Tiếp nối truyền thống và hiện đại

Sự hy sinh thầm lặng, ý chí nghị lực vượt qua khó khăn để học tập, lao động giỏi, công tác tốt là đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều thế hệ.  
Cán bộ hội phụ nữ hiện nay có những người rất trẻ, có những người cũng là mẹ, là vợ gồng mình trước bao lo toan của đời thường. Sự hy sinh thầm lặng, ý chí nghị lực vượt qua khó khăn để học tập, lao động giỏi, công tác tốt là đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN Đức Trọng: “Nói đi đôi với làm”

Chị Ngọc từ ngành giáo dục chuyển về công tác tại Hội LHPN huyện Đức Trọng đến nay đã 15 năm. Công tác Hội đã giúp chị cảm nhận hết được những khó khăn, vất vả của người làm công tác phụ nữ. Chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Trong quá trình chỉ đạo phong trào, chị tích cực đề ra giải pháp xây dựng và khai thác có hiệu quả các nguồn vốn; các dự án giải quyết việc làm, phối hợp với các ngành liên quan mở lớp dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình như tổ vần công đổi công, mô hình trồng nấm mèo, mô hình chăn nuôi bò, nuôi tằm, làm phở khô, trồng mát mát, trồng rau hoa xuất khẩu... Từ năm 1998 đến nay, các cấp Hội đã được vay vốn qua các kênh hơn 179 tỷ đồng, giúp 76.781 lượt hội viên được vay vốn, giải quyết cho trên 40.000 lao động chính lao động phụ, lao động lúc nông nhàn có việc làm, có thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ tháng.

Chị khẳng định: “Vai trò của người cán bộ hội rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của phong trào, phải có tầm nhìn, có cái tâm, có tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, hiểu được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của gia đình cán bộ hội viên, hòa đồng với chị em, luôn đặt hoàn cảnh của bản thân, gia đình mình vào những tình huống của chị em để giải quyết thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Luôn sắp xếp thời gian hợp lý để kiểm tra tiến độ, hiệu quả công việc, kịp thời uốn nắn những sai lệch, để công việc đạt hiệu quả. Nói phải đi đôi với làm”.

Chị Pang Pế K’Ang -Phó Chủ tịch Hội LHPN Đam Rông: “Hoàn cảnh nào cũng cần tiết kiệm, vươn lên”
Pang Pế Ka Ang sinh năm 1961, dân tộc Mơ Nông. Tham gia cách mạng từ tháng 9 năm 1975  với nhiệm vụ đầu tiên là đội thiếu niên nhi đồng, đến năm 1977 được cử đi học lớp cứu thương viên 6 tháng do bác sĩ của tiểu đoàn 186 mở và về làm ở trạm y tế xã, được cơ cấu vào BCH phụ nữ xã Đầm Ròn khóa I. Năm 1983,  Ka Ang lập gia đình,  hiện đã có 3 con gái. Con gái đầu đang theo học năm thứ 3 ngành nông lâm của Trường ĐH Tây Nguyên, cháu thứ 2 vừa tốt nghiệp THPT, cháu út đang học lớp 10.

Chồng chị bị tai biến, mất khả năng lao động đã 5 năm nay, nên chỉ làm được công việc nhẹ. Do đó,  Ka Ang là lao động chính trong gia đình, vừa công tác xã hội vừa phải lo gánh vác việc nhà. Những công việc nặng nhọc trong gia đình, một mình Ka Ang phải lo cáng đáng. Chị tâm sự: “Mỗi khi mùa vụ đến, chiều tối hoặc sáng sớm tôi phải tranh thủ đi tìm công để giúp thu hoạch mùa màng cho kịp thời vụ. Những lúc ấy, tôi luôn lo lắng cứ bồn chồn ngồi đứng không yên, bởi vì khi đến vụ cấy hay gieo sạ thì lo mạ già, đến vụ trồng tỉa thì lo xuống giống chậm làm cho năng suất, chất lượng cây trồng không cao. Cuộc sống khó khăn, khiến tôi nhiều lúc rất buồn phiền, chán nản cảm thấy tủi thân vì mình không biết trông cậy vào ai”.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả và có lúc bi quan, chán nản như thế, nhưng Ka Ang đã cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn, gian khổ, bởi: “Tôi luôn nghĩ mình là một Đảng viên, một cán bộ được trưởng thành từ công tác hội, đã từng vượt qua nhiều thử thách lúc còn niên thiếu”. Ka Ang nhớ lại những năm tháng cách đây chưa lâu, khi tham gia vào công tác Hội LHPN huyện Lạc Dương với sức trẻ và lòng nhiệt tình, chị đã không quản ngại đường xá xa xôi cách trở. Mỗi lần đi công tác phải băng rừng, leo đèo, lội suối mất một ngày trời mới tới, với chiều dài đường mòn đi bộ từ Đầm Ròn ra trung tâm huyện Lạc Dương hơn 80  cây số và ngược lại.
Đặc biệt khó khăn nhất là vào mùa mưa, đường trơn, đói và lạnh nhưng chị vẫn nung nấu niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Thời gian khó đó đã cho Ka Ang nghị lực phi thường của người phụ nữ nhỏ bé để tiếp tục vượt lên những bi quan, chán nản. Chị luôn hoàn thành tốt vai trò của người cán bộ hội và được nhiều chị em quý mến. Ka Ang cho biết: “Qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi càng thấy rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động. Đó là trong hoàn cảnh nào cũng cần tiết kiệm, vươn lên trong công tác và cuộc sống”.

