Qua các chặng đường cách mạng, MTDTTN Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) tuy có những tên gọi khác nhau nhưng luôn thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang: Đoàn kết, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của nhân dân cả nước.
Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh hướng mạnh các hoạt động về địa bàn KDC, đoàn kết, phát động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thi đua thực hiện hiệu quả nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nổi bật là kết quả thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" (TDĐKXDĐSVHƠKDC) và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" (NVNN) do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Đây là hai cuộc vận động lớn của thời kỳ đổi mới đất nước, đổi mới công tác mặt trận được hình thành trên cơ sở kế thừa, mở rộng và nâng cao các phong trào thi đua yêu nước trong các giai đoạn cách mạng nhằm huy động, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể cùng tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí ở KDC. Nhằm cụ thể hoá, làm cho nội dung hai cuộc vận động trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, trên cơ sở đặc thù địa phương, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã xây dựng, phát động nhiều phong trào thi đua có nội dung, ý nghĩa thiết thực, phù hợp với yêu cầu, thực tế của địa phương như phong trào xây dựng "Khu dân cư 5 không" (không có hộ nghèo, không có tội phạm ma tuý, tệ nạn xã hội, không có trẻ em thất học, bỏ học, không có người sinh con thứ ba, không có người khiếu kiện trái pháp luật); phong trào xây dựng "Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu"; phong trào xây dựng "Chùa tinh tiến"; xây dựng, phát động nhiều mô hình tự quản ở KDC như "KDC tự quản đảm bảo TTATGT", "KDC tự quản không có tội phạm, ma tuý, TNXH", "KDC tự quản bảo vệ môi trường"… Các phong trào, các cuộc vận động, các mô hình do MTTQ tỉnh xây dựng, phát động đều hướng tới mục tiêu tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực của cuộc sống do vậy luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân ở các địa phương trong tỉnh, trở thành chương trình hành động của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư. Các phong trào, các cuộc vận động, các mô hình trên đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi ở các địa phương trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; thực hiện nếp sống văn hoá, giữ gìn ANTT, đấu tranh bài trừ các loại hủ tục, TNXH, chăm lo công tác khuyến học khuyến tài, các hoạt động nhân đạo, từ thiện; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh… Sau 15 năm thực hiện (1995-2010), đến nay cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC" trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 635/3543 KDC không còn hộ nghèo; 3197 KDC không có trẻ em thất học, bỏ học, 2452 KDC không có tội phạm; 1.025 KDC không có người nghiện ma tuý; 1781 KDC thực hiện tốt công tác bảo vệ ANTT, 2176 KDC tiên tiến, 506 KDC đạt đủ "5 không"; 1456/3682 làng, tổ dân phố văn hoá; trên 800 lượt giáo xứ, giáo họ đạt tiêu chuẩn "Xứ họ đạo tiên tiến", 349 chùa đạt danh hiệu "Chùa tinh tiến", trên 370.100 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá, trong đó có 89.064 hộ gia đình Công giáo gương mẫu… Cùng với cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC", 10 năm qua, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" trên địa bàn tỉnh cũng thu được nhiều kết quả thiết thực. Được sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong 10 năm, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã vận động, quyên góp được 32,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ và sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, cộng đồng KDC, toàn tỉnh đã xây mới, hỗ trợ nâng cấp 4717 nhà ở cho hộ nghèo. Ngoài ra, còn hỗ trợ hàng nghìn lượt người nghèo vốn sản xuất, chi phí học hành, khám chữa bệnh, người gặp rủi ro đột xuất, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện nay xuống còn 6%...
|
Ban công tác Mặt trận tổ dân phố 15, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.
