nổi bỏ môn trống được các cô, chú cử đi học để theo Đoàn ca múa nhạc, vào miền Nam”.
Trong căn phòng nhỏ, ông chỉ ra từng loại sáo và minh họa bằng cách thổi cho tôi nghe từ sáo H’mông, sáo tiêu của Nhật, sáo bầu, sáo trúc Việt Nam… mỗi loại sáo lại có cách thể hiện khác nhau, nhưng có sức hút kỳ lạ. Ông bảo, âm sắc của sáo mang vẻ đẹp của rừng núi, như thủ thỉ, tâm tình, mang lại cảm xúc cho người nghe.
Nặng lòng với cây sáo, ông luôn để tâm tìm tòi, trao đổi kinh nghiệm qua các nghệ sỹ dân gian, bạn bè đồng nghiệp. Những năm tháng học tập ở trường và kinh nghiệm biểu diễn đã giúp ông tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn kiến thức âm nhạc, làm cơ sở vững chắc để ông sáng tác nhiều tác phẩm dành riêng cho sáo.
Với tiếng sáo độc đáo của mình, ông đã tham dự nhiều liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn lớn trong nước. Ông đã cùng cây sáo đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Úc, Anh… Tháng 8-2009, Ban nhạc Tre xanh do ông làm chủ nhiệm đã được Bộ Văn hóa Nhật Bản mời qua giao lưu, biểu diễn tại nhà hát Muza (Suphonyhall). Ông là nghệ sĩ được đồng nghiệp nhận xét có phong cách diễn sáo dân tộc tươi trẻ, phiêu du, bay bổng ngoài sức tưởng tượng. Những tác phẩm “Bình minh trên cao nguyên”, “Vũ khúc xuân Raglây” được rất nhiều khán giả yêu thích.
Trong sự náo nhiệt của phố phường, xem NSƯT Trịnh Mạnh Hùng thổi sáo, người nghe như bị thôi miên, hút hồn, tưởng như mình đang lạc vào khu rừng Tây Bắc tràn đầy những âm thanh, có tiếng gió vi vu, tiếng chim hót lảnh lót, tiếng vượn kêu, hổ gầm và tiếng suối chảy róc rách, ánh mắt tình tứ của các chàng trai, cô gái dân tộc. Hiện ông là một trong rất ít nghệ sĩ biểu diễn được loại sáo vỗ không lỗ bấm, loại sáo từng được báo chí nước ngoài ví là “món đặc sản lạ” và “cây sáo ma quái” của nền âm nhạc không biên giới…
Trong quá trình làm việc trong lĩnh vực biểu diễn, Nhạc sĩ-NSƯT Trịnh Mạnh Hùng (nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng) đã được trao tặng 5 Huy chương gồm 4 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc chuyên nghiệp cấp Quốc gia về thành tích độc tấu nhạc cụ (sáo trúc, sáo dân tộc); cải tiến sáng tạo nhạc cụ; đưa sáo vỗ không lỗ bấm lên sân khấu chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực sáng tác, ông viết nhiều ca khúc tiêu biểu như Tiếng chim ca (1981), đạt Huy chương vàng; Niềm tin đồng đội (1985) đạt Huy chương bạc; Dòng sông và khúc hát (1982); Vầng trăng tình bác (1986); Đà Nẵng trong tôi (2005); Thanh Khê niềm tin (2007)… Ngoài ra, ông còn sáng tác các tác phẩm khí nhạc cho sáo trúc, sáo vỗ không lỗ bấm, sáo bầu, flute như Tiếng vọng quê hương (1987), Bình Minh trên cao nguyên (1995), Mùa xuân trên đất Pháp (1994), Khát vọng Bà Nà (2006), Vũ khúc xuân Raglây (2007)… Ông đã được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 2007. |
Tiểu Yến