Tiếp nối tinh hoa qua cổ phục Việt

(PLVN) - Những năm gần đây, diện y phục cổ, nhất là trong dịp lễ, Tết trở thành trào lưu thu hút nhiều người tham gia. Từ chỗ chỉ xuất hiện trong bảo tàng, sách và tư liệu lịch sử hay phim tài liệu… đến nay, cổ phục Việt đã và đang được sử dụng trong rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thậm chí trở thành một trong những xu hướng nổi bật của ngành thời trang.
Y phục cổ xuống phố.

Trở về quá khứ với trang phục xưa

Với mong muốn phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, trang phục truyền thống tôn vinh vai trò và xu hướng phát triển cổ phục tại Việt Nam hiện nay trong đời sống cũng như trong lĩnh vực văn hóa, di sản, điện ảnh, du lịch…, nhiều bạn trẻ đã làm sống lại những y phục cổ.

“Kế vãng khai lai” là câu chuyện về sự kế thừa những tinh hoa văn hóa, lịch sử trong mỹ thuật cổ, đưa người xem trở lại gần hơn với quá khứ với 60 bộ cổ phục.

“Kế vãng khai lai” do Vạn Thiên Y mới tổ chức tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) “trình làng” những bộ sưu tập cổ phục “Kí mộng”, bộ sưu tập “Đồ ứng dụng” với, bộ sưu tập “Vân Long lưu vũ” đặc sắc.

“Kế vãng khai lai” bắt đầu với tiết mục múa thể nghiệm, sử dụng hình tượng rồng và câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội, kết hợp với hình thức múa bóng đương đại để kể câu chuyện về dòng chảy văn hoá uyển chuyển và hùng tráng, dẫn người xem đến với bộ sưu tập “Kí mộng”.

“Kí mộng” ghi lại những giấc mộng, bộ sưu tập là hành trình ghi lại những giấc mơ huyền ảo mà thành thật, hữu hình từ hư vô, khơi lại các giá trị đã bị lãng quên. Đội nghiên cứu của Vạn Thiên Y đã dày công nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm y phục văn hoá mang nhiều giá trị về mặt khoa học cũng như thẩm mỹ của mỹ thuật cổ. “Kí mộng” sẽ mang tới cho khán giả hành trình của cổ phục Việt từ các nguồn hiện vật và tư liệu còn sót lại tới nay mà ta còn có thể được hiện diện.

Bộ sưu tập thứ hai là những thiết kế ứng dụng được lấy cảm hứng từ hoa văn hoạ tiết cổ đã được đội ngũ Vạn Thiên Y nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo đưa vào thời trang.

Chương trình khép lại với Kiều Band, dẫn khán giả đến với bộ sưu tập thứ ba mang tên “Vân Long lưu vũ”. Bộ sưu tập “Vân Long lưu vũ” là bản hùng ca của loài rồng. Ứng dụng hoa văn hoạ tiết rồng Việt đặc trưng qua các thời như Lý, Trần, Lê, Vạn Thiên Y kể về dấu tích của loài rồng huyền bí và quyền lực qua các thiết kế hiện đại. “Vân Long lưu vũ” thể hiện vẻ đẹp bí ẩn, quyền lực, nữ quyền của phụ nữ thời đại mới tự tin và phóng khoáng.

Chương trình đồng thời cũng có sự góp mặt của ca sĩ Datie Đỗ, Kiều band dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường.

Buổi trình diễn sử dụng những phương thức nghệ thuật khác nhau, để tôn lên nội dung chính là những bộ sưu tập thời trang, kết hợp giữa trang phục cổ và những trang phục mang tính ứng dụng trên tinh thần mỹ thuật cổ.

Đại diện Ban Tổ chức cho hay, thông qua những loại hình nghệ thuật sáng tạo, Vạn Thiên Y hy vọng có thể kéo người xem gần hơn với lịch sử khi chương trình là con thuyền thời gian, đưa người xem đến với nút giao của quá khứ - hiện tại - tương lai.

Vạn Thiên Y là sự tụ hội của nhiều thành viên với điểm chung là tình yêu văn hóa Việt. Chính điểm chung đó đã định hướng Vạn Thiên Y trở thành một thương hiệu thời trang thể hiện sự đa dạng và những nét đẹp của văn hóa, mỹ thuật Việt, đồng thời khôi phục, lưu giữ, ứng dụng và lan tỏa những cái đẹp đó trong nhịp sống hiện đại. Đây còn là không gian chung, nơi nuôi dưỡng tình yêu, đam mê với văn hóa, lịch sử Việt Nam dành cho tất cả mọi người qua hàng loạt các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa.

Trở về quá khứ với trang phục xưa.

Lưu giữ văn hóa dân tộc

Ngày hội “Bách hoa bộ hành” cũng được tổ chức tại phố đi bộ hồ Gươm năm 2022 với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ trong những bộ cổ phục Việt Nam từ thời Lê và Nguyễn. Ngày hội “Bách hoa bộ hành” được khởi xướng bởi Great Vietnam cùng 5 đơn vị khác: Hoa Niên, Thủy Trung Nguyệt, Đông Phong, Đại Nam Chân Ảnh, Quê Cực.

