Tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả cấp phiếu lý lịch tư pháp

(PLO) - Ngày 12/10/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác thực hiện Luật Lý lịch tư (LLTP) pháp gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Tư pháp Quảng Ninh về việc thực hiện Luật LLTP. Trong các nội dung kiểm tra, công tác phối hợp trong việc cung cấp thông tin lập phiếu LLTP nổi lên như một vấn đề cần có cơ chế giải quyết tốt nhất để việc cấp phiếu LLTP cho công dân nhanh chóng, chính xác.
Ông Hoàng Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp): Việc cung cấp thông tin của các tòa án là đặc biệt quan trọng với việc xác minh và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ông Hoàng Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp): Việc cung cấp thông tin của các tòa án là đặc biệt quan trọng với việc xác minh và cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp Quảng Ninh, nhu cầu về việc cấp phiếu LLTP của công dân tỉnh Quảng Ninh ngày càng tăng. Trong khoảng 5 năm, số phiếu LLTP được cấp đã tăng khoảng gần 4 lần. Năm 2011, Sở Tư pháp đã cấp 1.554 phiếu LLTP, năm 2015, số phiếu LLTP được cấp là 4.727 phiếu. Sở Tư pháp chủ trì và thực hiện phối hợp với TAND tỉnh, Công an tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về LLTP. Việc trao đổi, cung cấp thông tin được thực hiện thường xuyên. Trong 6 năm (1/7/2010 - 1/7/2016), Sở Tư pháp Quảng Ninh đã tiếp nhận khoảng 31.400 thông tin từ các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát  và Thi hành án dân sự để phục vụ cho việc xây dựng dữ liệu LLTP của địa phương.

Thực tiễn của công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các ngành trong việc cung cấp thông tin để cấp phiếu LLTP là nội dung quan trọng được Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện Luật LLTP quan tâm, đặc biệt là thực tiễn công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp ngành Tòa án, Công an trong việc cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp. Theo ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp, thì việc cung cấp thông tin của các tòa án là đặc biệt quan trọng, nếu tòa án cung cấp không đầy đủ số lượng bản án, dẫn đến dữ liệu bị thiếu và  rỗng thì sẽ khó khăn trong việc xác minh và cấp phiếu LLTP. Vì, trong nội dung phiếu LLTP, có phần nội dung về án tích, tình trạng thi hành án dân sự, hình sự, thi hành án mà hình phạt không phải là hình phạt tù. Những bản án mà không cung cấp đầy đủ thì sẽ khó khăn đối với việc cấp phiếu LLTP.

Về nội dung này, Sở Tư pháp Quảng Ninh báo cáo công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các ngành liên quan cũng cần phải làm tốt hơn nữa. Thực tiễn việc cấp phiếu LLTP tại Quảng Ninh thì còn có trường hợp cấp muộn hơn thời gian quy định do việc cấp phiếu còn dài phụ thuộc vào việc tra cứu trao đổi thông tin giữa Sở Tư pháp với ngành Tòa án. Việc cấp phiếu muộn thường xảy ra đối với các trường hợp có án tích, cần có thời gian để các cơ quan liên quan tra cứu, xác minh thông tin.

Đại diện TAND tối cao cũng chia sẻ lý do công tác phối hợp giữa ngành Tòa án và Sở Tư pháp các địa phương nói chung và Sở Tư pháp Quảng Ninh còn chưa chặt chẽ là do quy định của pháp luật hiện nay về việc cấp bản án còn chưa hợp lý. Trong đó, pháp luật về cấp bản án quy định, khi có bản án, Tòa án phải gửi bản án về Sở Tư pháp nơi Tòa án có trụ sở. 

Quy định này đã dẫn đến việc Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội) có xét xử ở Quảng Ninh nhưng vẫn gửi về Sở Tư pháp Hà Nội (nơi có trụ sở) mà không gửi về Sở Tư pháp  Quảng Ninh nên Sở Tư pháp Quảng Ninh không có các bản án phúc thẩm do TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử các vụ án tại Quảng Ninh. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, khi hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, TAND Tối cao có nghị quyết hướng dẫn về mẫu bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì trong đó, nơi gửi bản án phải ghi rõ nơi nhận là Sở Tư pháp như một quy định bắt buộc của bản án. Như vậy, việc cung cấp thông tin của ngành Tòa cho Sở Tư pháp mới đầy đủ.

Qua kiểm tra thực tế công tác nghiệp vụ của các cán bộ làm công tác lập phiếu LLTP của Sở Tư pháp Quảng Ninh, vấn đề nổi lên chính là công tác trao đổi, cung cấp, tiếp nhận thông tin Sở Tư pháp với các ngành liên quan. Theo ông Dương Thái Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh, để việc phối hợp giữa Sở Tư pháp và các ngành liên quan trong việc thực hiện Luật LLTP tốt hơn, Sở Tư pháp Quảng Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan nội chính, tư pháp của Tỉnh xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin, để đảm bảo việc cung cấp thông tin phục vụ việc cấp phiếu LLTP được đầy đủ, thường xuyên và liên tục, vì đây là phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP quốc gia, không chỉ riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện Luật LLTP, ông Hoàng Quốc Hùng cũng khẳng định kết quả đổi mới trong công tác cấp phiếu LLTP của tỉnh Quảng Ninh và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Sở Tư pháp Quảng Ninh trong việc thực hiện Luật LLTP. Để thực hiện tốt hơn nữa việc phục vụ công dân trong việc cấp phiếu LLTP cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, ông Hoàng Quốc Hùng cũng đề nghị Sở Tư pháp Quảng Ninh nghiên cứu thay đổi cách làm còn thủ công như hiện nay (chuyên viên vẫn phải "vật vã" cầm giấy chạy từ cơ quan này sang cơ quan khác), nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp và tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của công tác trao đổi thông tin phục vụ cấp phiếu LLTP cho công dân để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Đọc thêm