Độc tố trong thực phẩm và khủng hoảng niềm tin

(PLO) - Dù nội dung “Người Việt đang chết từ từ do thực phẩm” đã trở thành chủ đề tranh cãi nóng bỏng được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội kỳ này thì còn rất lâu nữa, chẳng biết là bao giờ, người Việt mới có thể yên ổn ngồi vào các bữa ăn do chính họ vất vả làm việc mới xứng đáng được hưởng.
Nhiều mẫu thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine, loại kháng sinh có hại cho sức khỏe.
Nhiều mẫu thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine, loại kháng sinh có hại cho sức khỏe.
Tại Hội thảo Quốc gia Phòng chống ung thư lần thứ 17 gần đây, Bộ Y tế và Hội Ung thư Việt Nam công bố mỗi năm Việt Nam có từ 130.000 đến 160.000 trường hợp mắc bệnh mới, trong đó có khoảng 85.000 đến 115.000 người tử vong. Nguyên nhân được cho là môi trường ô nhiễm (30%) và 40% là do sử dụng thực phẩm, đồ uống không lành mạnh.
Nhiều người nội trợ giờ đây không còn lo cân đối túi tiền khi đến chợ nữa, mà căng óc ra phán đoán thứ thực phẩm nào ít có khả năng nhiễm độc nhất, để bảo vệ gia đình. Người mua ngày càng điên đầu trước thông tin tràn ngập về các vụ bắt bớ liên quan đến nội tạng gà, heo, thực phẩm ôi thiu, thải loại của Trung Quốc... được tuồn vào Việt Nam.
Thịt heo thối không chỉ “ngậm” một đống hóa chất để trở nên “ngon mắt” mà còn bị phù phép thành thịt bò, những con tôm cũng bị tiêm hóa chất trước khi đi bán. Mực, trứng gà vịt bị làm giả đến nỗi đốt cháy hay khi luộc trở nên cứng như một... cục cao su. Chà bông giả, bẩn thỉu. Gà vịt bơm phóc môn để thành gà vườn, vịt đồng. Cua gạch bơm phóc môn và bơm gạch giả. Ngay cả rau bắp cải cũng có thể làm giả từ... bột. Hay gạo, một sản phẩm người ta nghĩ khó lòng làm giả, cũng giả nốt. Vậy sức khỏe người ăn sẽ bị đọa đày đến thế nào?
Quý 1/2015, nhiều khách hàng Việt “tưởng mình là thông minh” đã choáng váng khi hàng loạt siêu thị lớn như BigC, Metro, Lottemart... đột ngột ngừng bán “rau an toàn” giá cắt cổ dưới thương hiệu “Rau Ba Chữ” do công ty này đã “sản xuất” bằng cách... đến các chợ đầu mối gom rau trôi nổi và đóng dấu an toàn, qua mặt được công nghệ kiểm định chất lượng cao của các siêu thị hàng đầu.
13/120 mẫu rau được xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran (chất độc gây rối loạn thần kinh trung ương) vượt giới hạn cho phép.
13/120 mẫu rau được xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran (chất độc gây rối loạn thần kinh trung ương) vượt giới hạn cho phép. 
Dưới áp lực dữ dội từ nhiều phía, trong hai tháng 8 và 9/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã lấy 63 mẫu rau quả để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kết quả cho thấy, 14/63 mẫu đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép của Việt Nam. Họ cũng phát hiện nhiều mẫu thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine và 6/60 mẫu thịt lợn, gà nhiễm Salmonella. Tại TP.HCM, gần đây cơ quan chức năng phát hiện 7/35 mẫu thịt heo, gà (chiếm 20%) nhiễm Salmonella.
Trước đó ít lâu, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở các siêu thị lớn để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì phát hiện 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran (chất độc gây rối loạn thần kinh trung ương) vượt giới hạn cho phép; 12/120 mẫu có tồn dư hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người); 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên; Trong số 40 mẫu rau có thuốc trừ sâu, có 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi.
Các thông tin xấu dồn dập bủa vây khiến người tiêu dùng Việt như đang có cuộc sống đảo lộn trong hoang mang, dao động. Gần đây nhất, đoàn kiểm tra liên ngành cấp Bộ đã phát hiện một công ty chế biến thức ăn gia súc ở Hải Dương chuẩn bị dùng 14 kg chất vàng ô để pha trộn vào sản phẩm, giúp vật nuôi có màu da đẹp đẽ, bắt mắt. Đây là chất chỉ được phép sử dụng tạo màu cho công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, không được tạo màu cho sản xuất thực phẩm. Chất này đã qua thí nghiệm trên động vật, có thể gây ung thư.
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, việc sử dụng chất vàng ô trong công nghiệp vào sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm tạo màu là “hành vi vô đạo đức”. Nếu như trước đây phát hiện các vụ sử dụng chất vàng ô chủ yếu là do các hộ chăn nuôi tự phối trộn thì bây giờ đã bắt được quả tang cả doanh nghiệp cũng chủ động sử dụng chất này. Ở Việt Nam có hàng trăm công ty thức ăn gia súc khác, ai dám bảo đảm họ không mờ mắt vì tiền mà đứng ngoài cuộc “trộn vàng ô”?
Ngày xưa ông bà nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn - Không ăn một miếng lộn gan lên đầu” để răn dạy người ta cẩn trọng trước cám dỗ vật chất tầm thường. Ngày nay chúng ta nên hiểu nó theo nghĩa mới, vì nguyên liệu hình thành “miếng ăn” chính là thực phẩm. Mà thực phẩm thì không phải loại nào cũng tốt, có thể hủy hoại con người, cả về lương tâm người làm lẫn thể chất người mua, nên nó rất đỗi tồi tàn.

Đọc thêm