Ban hành quyết định hành chính: Đề cao tính công khai, minh bạch

(PLO) - Hôm qua (14/5), Ban soạn thảo Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính đã tổ chức Phiên họp lần thứ 4 để cho ý kiến vào Dự thảo Luật và các văn bản liên quan. Chủ trì phiên họp, Trưởng Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Dự thảo Luật phải thể hiện được nguyên tắc bảo đảm tính minh bạch, công khai trong ban hành quyết định hành chính.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên họp
Nhiều quy định tản mát, riêng lẻ
Rà soát hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước ta cho thấy, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính (QĐHC) thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể và vì thế còn tản mát, riêng lẻ, không đầy đủ, trọn vẹn các vấn đề có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm tính hợp pháp, tính công khai, minh bạch, công bằng trong ban hành QĐHC. 
Các khái niệm, hình thức, chủ thể ban hành QĐHC còn được quy định và hiểu rất khác nhau; việc ủy quyền ban hành QĐHC và trách nhiệm pháp lý của người ủy quyền và người được ủy quyền chưa rõ; thiếu thống nhất về xác định hiệu lực của QĐHC, về việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, hủy bỏ, bãi bỏ QĐHC, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành QĐHC…
Những vướng mắc, bất cập trong pháp luật về ban hành QĐHC đã dẫn đến nhiều hạn chế trong thực tiễn ban hành loại văn bản này như cán bộ, công chức lúng túng trong ban hành QĐHC, người dân thì thiếu cơ sở pháp lý khiếu nại, khiếu kiện… 
Ngoài ra, chất lượng của QĐHC còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều trường hợp chưa thật sự hợp lý, khả thi, chưa bảo đảm tính công bằng, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan hành chính nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung. 
Bởi thế, việc ban hành Luật sẽ thiết lập trật tự ban hành QĐHC thông qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời không gây khó khăn hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính linh hoạt, liên tục và hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chia sẻ, đây sẽ là luật khung quy định về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC nhưng trong hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều luật khác cũng quy định trình tự, thủ tục ban hành. Vì vậy, để xử lý mối quan hệ này, Dự thảo Luật chỉ điều chỉnh những vấn đề lớn và những vấn đề hiện chưa được quy định rõ ràng như việc ủy quyền ban hành QĐHC, việc đính chính, hủy bỏ, thu hồi QĐHC… 
Liên quan đến người thân quen thì phải từ chối
Theo nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, việc cho dân tham gia vào quá trình ban hành QĐHC là cần thiết, song không thể “vin vào” sự tham gia của người dân để thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước và người dân tham gia ở mức độ nào để vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước. 
“Nên chăng chỉ tham vấn người dân trong trường hợp QĐHC gây bất lợi, QĐHC tác động đến cộng đồng nhằm đảm bảo sự phù hợp của QĐHC và tính kịp thời trong quản lý nhà nước” – ông Liên kiến nghị.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho rằng, QĐHC phải ban hành theo chế độ thủ trưởng, chứ không phải mang tính hội đồng, bởi vậy Luật chỉ nên điều chỉnh các QĐHC do cá nhân ban hành. 
Góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể của Dự thảo Luật, ông Thụ còn đề xuất làm rõ ý nghĩa của việc thu hồi QĐHC. Về mặt pháp lý, ông Thụ phân tích, thu hồi QĐHC tức là QĐHC ấy hết hiệu lực, cần hủy đi để khắc phục sai sót.
Mong muốn có Luật này để kiểm soát chất lượng của các QĐHC, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương nêu lên một thực tế về câu chuyện “thân quen” trong ban hành QĐHC, không đúng với nền hành chính văn minh hiện đại. 
Theo ông Cương, một số nước quy định khi người cán bộ được giao thụ lý, giải quyết trong lĩnh vực hành chính mà có liên quan đến người thân quen của mình thì phải từ chối, báo cáo nhằm bảo đảm tính vô tư, khách quan. Tương tự, Việt Nam cũng nên có quy định về đảm bảo sự công bằng, không phân biệt đối xử như là một nguyên tắc ban hành QĐHC.
Biểu dương ý kiến hay của ông Cương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, đối với việc ban hành QĐHC, cần đề cao nguyên tắc bảo đảm tính minh bạch, công khai, trừ những lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Bộ trưởng ví dụ, chẳng hạn vào một giờ G nào đó, một thủ trưởng đã ký 100 giấy phép hay 100 chứng chỉ thì phải công khai, nhưng Bộ trưởng nhận thấy Dự thảo Luật chưa thể hiện được nổi bật nguyên tắc này và tới đây cần quy định được như vậy.

Đọc thêm