Phó Giám đốc Sở NN-PTNT
Tỉnh ta là tỉnh duyên hải, với 91,5km bờ biển và 4 sông lớn chảy qua, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, song cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thuỷ triều, giông bão, lũ, lụt, úng… Xác định công tác thuỷ lợi là mặt trận hàng đầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nên suốt 65 năm qua, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngành Thuỷ lợi Nam Định đã cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong kháng chiến chống Pháp, các địa phương trong tỉnh đã đấu tranh hợp pháp với địch để đắp đê Lộ Xuyên, đê Quy Phú, đê Phú Ân (năm 1952-1953)… Hoà bình lập lại, nhanh chóng khôi phục hệ thống nông giang Nam Định, đông Ngô Đồng; làm đê kè Quy Phú, An Lá, Hữu Bị, Xuân Châu… xây dựng các cống Vĩnh Trị, Ngô Xá, Rõng, Ngô Đồng, Âm Sa, Quỹ Nhất, Thốp cùng các trạm bơm Cốc Thành, Cổ Đam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn nhân dân, bộ đội lên công trường làm thuỷ lợi; thành lập các đội 202 chuyên làm thuỷ lợi ở cơ sở. Các công trình, công trường thuỷ lợi được nguỵ trang chống máy bay Mỹ phá hoại. Đất nước thống nhất, cùng với tăng cường quản lý, khai thác hệ thống công trình thuỷ lợi, tỉnh ta xây dựng bổ sung các công trình mới như cống Hạ Miêu II, cống Múc II để tăng cường nước ngọt cải tạo vùng chua mặn phía nam tỉnh; bổ sung các công trình tiêu úng sông Chanh, Quỹ Độ… cho các huyện phía bắc tỉnh. Đến nay hạ tầng cơ sở thuỷ lợi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất cũng như đời sống nhân dân. Toàn tỉnh có 337 cống đầu mối và kênh cấp I; 35 trạm bơm điện đầu mối với 238 máy, tổng công suất bơm 1357940m3/h; 816 trạm bơm điện nội đồng với 1189 máy, tổng công suất bơm 979660m3/h; 1163 cống điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng các cấp; 3529 cống cấp II, 37836 cống cấp III và cống khoảnh; 290 kênh cấp I với tổng chiều dài 1126,1km; 3109 kênh cấp II với tổng chiều dài 3790,8km; 34711 kênh cấp III, kênh khoảnh với tổng chiều dài 9242,5km. 69 lưu vực tưới, thuộc 5 hệ thống công trình thuỷ lợi do 8 Cty TNHH một thành viên KTCTTL quản lý, khai thác; trong đó có 1 hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh do Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà quản lý. Các công trình thuỷ lợi đã phục vụ tưới tiêu cho 191661ha; trong đó tưới tiêu cho 157508ha lúa, 26143ha mạ, màu, cây công nghiệp, cây vụ đông, 7193 ha nuôi trồng thuỷ sản và 817ha cho sản xuất muối. Hiện tại các công trình đầu mối đang được triển khai nâng cấp, cải tạo bằng các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Đến nay, 11 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng như: Nâng cấp hệ thống thuỷ lợi sông Sò, nâng cấp hệ thống tiêu Hải Hậu, nâng cấp hệ thống kênh tưới chính trạm bơm Cổ Đam, cải tạo và nâng cấp kênh Quần Vinh II, nạo vét kênh An Lá, nạo vét kênh Rộc và một số cống qua đê với tổng mức đầu tư 432 tỷ đồng. Còn 16 dự án nâng cấp công trình thuỷ lợi đang thi công nhanh chóng hoàn thành theo kế hoạch với tổng kinh phí đầu tư 1070 tỷ đồng; trong đó có 11 dự án vùng tưới tiêu tự chảy, 5 dự án vùng tưới tiêu bằng động lực như: Nâng cấp và kiên cố hoá kênh Đồng Nê, kiên cố hoá kênh Trung Anh, nâng cấp 3 kênh (Cồn Nhất, Trà Thượng, Múc), nâng cấp hệ thống thuỷ lợi đông Giao Thuỷ, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi vùng Cồn Ngạn, cải tạo và nâng cấp trạm bơm và kênh trạm bơm Nam Hà. Đồng thời đang triển khai các dự án mới như hoàn chỉnh quy hoạch thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh; đầu tư nạo vét, nâng cấp, kiên cố hoá các công trình kênh, mương, trạm bơm đầu mối... với tổng kinh phí trên 490 tỷ đồng. Ngoài ra các địa phương còn tiến hành kiên cố hoá hệ thống kênh cấp III ở các xã theo chủ trương của Nhà nước hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương và xây dựng nông thôn mới.
|
Cống Trà Thượng trên đê tả sông Ninh Cơ địa phận thị trấn Xuân Trường tưới tiêu cho hơn 3000ha canh tác thuộc 6 xã của huyện Xuân Trường và một số xã của huyện Giao Thuỷ.
