8 chữ nằm lòng của cánh đàn ông
Bên chén nước chè xanh, ông Đào Cư Tuyển - Tổ trưởng tổ dân phố 17, làng Bắc Lãm ( phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội ) kể về lệ “ra tuần” của làng mình bằng giọng đầy tự hào: “Trong xã hội Việt Nam hiện đại, nhiều địa phương không còn lưu giữ những lệ làng như thế này nữa.
Song ở Bắc Lãm, từ thanh niên tới các ông già, mọi người đều thuộc lòng tám chữ: tuần phiên – quan viên – thủ từ - cai đám. Đó là những công việc, chức vụ mà một người con trai ở Bắc Lãm phải lần lượt trải qua từ khi sinh ra cho đến khi khuất núi. Bản thân tôi đã trải qua hai công việc là “tuần phiên - quan viên”.
Theo cách giải thích của ông Tuyển thì “tuần phiên” có thể hiểu nôm na là công việc bảo vệ an ninh trật tự của làng xã. “Quan viên” là công việc phục vụ mọi việc ở trong đình, đền, cũng có thể hiểu là “chân loong toong”, “chân đầu sai” để các cụ có chức tước trong làng sai bảo. “Thủ từ” là người trông coi đình, đền. “Cai đám” là người đứng ra lo liệu tất cả mọi việc lớn, nhỏ của làng xã.
Cách đây đúng 40 năm, khi cuộc sống của người dân làng Bắc Lãm vẫn còn phụ thuộc vào nghề làm ruộng, những người tuần phiên vừa phải đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của xóm làng, vừa phải kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ mùa màng. Mỗi năm, ở Bắc Lãm sẽ có 12 người “ra tuần”.
Các cụ cao niên trong làng lý giải về con số 12, đó là số người vừa đủ để xếp ngồi hai mâm cỗ, mỗi mâm sáu người. Đặc biệt, những người đủ tiêu chuẩn để “ra tuần” phải nằm trong độ tuổi từ 37 đến 40. Người đứng đầu danh sách tuần phiên này được gọi là thủ phiên.
Thủ phiên có trách nhiệm tập hợp những người còn lại trong danh sách và phân bổ công việc. Những tuần phiên này sẽ “ra tuần” trong vòng một năm, công việc của họ là đi tuần quanh làng xóm để bảo vệ an ninh trật tự và đi tuần quanh đồng để bảo vệ mùa màng cho nhân dân.
“Tuần phiên trong làng xóm là đi tuần để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, họ đều phải phân công nhau đi tuần, không để kẻ xấu trộm đồ của người dân, không được để xảy ra đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán…
Cùng với tốp đi tuần trong làng, một tốp khác được cử ra đồng để bảo vệ mùa màng từ lúc cày cấy cho đến khi thu hoạch. Trách nhiệm của những cai tuần này vừa trông lúa, trông hoa màu không để kẻ xấu trộm cắp hay làm hư hỏng của người dân, đồng thời còn phải lo lắng đến việc thủy nông xem lượng nước về đồng nhiều hay ít để tránh mùa màng bị thiệt hại. Để tiện cho việc trông coi, dân làng xây lên những chòi canh nhỏ để cai tuần trú nắng, trú mưa và ngủ lại qua đêm” - ông Tuyển cho biết.
Vui mừng khi được chọn
Ngày nay, diện tích đất nông nghiệp ở Phú Lương ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình đô thị nên trách nhiệm bảo vệ đồng áng của cai tuần không còn nữa. Thay vào đó, tuần phiên sẽ chuyển sang làm một công việc mới là bảo vệ an ninh trật tự tại các chương trình lễ hội hoặc những công việc chung khác của làng, xã.
Nếu như ngày xưa khi đi tuần bảo vệ mùa màng cho nhân dân, mỗi cai tuần được làng xã trả công 12 cân thóc/cánh đồng thì ngày nay công việc này hoàn toàn không có lương bổng. Thế nhưng, người dân Bắc Lãm vẫn xung phong được “ra tuần”. Trong danh sách hàng trăm đinh ở làng, người nào được gọi tên là người nấy reo hò sung sướng.
Hết một năm “ra tuần”, đến độ tuổi từ 48 – 50 tuổi, những người đã trải qua giai đoạn “ra tuần” tiếp tục được gọi vào danh sách làm “quan viên”, làm công việc “đầu sai” của các cụ như đi chợ, thổi xôi mỗi khi có dịp lễ, hội.
Trải qua giai đoạn “quan viên”, khi 68 – 70 tuổi, những người này lại được gọi vào làm “thủ từ”, người trông coi đình chùa. Điểm chung ở những giai đoạn này là những người trong danh sách khi ra trình làng, khi làm việc đều phải đội khăn xếp, mặc áo dài chỉnh tề, lịch sự.
Ở Bắc Lãm, được làm những công việc này là một vinh dự. Có không ít người đã rời làng đi làm ăn xa và thành đạt, làm ông nọ, bà kia, nhưng khi đến tuổi họ vẫn gọi điện về làng hỏi thăm đã đến lượt mình chưa?
Công việc này với họ, những người dân làng Bắc Lãm nói chung, được cho là “thắp hương thờ thánh một năm”, là công việc mang lại niềm vui, hiểu biết, kết giao được nhiều bạn bè mới, thậm chí nhiều người còn duy tâm, cho rằng công việc này được trời phật, tổ tiên ban cho nhiều may mắn. Nhưng với nhiều người dân làng Bắc Lãm, quan trọng của những công việc này vẫn là lưu giữ được những giá trị truyền thống từ xưa mà ông cha đã cố công gìn giữ và lưu truyền lại.