Kiểm soát an toàn thực phẩm: Vì sao sai phạm vẫn còn 'đất diễn'?

(PLVN) - Dù được đánh giá khá có hiệu quả trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những bất cập về chính sách.
Sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 4.000 vụ việc liên quan ATTP
Sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 4.000 vụ việc liên quan ATTP

Xử lý hơn 2.000 vụ việc 

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng tẩy xoá, sửa hạn sử dụng; Lưu thông hàng kém chất lượng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng tiếp tục diễn ra. 

Trước tình hình đó, lực lượng QLTT đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, góp phần ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn trên thị trường. Trong đó có những vụ thu giữ nhiều xe hàng chứa 5-6 tấn thực phẩm đông lạnh không có nguồn gốc xuất xứ và bốc mùi trong quá trình lưu thông. 

Nguồn tin từ các Cục QLTT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 4.000 vụ, xử lý hơn 2.000 vụ việc vi phạm ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gần 7 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 10 tỷ đồng với đủ các mặt hàng hóa vi phạm như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, thậm chí cả rau, củ, nông sản... 

Đại diện Tổng cục QLTT khẳng định, những kết quả nêu trên rất đáng khích lệ, thể hiện sự quyết tâm và cố gắng của lãnh đạo và cán bộ công chức của ngành trong việc đấu tranh chống các vi phạm về vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, số vụ vi phạm về ATTP bị xử lý tại các địa phương còn thấp so với thực tế vi phạm, chưa được như mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. 

Hàng kém chất lượng vẫn còn  “đất diễn”

Đại diện Tổng cục QLTT cho hay, đơn vị đã chỉ đạo 63 Cục địa phương tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt lưu ý đến các sản phẩm thực phẩm thuộc nhóm hàng Bộ Công Thương quản lý. 

Công tác quản lý địa bàn, theo dõi số lượng các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn luôn được chú trọng, phân công công chức giám sát, quản lý địa bàn; Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình tăng hoặc giảm số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để từ đó đề ra các phương án kiểm tra, kiểm soát phù hợp với đặc thù của từng địa phương, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. 

Thực tế, tình trạng kiểm soát ATTP còn nhiều khó khăn, bất cập như thực hiện ghi nhãn không đúng với hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng các nhãn sản phẩm này lại được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm và xác nhận cho phép sử dụng. Vì vậy, mặc dù bị phát hiện vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được.

Vấn đề chấp hành các quyết định của đoàn kiểm tra vẫn chưa nghiêm. Nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm không khắc phục các lỗi về ATTP do các đoàn kiểm tra phát hiện. Việc lấy mẫu tại các cơ sở của các đoàn thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, thấp hơn so với thực tế. 

Bên cạnh đó, hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hoặc các quy định về yêu cầu ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm còn thiếu và chưa rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho các cơ quan nhà nước quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh cơ chế quản lý nhà nước về ATTP thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm như hiện nay.

Đại diện Tổng cục QLTT cũng cho biết, dự báo trong thời gian tới, do áp lực nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng nên có thể gia tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm, gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm. Hơn nữa, do tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng chủ ý sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm ATTP nên thực phẩm kém chất lượng vẫn còn “đất diễn”. 

Ngoài ra, việc kiểm soát ATTP tại các chợ, nhất là tại các chợ ở nông thôn, nội đô, chợ cóc, chợ tạm vẫn còn bất cập, nên trong thời gian tới lực lượng QLTT tập trung rà soát, tổng hợp các vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

Đọc thêm