Tiếp tục rót vốn cho 5 tập đoàn kinh tế Nhà nước

Năm 2011, ngân sách Trung ương sẽ chi 27.000 tỷ đồng cho tăng lương,  72.220 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, 86.000 tỷ đồng để chi trả nợ và viện trợ, đồng thời tiếp tục rót vốn cho tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Năm 2011, EVN được rót vốn để đầu tư các chương trình cấp điện. Ảnh: ĐNĐT

Năm 2011, ngân sách Trung ương sẽ chi 27.000 tỷ đồng cho tăng lương, 78.800 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, 86.000 tỷ đồng để chi trả nợ và viện trợ, đồng thời tiếp tục rót vốn cho tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Sáng 15-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 201. Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương năm 2011 là 398.679 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương

Phân bổ chi ngân sách trung ương theo lĩnh vực, Chính phủ được sử dụng 78.800 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong số này, 72.220 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản: 3.500 tỷ đồng với các dự án trọng điểm dầu khí; 66.420 tỷ đồng chi xây dựng cơ bản; và 2.300 tỷ đồng cho chương trình biển Đông hải đảo, cảnh sát biển. Chính phủ cũng tiếp tục được sử dụng tới 4.500 tỷ đồng để bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi (năm 2010 là 3.700 tỷ đồng)

Dự kiến, ngân sách sẽ dành tới 86.000 tỷ đồng để chi trả nợ và viện trợ (nợ 85.000, viện trợ 1.000 tỷ đồng) năm 2011; trong khi đó, con số này của năm 2010 là 70.250 tỷ đồng.

Trong việc điều chỉnh lương tối thiểu, tăng lương hưu…, Chính phủ sẽ dành khoản ngân sách là 27.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu, năm 2010 con số này là 22.090 tỷ đồng. 

Vốn ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn năm 2011 được chú trọng với 68.920 tỷ đồng, tăng 24,4% so với kế hoạch 2010.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong 5 tập đoàn và Tổng công ty 91 được bố trí vốn ngân sách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được phân bổ 1.324 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam được bố trí 215 tỷ đồng...

Quốc hội cũng thông qua việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia theo đề nghị của Chính phủ nhằm thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, theo đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được để lại ít nhất 50% lợi nhuận từ phần chia cho nước chủ nhà trong xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm.

Theo Chinhphu.vn - VnExpress

Đọc thêm