Cục QLTT Nam Định: Ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát thị trường trong tình hình mới

(PLVN) - Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Nam Định cho biết, đơn vị phấn đấu đến hết năm 2021, sẽ hoàn tất việc đầu tư thiết bị công nghệ và kỹ năng thực hành cho lực lượng chuyên trách, đảm bảo đáp ứng yêu cầu số hóa hoạt động của toàn bộ lực lượng theo yêu cầu chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa lực lượng.
Cục QLTT Nam Định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý gian lận thương mại.
Cục QLTT Nam Định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý gian lận thương mại.

Cục QLTT đã tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng CNTT cho Văn phòng Cục, các đội trực thuộc, đáp ứng yêu cầu làm việc trực tuyến với Tổng cục QLTT và cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ tại hiện trường. Yêu cầu tất cả cán bộ công chức triển khai đồng bộ hệ thống email và hệ thống quản lý công văn, chỉ đạo điều hành qua mạng điện tử (mail.dms.gov.vn và dms.gov.vn).

Đồng thời xây dựng website riêng với giao diện thân thiện, có đầy đủ tính năng thông tin, phổ biến pháp luật; lịch làm việc, kế hoạch kiểm tra chuyên đề và các hoạt động khác nhằm phản ánh hoạt động của lực lượng góp phần đẩy mạnh tương tác truyền thông với các cá nhân, tổ chức phục vụ công tác điều hành công vụ của Cục QLTT, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên quan để thực hiện.

Đặc biệt từ ngày 1/12/2020, Cục QLTT đã áp dụng hệ thống quản lý thông tin và xử lý vi phạm hành chính trực tuyến (INS). Trong đó, thay vì sử dụng hồ sơ giấy để quản lý toàn bộ thông tin thị trường, đơn vị sản xuất, kinh doanh, trọng điểm thương mại của tỉnh thì nay đều cập nhật trên hệ thống trực tuyến.

Việc áp dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính trực tuyến được coi là một bước đột phá trong ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ của lực lượng QLTT, tạo sự đồng bộ, giúp thống nhất liên thông quản lý, điều hành, xử lý, lưu trữ hồ sơ trong toàn lực lượng, phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, rút ngắn thời gian tổng hợp, đánh giá hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ.

Đây cũng là bước tiến quan trọng góp phần cải cách hành chính, giúp cá nhân, đơn vị phải hoàn thiện nghĩa vụ xử phạt hành chính có thể tra cứu mọi thông tin về quá trình xử lý vụ việc cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính tại kho bạc gần nhất thông qua hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, ngoài việc cho phép lập kế hoạch kiểm soát thị trường, mặc định trình tự các quy trình kiểm soát thị trường, phần mềm ứng dụng này còn tăng tính tương tác thông qua việc lắp camera ghi hình để các cán bộ làm công tác pháp chế, nghiệp vụ và lãnh đạo trực tiếp quan sát quá trình thực thi nghiệp vụ; kịp thời can thiệp, hỗ trợ phương án xử lý đối với những vụ việc phức tạp.

Theo lãnh đạo Cục QLTT Nam Định, Cục đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm cho các cán bộ công chức. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các đội trực thuộc đều áp dụng thành thục hệ thống xử lý vi phạm hành chính trực tuyến vào thực tế công việc. Cục QLTT áp dụng song song 2 hình thức thực hiện xử phạt hành chính.

Theo đó, các công chức vẫn xử lý vi phạm theo quy trình văn bản giấy và hoàn thiện hồ sơ số chậm nhất sau 2 ngày. Hiệu quả bước đầu áp dụng hệ thống xử lý vi phạm hành chính trực tuyến trong hoạt động đã được khẳng định bởi tính khoa học, chính xác, sát thực tế, không bị nhầm lẫn trong quá trình kiểm tra và tiết kiệm thời gian, chi phí so với cách làm truyền thống.

Năm 2020, Cục QLTT Nam Định kiểm tra 1.836 lượt, xử lý 638 vụ, phạt hành chính gần 1,9 tỷ đồng; hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trị giá gần 900 triệu đồng. Nhiều vụ việc nghiêm trọng chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự tiếp tục điều tra, xử lý.

Thông qua website và hệ thống xử lý vi phạm hành chính trực tuyến, Cục QLTT Nam Định đã tiếp nhận và xử lý thông tin 6 vụ việc qua đường dây nóng, chủ yếu thông tin phản ánh về việc bán khẩu trang giá cao bất hợp lý trong đợt bùng phát dịch Covid-19. Trong đó xử lý 2 vụ, phạt tiền 33,45 triệu đồng.

Đặc biệt, trong tháng 12/2020, hơn 30 vụ việc vi phạm phải xử lý đều được số hóa, công khai minh bạch về thời gian, đối tượng, hành vi vi phạm và hình thức xử lý. Việc ứng dụng CNTT toàn diện trong hoạt động nghiệp vụ là bước đột phá trong hoạt động quản lý nhân sự và nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu kiểm soát thị trường trong tình hình mới.

Đọc thêm