Tiếp tục gỡ khó về tín dụng cho thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chung và cùng kỳ năm trước, song thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: PV)
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: PV)

Tín dụng bất động sản tăng

Hôm qua (13/11), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Hội nghị nhằm triển khai tích cực Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường BĐS và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), dự án BĐS và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng BĐS.

Báo cáo của NHNN cho biết, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Đối với lĩnh vực BĐS, đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trong đó tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng rất cao (+21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. “Điều này có thể cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả…” - bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định. Tuy nhiên, bà Giang cũng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu tín dụng BĐS đến tháng 9/2023 (2,89%) đã tăng so với thời điểm 31/12/2022 (1,72%).

“Sức khỏe” doanh nghiệp bất động sản cải thiện

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân DN BĐS, môi giới BĐS…) trong thời gian qua đã góp phần tích cực giữ thị trường BĐS. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ khó kiểm soát và đang lấy lại đà phát triển.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, “sức khỏe” các DN BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện nhưng chưa phải hoàn toàn và vẫn đang rất khó khăn. 9 tháng đầu năm 2023 số lượng DN BĐS thành lập mới tăng gấp 3,5 lần số lượng DN BĐS giải thể với 3.394 DN nhưng vẫn giảm 52,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng các sàn giao dịch BĐS vẫn đối mặt với nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực, cố gắng cầm cự. DN BĐS đang hoạt động tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn, do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng…

Phân tích nguyên nhân khó khăn của thị trường BĐS, các ý kiến đều cho rằng 70% nguyên nhân đến từ yếu tố pháp lý. Đồng thời đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS, đặc biệt dự án NƠXH. Liên quan đến nguồn vốn tín dụng, các DN đề nghị giảm thiểu các quy trình thủ tục, đẩy nhanh thời gian thẩm định dự án, đồng thời giãn hoãn các khoản nợ, giảm lãi suất thêm nữa, hỗ trợ cả cung và cầu, tháo gỡ khó khăn thanh khoản, khôi phục niềm tin thị trường...

Cần giải pháp tổng thể

Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực BĐS; phát triển thị trường vốn trung - dài hạn; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP, Công điện 993/CĐ-TTg.

Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn; Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; Thứ ba, theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua NƠXH của người dân; Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.

Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN chỉ đạo cần tăng cường công tác, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD…

Đọc thêm