Tiếng vọng lại từ “Thời xa vắng”

(PLVN) -  “Đi về phía ánh sáng của những khát vọng lớn lao và ngập tràn nhân tính” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có lời tiễn đưa nhà văn già Lê Lựu về với quê mẹ trong ngày lập đông như vậy. Tiễn đưa thế hệ đàn anh, cũng là đồng nghiệp, người ghi lại những vui buồn trong thế giới nhân sinh này.
Nhà văn Lê Lựu.

Ngòi bút sâu sắc của thời hậu chiến

Nhà văn lão làng Lê Lựu đã rời bỏ độc giả trong âm thầm khi miền Bắc đã chớm lạnh. Ông là nhà văn cá tính, dị biệt, tài hoa… Mấy năm qua trên văn đàn vắng bóng ông do ông đang bạo bệnh bởi tuổi già. Thời gian lấy đi mạng sống con người, nhưng lại bảo lưu di sản văn chương của ông thêm phần lấp lánh.

Nhà văn Lê Lựu là tác giả của những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng... Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tiểu thuyết “Thời xa vắng” là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác.

Với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954. “Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Độc giả Sương Đặng, một người mến mộ văn chương của ông bộc bạch: “Bằng cái nhìn tinh tế và tư duy cởi mở, nhà văn Lê Lựu đã phản ánh chân thực và sinh động đời sống của “Thời xa vắng” ấy khi mà tư duy thời chiến đã chi phối hầu hết các hoạt động xã hội. Con người thời đó được “nhào nặn” qua tập thể, là những sản phẩm na ná nhau, suy nghĩ và hành động theo những công thức xơ cứng giáo điều, nhàn nhạt và thiếu cá tính.

Cái sự yêu ghét của con người bị định đoạt một cách thô bạo, chủ quan, áp đặt. Để tồn tại họ phải thu mình, tự gọt đẽo mình và phải “sống hộ ý định người khác”. Thậm chí cả chuyện ngủ với vợ mình, nhân vật chính Giang Minh Sài còn bị tác động bởi cấp trên. Cả xã hội bị quan niệm phải giống người khác như một cái vòng kim cô thít chặt mỗi khi có ai đó nổi bật từ những suy nghĩ và hành động cá tính. Sự sáng tạo bị bóp chết ngay từ khi nó chưa kịp nảy mầm. Chính tác giả đã viết “Đã một thời chúng ta sống không tôn trọng nhân cách, cá tính, mong ước của mỗi cá nhân. Trong chiến tranh thì rất cần cái đó, bởi vì người chỉ huy hô một tiếng “xung phong” mà phải đợi ý kiến mỗi cá nhân thì thiệt hại không sao kể xiết. Nhưng hoà bình rồi mà vẫn sống theo quan niệm và hành động theo thời chiến tranh thì xã hội sẽ đơn điệu và không phát triển, không tập hợp được trí tuệ, sức lao động thì sẽ kéo lùi xã hội lại”.

Theo Sương Đặng, “Thời xa vắng” còn đề cập đến một đề tài luôn mang tính thời sự nóng bỏng là hôn nhân gia đình. Anh Sài, niềm tự hào của đồng đội, gia đình, bà con họ hàng cũng như rất nhiều người ở quê anh. Trớ trêu thay, anh lại là người thất bại nặng nề trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, với bản tính chất phác của mình, anh cứ tưởng rằng việc anh làm mọi thứ, kể cả giành làm hết việc nhà và phục vụ “tận chân răng” cô vợ như một cách thể hiện tình yêu chân thành nhất, là cách đơn giản nhất mang lại hạnh phúc gia đình…

Anh Sài rời thành phố, về quê đảm nhận công việc mới. Cuối cùng anh đã tìm được niềm an ủi, dù muộn màng, anh đã giúp người dân quê anh tạo dựng một cuộc sống “khấm khá” hơn trước. Và anh có vẻ bằng lòng với cái bến đỗ cuối đời sau những phong ba từ hai cuộc hôn nhân mệt mỏi.

“Thời xa vắng” có một kết thúc có thể coi là chấp nhận được. Nhưng dường như tác giả vẫn đau đáu tìm kiếm hình mẫu người chồng hay người vợ lý tưởng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đâu dễ, khi ai đó đã nói “hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết dài mà nhân vật chính đã chết ngay từ chương đầu” - Sương Đặng bày tỏ.

