Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Cục trường Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Cục đã nỗ lực tập trung, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm các nhiệm vụ được giao liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị và đã đạt được một số kết quả.
Cụ thể, Cục tiếp tục phối hợp với một số đơn vị, cơ quan liên quan, Liên đoàn luật sư Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề luật sư của một số trường hợp ở các địa phương; giám sát việc chấm thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư kỳ II/2018 của Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Cục đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Sự ra đời của Hiệp hội này là kết quả của sự trưởng thành về mọi mặt của hoạt động công chứng Việt Nam. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp theo quy định của Luật, Cục đã nghiên cứu, cho ý kiến phúc đáp các Công văn đề nghị phối hợp của một số cơ quan Cảnh sát điều tra và trả lời kiến nghị của một số địa phương liên quan đến hoạt động giám định…
Trong Quý II/2019, Cục dự kiến tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp; xây dựng báo cáo việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động bổ trợ tư pháp; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng Trang thông tin điện tử về đấu giá tài sản và phần mềm quản lý công chứng…
Cũng trong buổi làm việc, các cán bộ, công chức, viên chức của Cục đã nêu những khó khăn, hạn chế còn tồn tại đồng thời đề đạt những tâm tư, nguyện vọng đối với Thứ trưởng, như siết chặt các tiêu chí cho văn phòng công chứng; phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng hoà giải thương mại; tăng cường phối hợp với Học viện Tư pháp để nâng cao kỹ năng cho các hoà giải viên. Về công tác giám định, nhiều ý kiến đồng tình cần có những văn bản chuyên sâu về thẩm định, đặc biệt phải quan tâm sát sao hơn để các đơn vị chủ động hơn trong các vấn đề thanh tra, kiểm tra…
Khẳng định công tác bổ trợ tư pháp hết sức quan trọng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu bày tỏ sự cảm ơn và trân trọng những đóng góp của Cục trong suốt thời gian qua. Theo đó, Thứ trưởng cũng nhận định phương hướng, nhiệm vụ mà Cục đề ra trong Quý II/2019 là đúng hướng, đầy đủ, xác định được nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời đề nghị có kế hoạch thực hiện cụ thể để hoàn thiện công việc, xác định được những nhiệm vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác giám định tư pháp, chuẩn bị kỹ càng cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Đối với các luật sư tư vấn pháp luật, cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là với những luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Về lĩnh vực công chứng, ông Hiếu cũng đề nghị Cục tiếp tục phối hợp để hoàn chỉnh các công việc sau Đại hội công chứng viên Việt Nam; theo dõi chặt chẽ và sát sao các văn phòng công chứng mới; đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn để áp dụng với các văn phòng công chứng, nhất là về trụ sở đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng dữ liệu cơ sở cho công chứng… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị và hứa sẽ quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn đến các công việc của Cục Bổ trợ tư pháp.