Ảnh: Đức Hoa
|
Hệ thống đê điều tỉnh ta có 663 km đê; trong đó có 365km đê cấp I đến cấp III, 298km đê dưới cấp III và gần 100 km kè bảo vệ các tuyến đê sông, đê biển, 282 cống qua đê. Khắc phục ảnh hưởng của bão, đê biển tỉnh ta đã được tu bổ, nâng cấp theo hướng kiên cố hoá 32 km đê tại các khu vực đặc biệt xung yếu bảo đảm an toàn công trình, chống được gió bão cấp 10 khi gặp triều cường với tần suất 5% trực tiếp đổ bộ vào tuyến đê. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay đã có 6 dự án hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng như: Xử lý đột xuất đê Công Đoàn, xử lý đê kè biển khu vực đông tây cống Thanh Niên, xử lý khẩn cấp đê kè Kiên Chính và hệ thống mỏ kè giữ bãi, xử lý khẩn cấp đê Công Đoàn - Đồng Hiệu và 8 mỏ kè đông cống Thanh Niên, sửa chữa nâng cấp tuyến I đê biển Giao Thuỷ và Hải Hậu giai đoạn I. Với các tuyến đê sông, trong những năm qua tỉnh ta đã bê tông hoá 50km mặt đê, xây dựng tường kè chống lũ tuyến hữu sông Hồng, sông Đào (thành phố Nam Định). Trong 2 năm gần đây trên tuyến đê sông đã có 3 công trình được hoàn thành với tổng mức vốn đầu tư 102 tỷ đồng là: kè lát mái chống sạt lở và tường chắn đê tả sông Ninh Cơ (Xuân Trường), kè chống sạt lở bờ hữu sông Đào (Vụ Bản), xử lý khẩn cấp kè Quy Phú (Nam Trực). Hiện tại các nhà thầu xây dựng đang gấp rút hoàn thành 8 dự án tu bổ nâng cấp đê, trong đó 5 dự án đê biển và 3 dự án đê sông với tổng mức đầu tư 765 tỷ đồng. Đó là xử lý khẩn cấp đê, kè Nghĩa Phúc và xây dựng 9 mỏ kè giữ bãi; nâng cấp khẩn cấp các đoạn đê xung yếu còn lại trên tuyến đê biển; hoàn thiện mặt cắt và kiên cố hoá mặt đê từ cống Cồn Nhì đê hữu sông Hồng đến cống số 10 đê biển Giao Thuỷ; sửa chữa, nâng cấp tuyến I đê biển Giao Thuỷ và Hải Hậu; xử lý kè Giao Hương thuộc đê hữu sông Hồng; xử lý chống sạt lở và nâng cấp đê hữu sông Hồng huyện Xuân Trường; củng cố, xử lý trọng điểm đê tả sông Đáy huyện Ý Yên. Đồng thời, triển khai các dự án mới như: Kiên cố hoá mặt đê biển từ phà Thịnh Long đến cống Quần Vinh I; cứng hoá mặt đê bằng bê tông những đoạn đê còn lại thuộc đê hữu sông Hồng và đê tả sông Ninh Cơ (Trực Ninh); nâng cấp đê biển Cồn Xanh (Nghĩa Hưng); củng cố nâng cấp các đoạn đê biển còn lại; nâng cấp công trình PCLB đê hữu sông Hồng và tả sông Đào (thành phố Nam Định); cải tạo, nâng cấp đê tả sông Đáy (Nghĩa Hưng); nâng cấp hệ thống đê tả, hữu sông Sò; trồng rừng chắn sóng giữ bãi trên các tuyến đê biển và đê sông… với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Từ thuỷ lợi, tỉnh ta đã thanh toán cơ bản cảnh "đồng trắng nước trong", "chiêm khê mùa thối" ở các huyện phía bắc tỉnh, nạn chua mặn ở các huyện ven biển; mở rộng diện tích gieo trồng hàng vạn ha trước đây chỉ cấy một vụ bấp bênh nay gieo trồng 2-3 vụ ăn chắc và hàng vạn ha khai hoang lấn biển sang trồng cấy hoặc nuôi thuỷ sản. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh dưới 3 tấn/ha/năm trước đây lên 12-13 tấn/ha/năm. Đưa tổng sản lượng lương thực từ dưới 300 nghìn tấn/năm lên 1 triệu tấn/năm. Đưa 15900 ha vào nuôi trồng thuỷ sản cả trong vùng nội đồng và vùng mặn lợ để mỗi năm có tổng sản lượng trên dưới 50 nghìn tấn thuỷ sản các loại, tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho hàng vạn lao động trong khu vực nông thôn. Trong những năm tới, công tác thuỷ lợi ở tỉnh ta vẫn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, úng, hạn… bảo vệ an toàn kinh tế - xã hội trong tỉnh, trọng tâm là phục vụ sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu nền nông nghiệp sinh thái bền vững, nông nghiệp sạch, đa dạng hoá sản phẩm. Thường xuyên tu bổ, nâng cấp, kiên cố hoá hệ thống đê biển, đê sông, nhất là những nơi xung yếu, đặc biệt xung yếu. Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuỷ nông phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Ưu tiên nâng cấp các công trình đầu mối, nạo vét và kiên cố hoá kênh mương. Bảo vệ 160 nghìn ha canh tác lúa 2 vụ ổn định, mở rộng diện tích vụ đông hàng hoá; tạo điều kiện thuận lợi cho gần 16 nghìn ha nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực quản lý, khai thác nguồn nước, chống ô nhiễm cạn kiệt nguồn nước; đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước cho các ngành kinh tế, cho sinh hoạt, phát triển nông nghiệp, chủ động tưới tiêu cho các khu đô thị, dân cư và các vùng nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, về tài sản, về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.