Ngày hội là dịp để các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc trang phục truyền thống có thể chia sẻ và giới thiệu về thành quả nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức về cổ phục Việt. Biểu diễn trang phục tại không gian mở tại phố đi bộ hồ Gươm là cơ hội để đưa Việt phục và các giá trị truyền thống đến gần hơn với công chúng Thủ đô.

Những trang phục truyền thống xuất hiện tại sự kiện được đầu tư và trau chuốt trong từng khâu chuẩn bị, từ tham khảo tư liệu lịch sử, chất liệu sử dụng và công sức của các nghệ nhân hàng đầu trong ngành. Đó là những bộ lễ phục triều đình, đại triều phục quan lại, trang phục quý tộc, tướng lĩnh, binh lính, áo tứ thân...

Năm 2021, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức tuần lễ văn hóa mang tên “Sóng đôi” với điểm nhấn là ngày hội “Tóc xanh – Vạt áo”, có sự tham gia của 12 nhóm cổ phong (văn hóa xưa, phong cách cổ) khắp cả nước, trưng bày và trình diễn các loại trang phục truyền thống qua nhiều thời kỳ lịch sử như: áo dài, áo ngũ thân, tứ thân, viên lĩnh, giao lĩnh, nhật bình, đối khâm… với nhiều loại phụ kiện như mũ, giày, quạt mang mầu sắc và họa tiết lộng lẫy, bắt mắt. Hàng nghìn lượt khách tham quan đã có dịp tìm hiểu về cổ phục Việt Nam, trải nghiệm mặc thử cổ phục, chiêm ngưỡng các màn tái hiện nghi lễ cung đình.

Trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, cổ phục được chú ý khi liên tục xuất hiện trong các dự án phim đề tài cổ trang, các MV ca nhạc của ca sĩ trẻ được yêu thích…

Với niềm yêu quý và đam mê vốn cổ dân tộc, bảo tồn, tôn vinh những giá trị tinh hoa của ông cha, mong muốn lập kho dữ liệu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam, hiện nay, một số cá nhân, tổ chức đã bắt tay vào thực hiện dự án “Việt Nam cổ phục”. Bằng công nghệ mới, các bạn trẻ mong muốn mang lại cái nhìn toàn cảnh và chính xác về trang phục của cha ông mình. Dự án “Việt Nam cổ phục” của Hoa Văn Ðại Việt không chỉ dừng lại ở việc sao chép y chang các trang phục từng xuất hiện trong quá khứ, mà cố gắng tái hiện trang phục xưa nhưng không làm mất đi bản sắc, tinh thần của trang phục Việt.

Sử dụng kỹ thuật đồ họa để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ trên các trang phục truyền thống tiêu biểu, đặc sắc và biểu trưng của các triều đại phong kiến Việt Nam, trải dài từ triều Lý đến triều Nguyễn, dự án “Việt Nam cổ phục” được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, phục trang, điện ảnh… quyền sử dụng các hoa văn cổ của năm triều đại: Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng và Nguyễn nhằm hướng tới những tác phẩm mang tầm vóc, đặc trưng văn hóa Việt Nam. Các trang phục trong dự án sẽ được chuẩn hóa cả về phương diện lịch sử và tính thẩm mỹ, là điểm tựa vững chắc cho các dự án phục cổ, dự án phim ảnh, truyện tranh, du lịch…

Để phục dựng lại bộ trang phục cổ Việt, anh Nguyễn Trọng Tín (quận 12, TP HCM) chuyên thiết kế trang phục cổ theo các giai đoạn lịch sử Việt Nam cho rằng, trước hết cần phải tôn trọng văn hóa, lịch sử của dân tộc, cần kĩ lưỡng trong các tình tiết để tránh nhầm lẫn.

Nguyễn Đức Lộc (Hà Nội) chuyên về nghiên cứu và phục dựng những trang phục cổ của dân tộc mang tên Ỷ Vân Hiên chia sẻ: “Những bộ trang phục cổ mà Ỷ Vân Hiên phục dựng bao giờ cũng phải đúng về yếu tố lịch sử, chất liệu phải tốt nhất và tỉ mỉ thận trọng trong từng hoa văn kiểu dáng, đường kim mũi chỉ…”.

Nhà thiết kế cổ phục Đức Lộc cũng cho biết, hiện nay đang thiếu thốn về tư liệu khảo cứu và cũng rất hiếm trường lớp đào tạo giảng dạy về vấn đề trang phục Việt cổ một cách chi tiết. Bởi vậy, một trong những tâm huyết của anh là có thể cho ra mắt giáo trình giảng dạy về trang phục cổ dân tộc Việt Nam trong tương lai, để tạo điều kiện cho những thế hệ đi sau có hứng thú và đam mê với những trang phục cổ có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu.

Những người yêu cổ phục đang từng bước ngược dòng sử liệu để dần phục dựng và hiện thực hóa khát khao đưa cổ phục Việt trở lại, hòa trong dòng chảy đời sống, văn hóa, nghệ thuật đương đại, níu giữ những tinh hoa truyền thống đất Việt.

Đọc thêm