Ảnh: Duy Hưng
|
Cùng với việc chủ trì, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện hiệu quả hai cuộc vận động lớn, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng luôn thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, của chính quyền nhân dân. Trước các kỳ đại hội Đảng các cấp, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị nhân dân, trong đó có hội nghị các nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo các văn kiện trình đại hội Đảng các cấp. Nhiều ý kiến thiết thực, đúng đắn của nhân dân được các cấp uỷ Đảng trân trọng, tiếp thu, cụ thể hoá thành các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo. Trong các cuộc bầu cử HĐND ba cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội các khoá, MTTQ các cấp trong tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu những cá nhân tiêu biểu để nhân dân bầu làm người đại diện tại Quốc hội và HĐND địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, tổ chức, giám sát hoạt động tiếp xúc cử tri theo đúng luật định; tập hợp các kiến nghị, đề xuất của cử tri phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp. Thông qua "cầu nối" là MTTQ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có điều kiện nắm rõ thực tiễn đời sống, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại cơ sở, từ đó có sự điều chỉnh các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho phù hợp, sát với yêu cầu của thực tiễn. Trong các năm 2006, 2008, MTTQ cơ sở trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh chủ chốt tại xã, phường, thị trấn theo đúng tinh thần Pháp lệnh Dân chủ ở xã phường, thị trấn. Qua hai lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giúp cho cấp uỷ, chính quyền cấp trên đánh giá đúng hơn về năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có định hướng đúng trong việc đào tạo, quy hoạch, sử dụng. Đồng thời, giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Hiện tại MTTQ cơ sở trong tỉnh đang chuẩn bị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với các cán bộ chủ chốt tại xã, phường, thị trấn lần thứ ba…
Trải qua các thời kỳ, MTTQ tỉnh không ngừng được củng cố, mở rộng, phát triển về tổ chức. Đến nay, MTTQ tỉnh đã có 31 tổ chức thành viên. Ngoài hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, MTTQ tỉnh đã xây dựng 3543 Ban công tác mặt trận ở 3453 KDC trong toàn tỉnh với trên 34 nghìn thành viên. Thành viên Ban công tác Mặt trận KDC đều là những cán bộ các chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng. Không chỉ là những "hạt nhân" tích cực, đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động tại cơ sở, thành viên Ban công tác Mặt trận KDC còn là những người hàng ngày tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; vận động, hướng dẫn, tổ chức nhân dân cùng tham gia thực hiện…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Mặt trận của tỉnh còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Ở một số địa phương, cấp uỷ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của MTTQ nên chưa có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức. Quan hệ giữa MTTQ với chính quyền, các ngành, các tổ chức thành viên còn thiếu chiều sâu dẫn đến hạn chế hiệu quả thực hiện các chương trình phối hợp hành động. Chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở một số địa phương còn thấp. Tính hành chính trong công tác mặt trận chưa được khắc phục triệt để. Công tác giám sát của MTTQ còn yếu, mang nặng tính hình thức, nhiều nhiệm vụ giám sát mới dừng lại ở chủ trương. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân nhìn chung vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao… Thực tế trên có nguyên nhân công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ Mặt trận các cấp chưa được coi trọng. Năng lực, nhất là kỹ năng dân vận của một bộ phận cán bộ Mặt trận còn yếu. Kinh phí hoạt động của Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở không đảm bảo so với yêu cầu. Chế độ dành cho cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở quá thấp, chưa có tác dụng động viên, khuyến khích…
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận trong tình hình mới, Uỷ ban MTTQ tỉnh đang tập trung chỉ đạo MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu chung của tỉnh, của địa phương. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền. Tăng cường phối hợp hành động có chiều sâu giữa các tổ chức thành viên. Tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy; bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở có đủ năng lực, uy tín, lòng nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Mặt trận trong tình hình mới. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp, trong đó hướng mạnh các hoạt động về địa bàn KDC, tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay như xoá nghèo, đẩy lùi các loại TNXH, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… Chú trọng xây dựng các điển hình, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến. Thực hiện tốt công tác tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát trong điều kiện Nam Định là một trong những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp vận động, tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn nhân dân ở địa bàn KDC thực hiện hiệu quả hơn nữa cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" và các phong trào, các cuộc vận động khác do Mặt trận xây dựng, phát động, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác mặt trận tỉnh nhà, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị, trung tâm của khối đoàn kết, cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, chính quyền nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, vững bước cùng cả nước tiến lên trong công cuộc đổi mới, hội nhập!