Quê mẹ giang tay đón ông về

Trong lễ tang nhà văn, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nhấn mạnh, bày tỏ sự ghi ơn với một nhân cách văn học lớn. Ông Thiều cho rằng, sự ra đi lặng lẽ của ông lại làm sống dậy trong mỗi người chúng ta những ký ức đẹp đẽ về ông, một người nông dân, một người lính, một nhà văn với tài năng thiên bẩm đã bước vào văn học, tự xây dựng cho mình một vị thế, một chỗ đứng mà không ai có thể thay thế được.

“Với 85 tuổi đời, trong đó có gần 10 năm bị bệnh tật hành hạ, nhà văn Lê Lựu đã để lại cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới những dấu mốc quan trọng. Năm 1985, ông xuất bản tiểu thuyết “Thời xa vắng”, một thiên truyện đặc sắc và đau đớn viết về nông thôn, về một con người không tìm thấy hạnh phúc bên ngoài bầu khí quyển quen thuộc của mình. Tác phẩm được coi như tiếng súng lệnh của thời kỳ đổi mới văn học, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim nhựa năm 2004 và được dịch và xuất bản trên thế giới” - ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ rằng nhà văn Lê Lựu có một cuộc sống khó khăn như nhân vật trong tác phẩm của ông. Ông không gặp nhiều may mắn, suôn sẻ. Cuộc đời ông luôn chìm ngập trong những day dứt, phiền muộn và đau đớn, nhưng ông luôn đi về phía ánh sáng của những khát vọng lớn lao và ngập tràn nhân tính.

“Nhà văn Lê Lựu đã sống như một con người trung thực nhất với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và với Tổ quốc của mình. Phía sau gương mặt đầy sóng gió và khắc khổ của ông là một trái tim lớn của lòng nhân ái. Vào những tháng ngày cuối đời, theo di nguyện của ông, người con gái lớn đã đón ông trở về quê nhà, nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi ông gánh mọi buồn vui và cả đau đớn từ cuộc sống trên mảnh đất này và đi suốt cuộc đời mình để làm lên những tác phẩm khác biệt và tầm vóc cho văn học Việt Nam” - lời điếu văn đưa tiễn của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1938, nhưng giấy khai sinh ghi năm 1942, quê quán xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1974. Ông nhập ngũ sớm, từng làm phóng viên Báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559. Đã theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên, Trưởng Ban Văn xuôi rồi Thư ký Toà soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội. Về hưu với quân hàm Đại tá. Giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân Việt Nam.

Tháng 2/2014, nhà văn Lê Lựu thành lập Quỹ văn học Lê Lựu. Đây được coi là Quỹ văn học đầu tiên mang tên một nhà văn còn đương đại nhằm khích lệ sáng tác của thế hệ nhà văn trẻ. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Người cầm súng (truyện ngắn, 1970); Phía mặt trời (truyện ngắn, 1972); Đánh trận núi Con Chuột (truyện dài thiếu nhi, 1976); Mở rừng (tiểu thuyết, 1977); Ở phía sau anh (tiểu thuyết, 1980); Ranh giới (tiểu thuyết, 1977); Cămpuchia một câu hỏi lớn (truyện ngắn, 1979); Đồng bằng chiến sĩ (truyện ký, 1980); Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986); Mặt trận của người lính (truyện ngắn, 1986); Một thời lầm lỗi (bút ký, 1988); Trở lại nước Mỹ (bút ký, 1989); Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết, 1990); Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết, 1993); Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994); Hai nhà (tiểu thuyết, 2000); Thời loạn (2009); Chuyện quê ngày ấy (tiểu thuyết, 2010).

Nhà văn Lê Lựu từng đạt các giải thưởng văn học: Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ (1967 - 1968) với truyện ngắn Người cầm súng; Giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1984) với tiểu thuyết Thời xa vắng; Giải nhất cuộc thi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Văn hoá tổ chức 1970 - 1971 với truyện vừa Người về đồng cói; Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I năm 2001.

Nhà văn Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và ông cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam. Với nghề viết, sinh thời nhà văn Lê Lựu quan niệm: “Tôi là người ít học, ít đọc vì lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người chép truyện, “có gì viết nấy”. Nhà văn Lê Lựu đã qua đời lúc 19h25 ngày 9/11/2022 (tức ngày 16 tháng Mười năm Nhâm Dần), hưởng thọ 85 tuổi.