Chị Trần Trương Thị Thiên Trà - Chủ tịch Hội LHPN Phường 1 (Đà Lạt): “Phụ nữ hiện đại không quên nữ công gia chánh”

Trẻ trung, xinh đẹp (sinh năm 1976), Thiên Trà tham gia công tác phụ nữ mới 6 năm, chị đã đảm nhận vai trò là chủ tịch hội vào năm 2008. Trước đó, 8 năm làm cán bộ văn hóa thông tin của phường cũng giúp chị có “vốn liếng” phong trào quần chúng nhất định ở cơ sở. Khắc phục hoàn cảnh gia đình, chồng làm việc xa (ở nước ngoài), 2 con gái sinh đôi mới 4 tuổi, chị đang học lớp Lý luận chính trị hành chính ở Trường Chính trị tỉnh, ban đêm tranh thủ học lớp Đại học luật tại chức năm thứ 4 tại Trường ĐH Đà Lạt. Chị chia sẻ: “Cán bộ trẻ làm công tác phụ nữ rất khó, bởi vận động chị em - mỗi chị em có tính tình khác nhau, đặc điểm về giới nữ rất đa dạng, phong phú về tính cách, sở thích… Vì vậy, mình phải học hỏi kinh nghiệm các dì, các chị đi trước trong việc tiếp cận, triển khai công việc. Cán bộ hội của phường được đào tạo về mọi mặt, 6 chị trong BCH có trình độ đại học, có chị làm bác sĩ; 4/5 cán bộ BTV hội là đảng viên”.
Trước yêu cầu của hội về đổi mới phương thức hoạt động, thay đổi để tập hợp, thu hút phụ nữ  tham gia phong trào, nhất là phải phù hợp với chị em có trình độ dân trí cao ở phường 1 thuộc trung tâm thành phố, cũng đồng thời phù hợp với nhóm phụ nữ khó khăn.
Tỉ lệ tập hợp phụ nữ của phường vào hội đạt 86%, tăng 21% so với nhiệm kỳ trước. Nhiều CLB được thành lập: CLB nữ doanh nghiệp Hoa Hồng tập hợp 36 doanh nhân nữ của Phường 1, CLB phụ nữ vận động chồng con không nghiện ma túy, CLB khiêu vũ, CLB văn hóa - văn nghệ…Chị Thiên Trà cho biết: Cứ 3 tháng, hội mở 1 lớp nữ công gia chánh dạy làm bánh, cắm hoa, nấu ăn, trang điểm do giáo viên là các thợ lành nghề, nổi tiếng dạy miễn phí cho chị em, vì phụ nữ thời nào cũng phải biết nữ công gia chánh để làm đẹp cho mình và chăm sóc người thân, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đáp ứng được nhu cầu, sở thích của chị em, nên rất đông người đến học.
Trong các buổi sinh hoạt, cán bộ hội chỉ nói ít thôi, không lý thuyết dài dòng, tổ chức cho chị em tham gia vào các hình thức chơi bốc thăm trả lời câu hỏi, tặng quà thưởng dù giá trị nhỏ (khoảng 20 ngàn đồng), nhưng khích lệ tinh thần.

Phường 1 không còn hộ nghèo, nhưng hội vẫn duy trì 24 tổ tiết kiệm xoay vòng vốn để giúp phụ nữ cận nghèo thông qua hũ gạo tình thương, giúp thường xuyên 22 hộ hàng tháng 1,6 triệu đồng và 90 kg gạo. Trong BCH hội nuôi heo đất, tiết kiệm 1.000 đồng/ngày để giúp hộ cận nghèo cải tạo, nâng cấp nhà ở.
Chị Thiên Trà đã dành nhiều thời gian cho phong trào và tập hợp được sức mạnh của tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ, đã gặt hái nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào. Thành tích mới nhất là tập thể Hội LHPN phường 1 và cá nhân chị Thiên Trà được Thảnh ủy biểu dương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.
Diệu Hiền

Đọc thêm