Trong báo cáo tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty (TCT) Sông Đà được Bộ Tài chính ban hành cuối tháng 12/2019 cho thấy, “sức khỏe” TCT này đang rơi vào tình trạng hết sức đáng lo ngại.
Báo cáo cho thấy, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn mà TCT Sông Đà đầu tư vào 38 doanh nghiệp là 6.226 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào công ty con là 3.509 tỷ đồng, số còn lại 2.561 tỷ đồng đã được đầu tư vào công ty liên doanh, công ty liên kết và đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác là 156 tỷ đồng. Cổ tức, lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư tài chính chỉ đạt 313 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời không cao khi chỉ đạt 5%.
Đáng chú ý, qua rà soát cho thấy, có một số khoản đầu tư không mang lại cổ tức, lợi nhuận với tổng giá trị đầu tư là 3.530 tỷ đồng (chiếm 56,7% trên tổng vốn đầu tư) như: 538 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Nậm Chiến, 222 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà, 84 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư Xây dựng phát triển đô thị Sông Đà và đặc biệt 1.107 tỷ đồng góp vốn CTCP Điện Việt Lào.
Một số khoản đầu tư cũng được xác định là đã bị lỗ hoặc mất vốn. Tại CTCP Sông Đà 3, theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu công ty này đạt 160 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 0,248 tỷ đồng, lỗ lũy kế 188 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao gấp 9 lần. Tính đến cuối năm 2018, hoạt động kinh doanh của CTCP Sông Đà 3 tiếp tục bị đình trệ do thiếu vốn, có nguy cơ về mất khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Tại CTCP Sông Đà 12 cũng không sáng sủa hơn khi vốn điều lệ của công ty này là 50 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu âm tới 41 tỷ đồng. Năm 2018, công ty này tiếp tục kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận sau thuế âm 3,8 tỷ đồng. Tương tự, tại CTCP Phòng cháy chữa cháy và Đầu tư xây dựng Sông Đà, vốn điều lệ là 25 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu âm tới 11,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại CTCP Nậm Chiến, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này là 141 tỷ đồng nhưng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn chỉ là 0,13 lần. Điều này cho thấy công ty này đang gặp áp lực về tài chính, gần như không có khả năng thanh toán nợ đến hạn.
Đặc biệt, tại CTCP Điện Việt Lào hơn 1000 tỷ mà TCT Sông Đà đầu tư vào đây với tư cách là cổ đông sáng lập lớn nhất cũng có nguy cơ thua lỗ nặng. Theo báo cáo tài chính 2018, tổng tài sản của CTCP Điện Việt Lào là 14.875 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu là 12.060 tỷ đồng chiếm tới 81% tổng tài sản và đầu tư vào 3 công ty con là 2.702 tỷ đồng chiếm 18% tổng tài sản.
Ba công ty con của CTCP Điện Việt Lào gồm: Công ty TNHH điện Xekaman 3, Công ty TNHH MTV Tòa nhà điện Việt Lào và Công ty TNHH điện Xekaman 1. Hiện nay, Dự án thủy điện Xekaman 3 đang bị dừng do gặp sự cố. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,75 lần, trong đó vay và nợ thuê tài chính là 9.531 tỷ đồng chiếm 81% tổng nợ phải trả. Với tình hình như vậy, CTCP Điện Việt Lào bị đánh giá là đang gặp khó khăn, áp lực về tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước tình hình kinh doanh “bết bát” của TCT Sông Đà, trong báo cáo mới ban hành, Bộ Tài chính đề nghị người đại diện phần vốn Nhà nước tại TCT Sông Đà chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính không mang lại hiệu quả; rà soát các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để yêu cầu báo cáo giải trình và có giải pháp cụ thể. Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của CTCP Thủy điện Nậm Chiến, CTCP Sông Đà 3 và CTCP Điện Việt Lào... để có các giải pháp kịp thời.
Tính đến thời điểm 31/12/2019, số nợ phải trả của TCT Sông Đà lên tới 11.135 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 5.302 tỷ đồng; phải trả khách hàng và phải trả khác chủ yếu là các công ty con và công ty liên kết là 8.502 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ phải trả. Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của toàn công ty cáo gấp 2,8 lần, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ chưa tương xứng với tiềm lực của TCT.